Bên phá Tam Giang

Sáng sớm, sương mù phủ kín những lối mòn chông chênh cát trắng, trĩu chân người. Phá Tam Giang đẹp huyền ảo, chầm chậm hiện lên trong nắng ban mai, lúc tỏ lúc mờ.
0:00 / 0:00
0:00
Bến đò du lịch trải nghiệm phá Tam Giang tại làng Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Bến đò du lịch trải nghiệm phá Tam Giang tại làng Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Càng tiến gần mặt nước, mới nghe le lói tiếng người vạn chài cất lên gọi nhau. Giữa mênh mông, cảm xúc khó tả của người lạ khi bước lên thuyền ngao du dòng phá, lại trào dâng trước một khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa bình yên.

“Nỗi sợ Tam Giang” trong câu vè xưa chẳng khiến con người nao lòng, run rẩy trước sóng nước mà còn thêm phần háo hức, khám phá, trải nghiệm cửa biển của xứ Huế. Dân phá giờ đã rời thuyền lên bờ định cư nhưng chưa bao giờ bỏ quên sông nước, bỏ quên cá tôm. Có chăng, họ học thêm cách làm du lịch bền vững để giữ mãi sức sống Tam Giang…

Mưu sinh con nước

Theo một nghiên cứu thì phá Tam Giang bắt nguồn từ cửa sông Ô Lâu, chạy dài đến cửa Thuận An với diện tích mặt nước 52 km2 rồi đổ ra biển. Phá cùng hai đầm Thủy Tú và Cầu Hai hợp thành hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á. Bởi vậy, nơi đây là vựa thủy sản rất đa dạng. Trải dài dọc phá, nơi dân thủy diện sinh sống đều tồn tại những chợ nổi sôi động từ 4 giờ sáng hằng ngày bán mua thủy sản địa phương. Và len lỏi trong đó, không khó để bắt gặp cảnh chợ nhỏ lẻ nhưng góp phần nuôi sống cả một ngôi làng, đời này qua đời khác.

Chợ cá nhỏ của thôn Sơn Công, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền không biết ra đời tự lúc nào, nhưng lại là nơi mưu sinh của hàng chục hộ dân nhờ nghề chài lưới trên phá Tam Giang. Hằng đêm, dân chài Sơn Công thả lưới rồi cả gia đình ngủ luôn trên thuyền neo ngoài phá. Sáng sớm ban mai, họ kéo lưới và mang sản phẩm đánh bắt vào bờ bán.

6 giờ sáng, bà Phạm Thị Lựu đã kịp trở lại thuyền sau khi bán được mẻ cá với giá 142 nghìn đồng. Sau đó, bà lại xuôi ra giữa dòng để vớt rong rêu mang bán cho những cơ sở nuôi cá trắm. “Mấy bao tải rêu to có giá thấp hơn cá tôm nhưng lại cho nguồn thu ổn định. Dân chài kiếm được 250 nghìn đồng/ngày là đủ vui rồi”, bà Lựu nói.

Trước nhiều đổi thay, mưu sinh với con nước không còn đơn thuần chỉ là nghề chài lưới. Theo dân phá, thiên nhiên ưu đãi là vậy nhưng không phải lúc nào cá tôm cũng nhiều. Từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch hằng năm, sản lượng thu hoạch ít, có khi chỉ còn một phần ba so với mùa cao điểm. Từ lẽ đó, nhiều dân chài đã chuyển hướng mưu sinh phù hợp để vừa giúp mình, vừa giúp người làng sống ổn định với nghề.

Vợ chồng ông Phạm Văn Trực và bà Võ Trà My, rời thuyền để buôn bán cá cách đây hơn 20 năm. Sự khổ cực, bấp bênh của nghề đánh cá từng khiến ông Trực rẽ hướng học may. Nhưng rồi lấy vợ, sinh con, sống bên phá nước quê hương, số phận lại run rủi đưa ông trở lại với Tam Giang.

