Tượng nữ sĩ Sương Nguyệt Anh được đúc bằng chất liệu đá cao 120cm an vị trên bệ tượng tại sân Trường trung học phổ thông Sương Nguyệt Anh. Tổng kinh phí xây dựng gần 300 triệu đồng được huy động từ sự đóng góp tự nguyện của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cựu học sinh, phụ huynh và các nhà tài trợ.
Năm 2002, Trường trung học phổ thông Sương Nguyệt Anh được thành lập và vinh dự mang tên người nữ sĩ tài hoa đã sinh ra và lớn lên ở quê hương Ba Tri.
Trường trung học phổ thông Sương Nguyệt Anh có tổng số 22 lớp với 928 học sinh. Năm học vừa qua trường có 14 học sinh giỏi cấp tỉnh; kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 325/325 học sinh đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ 100%.
Trao học bổng cho học sinh nghèo, hiếu học nhân dịp khai giảng năm học mới. |
Dịp này, Ban Giám hiệu nhà trường đã trao 58 suất học bổng cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học.
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê, sinh năm 1864 tại An Bình Đông (nay là xã An Đức, huyện Ba Tri), là con thứ tư của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
Từ nhỏ, Nguyễn Thị Khuê đã có tư chất thông minh, tư dung thanh nhã, lại kế thừa tiết tháo của cha nên sớm bộc lộ cả tài năng lẫn nhân cách, tài sắc vẹn toàn. Bà đã làm nhiều bài thơ thắm đượm lòng yêu nước, thương dân với bút hiệu Nguyệt Nga, Nguyệt Anh và sau là Sương Nguyệt Anh.
Năm 1917, Sương Nguyệt Anh được mời làm chủ bút tờ Nữ giới chung. Bà là người nữ chủ bút tờ báo đầu tiên ở nước ta. Bà mất năm 1921 và hiện được an táng trong khu lăng mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
Nhắc đến Sương Nguyệt Anh, người ta thấy ở nơi bà một nhà thơ, nhà báo yêu nước, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp văn chương, báo chí nước nhà. Tên tuổi của bà được nhắc nhiều trên văn đàn công khai ở Nam Bộ trong những năm đầu thế kỷ XX.