9 giờ giành giật sự sống từ ca ghép gan đặc biệt

NDO -

NDĐT - Ca ghép gan đặc biệt cho cháu bé 15 tuổi từ tạng của người hiến là bố ruột đã thành công trong sự thở phào nhẹ nhõm của các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức. Cháu bé mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa đồng (Wilson), suy gan nặng, cơ hội sống dưới 10% và suýt được gia đình xin về đã được hồi sinh kỳ diệu sau ca phẫu thuật kéo dài chín giờ đồng hồ.

Cháu Dương Thị Phương M. đã hồi phục sau ca mổ ghép gan từ chính bố ruột.
Cháu Dương Thị Phương M. đã hồi phục sau ca mổ ghép gan từ chính bố ruột.

Gia đình xin về, bác sĩ quyết thuyết phục bằng được

Cháu Dương Thị Phương M. (15 tuổi, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bắt đầu có triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, hôn mê gan vào tháng 2-2017. Ngày 23-3, M. có biểu hiện tỉnh chậm, suy gan nặng. Đặc biệt, chỉ số Meld lên tới 56 điểm (chỉ số này trên 25 điểm nguy cơ tử vong cao); nhiễm trùng; rối loạn đông máu.

GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, đây là một ca bệnh đặc biệt mắc bệnh rối loạn chuyển hóa đồng (wilson). Thời điểm trước mổ, cháu M. bị suy gan cấp trên nền bệnh gan mạn tính, xơ gan, đã hôn mê gan độ II, III; hệ tĩnh mạch trên gan teo nhỏ; cấp máu cho gan nghèo nàn; tĩnh mạch của gan xơ teo; rối loạn đông máu nặng phải tiến hành hồi sức lọc gan, thay huyết tương và chờ ghép gan cấp cứu.

Sau thời gian nằm điều trị ở Viện Nhi Trung ương, cháu tiếp tục được điều trị và theo dõi tại một bệnh viện tư. Tại đây, các bác sĩ tiên lượng tình trạng cháu bé xấu đi nhanh nếu không được ghép gan cấp cứu. Bố cháu bé là anh Dương Văn T. (39 tuổi) đã đồng ý hiến một phần gan cho con với mong muốn cứu được cô con gái của mình. Các bác sĩ ở hai bệnh viện đã hội chẩn nhiều lần để chọn được phương án và địa điểm cùng những kỹ thuật, vật tư tốt nhất phục vụ ca mổ.

Nhưng trở ngại diễn ra ở phút cuối, cháu bé có biểu hiện xấu đi rất nhanh. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 29-3, cháu M rơi vào tình trạng lơ mơ, phù phổi cấp. Sau khi được hồi sức ổn định để 8 giờ tiến hành ca mổ thì gia đình không đồng ý. “Cơ hội giành giật sự sống cho cháu M. còn 5-10%. Lúc đó gia đình quyết tâm xin cho cháu M. về vì sợ đánh đổi trụ cột gia đình là sức khỏe anh M. cũng không cứu được con. Mọi thứ đang hỗ trợ sinh tồn cho cháu M. đều rút ra chờ dấu hiệu kết thúc của một sự sống” – GS, TS Bùi Đức Phú nghẹn ngào cho biết.

Lúc này, ekip bác sĩ không chỉ chạy đua thời gian với sự sống chỉ còn tính bằng gang tấc với cháu M., mà còn phải ráo riết làm công tác tâm lý với những lời khẳng định quyết tâm về sự hồi sinh cho cháu bé, cùng bảo đảm về mặt kinh tế cho gia đình sau ca mổ.

“Cơ hội sống của cháu dưới 10% nếu không được ghép gan cấp cứu. Tôi đã suýt ký giấy cho cháu về nhưng rất may là sau đó gia đình đã đồng ý. Hơn 100 y, bác sĩ của ba bệnh viện rất cân não trước ca mổ đặc biệt này. Đây là một ca mổ hy hữu nhưng rất hoàn hảo với sự kết hợp chặt chẽ của các bệnh viện” – GS, TS Trần Bình Giang cho biết.

Ca ghép gan đặc biệt

Cháu bé được đưa quay trở lại phòng mổ sau khi gia đình gật đầu đồng ý vào lúc 9 giờ. Vì đây là ca cấp cứu gan nên mọi chỉ số của anh T. chỉ làm xét nghiệm thông thường. Sau khi mổ cho anh T., các bác sĩ tiến hành ngay các xét nghiệm phù hợp, mới bắt đầu lấy nửa gan phải của anh T. với thể tích khoảng 60% để thực hiện phẫu thuật ghép gan cho cháu M.

Ca ghép được tiến hành trong 9 giờ. Trong ca ghép, người bệnh có rối loạn đông máu nặng từ trước ghép, hậu quả của suy gan cấp nên việc điều chỉnh đông máu trong mổ rất quan trọng nhằm hạn chế chảy máu cho người bệnh.

PGS, TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức cho biết, cháu M. có bất thường bẩm sinh hẹp động mạch thân tạng, là gốc của động mạch gan khiến không thể thực hiện miệng nối động mạch bình thường mà phải nối dài, nối trực tiếp động mạch gan vào động mạch chủ bụng. Đồng thời, cháu bé phải thay động mạch gan từ chính nguồn mô tổ chức mà Việt Đức lưu trữ từ những người chết não hiến tạng. “Chúng tôi phải chọn kỹ thuật rút ngắn tối đa để khi kết nối động mạch hạn chế chảy máu cho cháu bé” – PGS, TS Ước cho biết.

Theo GS, TS Nguyễn Quốc Kính, Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức, Bệnh viện Việt Đức, đây là bệnh nhân nặng nhất trong 36 ca được ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức, bởi các chỉ số sinh tồn đều ở mức thấp nhất, rối loạn đông máu rất nặng, suy gan cấp tiến triển nhanh. Hệ thống mạch máu của cháu M. qua nhiều bệnh viện đã sử sụng hết khiến mạch dị dạng nên các bác sĩ phải siêu âm dò chọc mạch. Tình trạng nhiễm trùng sau mổ cũng phải theo dõi thận trọng. Thêm nữa, người bệnh trước mổ đã hôn mê nên không rõ sau mổ sẽ hồi phục ra sao. Việc sử dụng giữa thuốc miễn dịch và kháng sinh nhiễm trùng cũng phải được tính toán cân đối.

Sau ca mổ 36 giờ, cháu M. đã rút nội khí quản, tỉnh táo, tự ngồi dậy và ăn uống được. Cháu không bị sốt, các chỉ số sinh tồn ổn định và chức năng gan hồi phục tốt như dự kiến. Hiện nay, men gan cháu đang giảm tốt, Bilirubin ổn định và có xu hướng giảm (234 mmol/l); các chỉ số công thức máu ổn định và tiến triển tốt. Bố cháu là anh T. cũng có chỉ số sinh tồn ổn định, đã trung tiện và ăn uống được, chức năng gan đang hồi phục bình thường. GS, TS Trần Bình Giang cho biết, dự kiến ngày 7-4 này, anh T. sẽ được ra viện.