“Hằng ngày, vợ chồng tôi rời nhà từ sáng sớm, len qua những con đường ngoằn ngoèo dẫn đến bãi sông. Trông vậy chứ đây là chợ chài chính của làng với hàng chục thuyền đánh bắt thủy sản trên đầm tụ hội, bán buôn”, ông Trực kể. Để tối ưu tiền lời, vợ chồng ông Trực không chỉ cung cấp thủy sản qua các chợ đầu mối, mà còn trực tiếp ngồi bán tại một sạp cá ở chợ Tây Lộc (thành phố Huế).

Cá tôm nơi đây từng “nuôi” ông Trực lớn khôn trên chiếc thuyền chênh vênh, vừa là nhà, vừa là công cụ mưu sinh. Và rồi, cá tôm cũng giúp vợ chồng ông nuôi sống ba người con đều học đại học, thành tài. Mưu sinh con nước vừa làm kinh tế, vừa tạo ra văn hóa sống bền vững bên phá Tam Giang, từ đó thúc đẩy dân làng chài thích ứng thời đại, học hỏi cách làm cho thu thập cao, bền vững hơn từ du lịch.

Ngư dân kiếm tiền từ du lịch

Phá Tam Giang là địa danh nổi tiếng khi nhắc tới Huế. Thế nhưng, du lịch phá mới chỉ khởi sắc những năm gần đây. Vẫn là con thuyền lênh đênh trên mặt nước, vẫn là cá tôm tươi sống của hệ đầm phá tự nhiên, người chài giờ đỡ cực mà lại kiếm được nhiều tiền hơn nhờ du khách gần xa đến du ngoạn Tam Giang.

Bên phá Tam Giang ảnh 1

Phá Tam Giang trong sương sớm.

Chị Nguyễn Thị Dự, sinh năm 1982, dân làng Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi) nhiều năm gần đây cùng em trai làm du lịch trên phá Tam Giang. “Mùa du lịch trên phá tương đồng với mùa cá tôm. Từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, phá nhiễm mặn, cá tôm đủ đầy cũng là mùa mưa thuận gió hòa, khách đến nhiều. Thời điểm này, chị em tôi gần như tập trung vào làm du lịch”, chị Dự kể.

Mùa này còn gọi là mùa nước lợ, nước phá sâu nhất chỉ mấy mét và trong vắt do cá tôm nhiều, ăn cạn rong tảo, nhờ vậy mà nước không bị vẩn đục, nhìn sâu tận đáy. Du khách có thể thả mình giữa dòng mát lạnh, chân lội nước, thử thách dậm trìa (một loại hến) và được thưởng thức ngay trên thuyền.

Dân chài làm du lịch mấy tháng cao điểm này thắng đậm, như chị Dự chỉ làm công việc nấu ăn, tùy lượng khách mỗi chuyến, có thể kiếm từ 300 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng. Một tuần, nhiều khi khách đặt tour quá đông, người làng Ngư Mỹ Thạnh lại san sẻ cùng nhau, nhà này giới thiệu khách cho nhà khác chứ chẳng phải tị nạnh, thu vén riêng mình.

Anh Nguyễn Xự, sinh năm 1985, người chài đích thực của Tam Giang, nhiều năm qua tự gây dựng nên thương hiệu cá nhân tổ chức tour khám phá Tam Giang có tiếng xa gần. Người đàn ông này cũng bởi vậy, đã trải qua nhiều vui buồn khi làm du lịch trên sóng nước quê hương. “Lớn lên trên thuyền, tôi thuộc lòng vùng phá từ bé. Nhưng đánh bắt cực lắm, mùa nước ngọt từ tháng 9 đến tháng 12 do mưa nhiều, cá tôm chẳng có. Nếu làm du lịch thì kể cả mùa thấp điểm vẫn có thể có cách hút khách”, anh Xự chia sẻ.

