Theo Trung tướng Mai Hồng Bàng, trong tuần vừa qua, bệnh viện đã phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đi lấy gan tại Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu và vận chuyển tạng về Hà Nội để ghép.
Trong số năm ca ghép gan trên, có hai ca đặc biệt ghi dấu ấn sâu sắc. Trường hợp đầu tiên, Bệnh viện đã ghép thành công ca ghép gan lấy từ người hiến chết não tại Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu. Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã phối hợp tổ chức thực hiện chặt chẽ với các bệnh viện: Bệnh viện TƯQĐ 108, Bệnh viện TƯ Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đây là lần đầu tiên Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức thành công điều phối lấy tạng từ một tỉnh xa TP Hồ Chí Minh đến ba miền đất nước. Chỉ trong 20 giờ đồng hồ, kíp bác sĩ của Bệnh viện TƯQĐ 108 đã hoàn tất các công đoạn gồm: đánh giá chức năng tạng, lấy tạng và gấp rút chuyển về Hà Nội để có thể ghép trong thời gian ngắn nhất.
Ca ghép gan thứ hai là trường hợp người bố hiến gan cho con trai 13 tuổi. Cách đây năm tháng, bệnh ngu đã trải qua cuộc phẫu thuật thông liên thất. Tuy nhiên, những tuần gần đây, sức khỏe của bệnh nhi yếu đi và được chẩn đoán mắc suy gan cấp, bệnh Wilson. Đây là một rối loạn di truyền hiếm gặp khiến đồng bị tích tụ trong gan, não và một số cơ quan quan trọng khác của cơ thể.
Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau đó có chỉ định ghép gan. Em được chuyển đến Bệnh viện TƯQĐ 108 ở giai đoạn muộn, chức năng gan đã suy rất nặng. Ghép gan là cơ hội duy nhất để kéo dài sự sống cho em.
TS Lê Văn Thành – Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết “Bệnh lý Wilson là bệnh lý rối loạn chuyển hóa đồng trong cơ thể, gây ra rất nhiều rối loạn trong cơ thể từ não, ý thức, da, vận động,… Có nhiều bệnh nhân nặng sẽ phải ghép gan. Còn trường hợp của cháu bé 13 tuổi, khi vào viện, tình trạng đã rất nặng, phải lọc máu. Chúng tôi phải chuẩn bị để ghép gan cấp cứu cho cháu”.
Hoàn cảnh gia đình của em đặc biệt khó khăn. Em đã được ghép gan thành công và được hỗ trợ một phần kinh phí từ bệnh viện và các nhà hảo tâm giúp đỡ.
Bố của bệnh nhi xúc động chia sẻ: “Lúc đấy tôi không chần chừ gì, tôi quyết định hiến gan cho con. Tôi nói với con: Bố có thể cho con tất cả, chứ không riêng gì lá gan. Bố sẽ làm mọi cách để cứu được con. Bố mong con cũng cố gắng như bố để một ngày nào đó, ca phẫu thuật thành công, bố con ta cùng về nhà”.
Sau ghép, bệnh nhi này và các bệnh nhân được chăm sóc theo chế độ đặc biệt 24/24 giờ. Sức khỏe của các bệnh nhân diễn biến ổn định và theo dõi đánh giá chặt chẽ.
Trong ba năm thực hiện kỹ thuật ghép gan, tính đến đầu tháng 12-2020, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã tiến hành ghép 60 ca. Riêng trong năm 2020 – dịch Covid-19 bùng phát, nhưng bệnh viện vẫn bảo đảm ghép thành công 40 ca ghép gan. Đặc biệt, trong tám ngày qua, bệnh viện đã tiến hành ghép năm ca.
Ghép gan từ người hiến sống chiếm 95%. Chức năng sống trên một năm sau khi thực hiện ghép gan đạt 90%. Đây là một thách quả vô cùng ý nghĩa đối với Bệnh viện TƯQĐ 108 và ngành y tế Việt Nam trong tiến trình chinh phục những đỉnh cao về lĩnh vực ghép tạng, là một trong những sản phẩm đặc biệt của đề án KHCN “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người” do Bệnh viện TƯQĐ 108 chủ trì.