ND - Theo bác sĩ Hồ Trung Tuyến, Trưởng Khoa dịch tễ Trung tâm Y tế dự phòng Bến Tre hiện nay các loại vắc-xin phòng bệnh quai bị, sốt phát ban, thủy đậu không đủ để tiêm cho người bệnh vì nhu cầu tăng, trong khi các đơn vị cung cấp không có hàng dự trữ.
Nhu cầu tăng một phần do tâm lý người dân lo ngại vì hiện nay trong tỉnh đang có nhiều trẻ em mắc các bệnh trên. Tuy nhiên để có hiệu quả thì phải tiêm vắc-xin trước khi mắc bệnh, tiêm phòng sau khi mắc bệnh hiệu quả kém. Giá các vắc-xin tiêm phòng các bệnh trên khá đắt với người nghèo.
Cụ thể 105 nghìn đồng/liều phòng ba bệnh: sởi, quai bị, Rubella và từ 330 đến 360 nghìn đồng/liều phòng bệnh thủy đậu. Trong khi người dân nghèo thường hoảng lên khi thấy con em mắc bệnh mới đổ xô đi tiêm phòng! Theo số liệu từ Trung tâm Y tế Dự phòng Bến Tre, đến giữa tháng 3, toàn tỉnh có 72 ca quai bị và 114 ca sốt phát ban, trong đó có hai ca dương tính với sởi và bốn ca dương tính với Rubella.
Thêm một trường hợp chết do H5N1
* TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Y tế dự phòng và Môi trường ngày 19-3 cho biết: Vừa có thêm một trường hợp chết do H5N1. Ðây là trường hợp đầu tiên ở các tỉnh phía nam, là trường hợp thứ ba kể từ đầu năm đến nay. Ðáng chú ý, cả ba trường hợp đều đã chết. Trường hợp mới nhất là một bệnh nhi ba tuổi ở Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp, vào Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh hôm 16-3 trong tình trạng sốt nghi cúm gia cầm, được lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và phát hiện dương tính với vi-rút H5N1. Bệnh phẩm này được chuyển đến Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh xét nghiệm và cũng cho kết quả dương tính, bệnh nhi đã chết ngày 19-3. Qua điều tra dịch tễ, trước đó mười ngày gia đình có ăn thịt gia cầm ốm, chết.
Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh đang phối hợp Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Ðồng Tháp thực hiện đủ các quy trình chống dịch, tẩy uế, vệ sinh môi trường bằng hóa chất. Ngoài ra cũng theo dõi, lấy mẫu bệnh những người tiếp xúc với người bệnh và gia cầm trong khu vực để xét nghiệm.