Mùa mưa bão hằng năm là “đặc sản” của Huế, không riêng gì dân phá Tam Giang. Mùa này, dù một tuần chỉ có vài chuyến khách đặt tour nhưng chỉ cần nghĩ ra được cái hay, hấp dẫn đặc trưng thì khách vẫn tìm đến. “Tôi chọn theo lịch trình hằng ngày của dân chài để đưa ra những điểm đến, trải nghiệm phù hợp cho từng mùa. Mùa cao điểm thì đẩy mạnh tour trải nghiệm, mùa thấp điểm thì tập trung làm tour ăn uống. Chỉ cần bước chân lên thuyền, rong ruổi giữa cảnh phá mênh mông thì dù nắng hay mưa, khách vẫn phản hồi tích cực”, anh Xự cho biết.

Dân làng chài Ngư Mỹ Thạnh mới đầu làm du lịch rất khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, lại không biết quảng bá cho nên khách chưa nhiều. Những năm đầu, tiền tour thậm chí còn không đủ chi phí hoạt động. Như lúc anh Xự mới tập làm du lịch, đến mùa thấp điểm còn phải đi bán quần áo để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Khó khăn nhất là giai đoạn 2019-2021, dịch bệnh bùng phát, nghề du lịch ở phá gần như “thoi thóp”. “Giai đoạn này ở nhà, dân làng chài lại có cơ hội tìm hiểu, học truyền thông du lịch qua mạng xã hội. Thực tế là mọi người giờ chuộng tìm điểm đến qua các video ngắn do các bạn có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) giới thiệu…”, anh Nguyễn Xự kể.

Sau dịch, anh Xự tự học cách làm nội dung, giới thiệu tour trên facebook, zalo. Anh còn nhờ KOL giới thiệu du lịch phá Tam Giang qua các kênh tiktok “triệu view”. Kết quả hơn cả mong đợi khi năm 2024, khách đông đột biến, người làm du lịch ở Ngư Mỹ Thạnh khởi sắc doanh thu.

Nhưng cũng từ đó, dân làng chài hiểu rõ, muốn duy trì ổn định lượng khách đến thì phải làm du lịch thật sự chuyên nghiệp, phối hợp với các đối tác khác để tối ưu dịch vụ; đặc biệt là phải cùng nhau giữ gìn cảnh quan tự nhiên “trời cho” của phá Tam Giang.

“Xã Quảng Lợi hiện có 20 hộ tham gia Hợp tác xã du lịch Tam Giang. Từ thuyền cũ đến thuyền mới, anh em thường xuyên nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường. Chủ nhật hằng tuần, nhóm du lịch cộng đồng sẽ cùng nhau dọn vệ sinh. Mấy năm gần đây, chúng tôi kêu gọi các tình nguyện viên từ nơi khác đến vừa trải nghiệm, vừa góp phần làm sạch phá Tam Giang”, chị Nguyễn Thị Dự cho biết. Chỉ trong năm 2024, hai lần đến trải nghiệm Tam Giang, du khách Lê Đại Dương chia sẻ: “Mình chọn trở lại bởi cách làm du lịch tự nhiên mà chân chất của người dân bản địa. Được thả mình giữa dòng nước trong lành, chèo thuyền kayak xuyên qua những hàng bần chua, trên những cung đường nước Tam Giang, mọi sự vất vả của thường ngày đều tan biến”.

Người vạn đò xưa dặn nhau thả con cá, con tôm nhỏ trở lại nước mẹ để không đánh bắt tận diệt. Người làng chài ngày nay truyền tai nhau bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng nước để đón du khách trở lại. Nhưng điều đặc biệt là cả xưa và nay, ngư dân nhắc nhở nhau làm theo mà chẳng bao giờ phải to tiếng, vì ai cũng hiểu rõ, phá là nguồn sống, là dòng nước vĩnh cửu ôm ấp các thế hệ Tam Giang trưởng thành, lập nghiệp trên quê hương.

Cuộc mưu sinh chài lưới gian truân đã bớt khó, người làng Ngư Mỹ Thạnh nhiều năm nay tổ chức lễ hội đua ghe nức tiếng xa gần, các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ kết nối tình làng nghĩa xóm diễn ra nhiều lên. Từ đó, ra đời những đường tranh bích họa nổi tiếng của làng ngư nghiệp này vừa thêm hút khách du lịch, vừa khẳng định sức sống mãnh liệt bên phá Tam Giang.