Bên dãy Trường Sơn hùng vĩ

Bài 2: Điểm tựa miền biên cương

“Lấy dân làm gốc”, những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thực hiện tốt phương châm “ba bám”, “bốn cùng”, không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Nhờ đó đã tập hợp và phát huy được vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh địa phương.

0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) với trẻ em dân tộc Khơ Mú.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) với trẻ em dân tộc Khơ Mú.

Dọc đường biên giới trên bộ ở miền tây xứ Nghệ là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo ở đây còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Làm thế nào để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là câu hỏi, cũng là đích đến đang được các cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đây rốt ráo thực hiện.

Phó Bí thư mang quân hàm xanh

Năm 2012, Trung tá Hồ Xuân Tuyến được điều động về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang (huyện Tương Dương), địa bàn sinh sống của năm dân tộc: Thái, Kinh, Khơ Mú, Đan Lai và Tày Poọng. Bên cạnh những khó khăn của khu vực biên giới, vùng cao, Tam Quang còn là địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự xã hội bởi tỷ lệ người nghiện ma túy cao nhất, nhì huyện. Ngã ba Khe Bố dù nằm ở trung tâm xã nhưng người dân rất ái ngại khi đi qua đây.

Bài 1: Các anh về mái ấm, nhà vui

Qua quá trình khảo sát, thâm nhập địa bàn, Trung tá Hồ Xuân Tuyến thấy rằng, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 60% dân số, khát vọng thoát nghèo của nhiều người dân chưa cao, còn trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, trình độ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, công tác phát triển Đảng không tạo được nguồn, các đoàn thể ở thôn, bản hoạt động cầm chừng...

Thời điểm về địa bàn nhận công tác cũng là lúc xã Tam Quang bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Hồ Xuân Tuyến nhận định, trong 17/19 tiêu chí chưa đạt chuẩn thì “xây dựng hệ thống chính trị xã vững mạnh” là tiêu chí nền tảng, cần ưu tiên thực hiện trước.

Sau khi tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy xã xây dựng, ban hành Nghị quyết chuyên đề “Về lãnh đạo nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên Đảng bộ xã Tam Quang giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo”, một kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và đội ngũ cấp ủy, ban quản lý bản đã được xã gấp rút xây dựng, thực hiện.

Riêng Phó Bí thư Hồ Xuân Tuyến trực tiếp hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã khắc phục điểm yếu về công nghệ thông tin, kỹ năng soạn thảo văn bản. Nhờ đó, đến nay 100% cán bộ đã sử dụng thành thạo máy vi tính. Tam Quang là một trong số ít đơn vị cấp xã xây dựng giáo trình điện tử, sử dụng máy chiếu trong quán triệt các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong công tác phát triển Đảng, Phó Bí thư Hồ Xuân Tuyến mạnh dạn đề xuất Trung tâm Chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng ở xã để tạo nguồn ổn định; đồng thời phân công mỗi đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách và giúp đỡ hai hoặc ba chi bộ bản; trong đó đồng chí Tuyến gương mẫu chọn ba chi bộ bản biên giới khó khăn nhất là: Tân Hương, Tùng Hương, Liên Hương để tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy, tiếp thu cái hay, cái mới.

“Với cách truyền đạt dễ nghe, chúng tôi hiểu vào Đảng là để tiếp thu tốt hơn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, để xây dựng mối đoàn kết, cùng nhau tiếp thu kỹ thuật, kiến thức để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Trước là làm giàu cho bản thân, sau là truyền dạy cho bà con trong bản để học tập và làm theo”-đồng chí Vy Văn Phăn, Chi bộ Tùng Hương nói.

Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang Nguyễn Hoàng Sơn đánh giá, từ một xã biên giới khó khăn, Tam Quang trở thành xã biên giới đầu tiên ở tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến cuối năm 2023, địa phương sẽ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Sự bứt phá, vươn lên của địa phương có sự đóng góp, đồng hành của cán bộ biên phòng tăng cường về giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã.

Gắn bó với cán bộ, nhân dân các dân tộc thiểu số từ lâu, Thượng tá Nguyễn Văn Hiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Keng Đu (huyện Kỳ Sơn) cho rằng, điểm dễ nhận thấy nhất ở một bộ phận cán bộ, công chức tại các xã biên giới, rẻo cao là tác phong làm việc còn cảm tính, do các mối quan hệ trong dòng họ; việc chấp hành các nội quy, quy chế chưa nghiêm; hệ thống lưu giữ văn bản theo kiểu cũ, triển khai các công văn giấy tờ chậm...

Muốn khắc phục hạn chế đó, trước hết bản thân mình phải gương mẫu, có tác phong, lề lối làm việc, cung cách phục vụ nhân dân chuẩn mực để anh em soi vào. “Thông qua quá trình bám dân, bám bản, thực hiện chức trách của Phó Bí thư Đảng ủy xã là sĩ quan biên phòng, lề lối, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ trên địa bàn từng bước đi vào nền nếp, các địa phương đã khắc phục được tình trạng làm việc tùy tiện trước đây. Sự tận tâm, tận lực của các đồng chí đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con khu vực biên giới”-Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Văn Hòe đánh giá.

Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, sau hơn 20 năm cử cán bộ Bộ đội Biên phòng tham gia cấp ủy địa phương, đảm nhiệm chức danh phó bí thư đảng ủy xã, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến thôn, bản tại các địa bàn nêu trên không ngừng được củng cố, kiện toàn; chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng được nâng lên; kinh tế-xã hội có bước phát triển, nhiều mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn được xây dựng và nhân rộng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.

Những cánh tay nối dài

Chúng tôi có mặt tại bản biên giới Na Khướng, xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) dự buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Mở đầu buổi sinh hoạt, dù không ai bảo ai nhưng các thành viên đều mang theo một túi gạo để góp vào “Hũ gạo tiết kiệm”. Theo chị Lương Thị Bông, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, đây là hoạt động thường niên của câu lạc bộ nhằm hỗ trợ các gia đình khó khăn trong bản.

Sau vài phút ổn định tổ chức, 43 gương mặt đầy hứng khởi, chăm chú đều hướng vào bàn chủ tọa-nơi Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lương Thị Bông và Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên (Đồn Biên phòng Na Ngoi) đang thông báo về tình hình, kết quả hoạt động quý I/2023 của Câu lạc bộ Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Bên cạnh việc biểu dương những thành viên tích cực tham gia chương trình văn nghệ chào mừng Ngày hội Biên phòng toàn dân, tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình và kế hoạch phối hợp tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, chị Lương Thị Bông mạnh dạn chỉ ra những hạn chế như: một số chị em chưa chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, vẫn còn tình trạng ngại tiếp cận, áp dụng phương thức sản xuất mới...

Thay mặt Đồn Biên phòng Na Ngoi, Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn thông báo, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống mua bán người, vận động bà con không xuất cảnh trái phép, nâng cao ý thức cảnh giác của phụ nữ trước âm mưu của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội... “Các thông tin, nội dung sinh hoạt được chị em trong câu lạc bộ tiếp thu nghiêm túc, ý thức, trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn an ninh biên giới của chị em được nâng lên”-Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Ông Vì Văn Chinh, ở xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) là người dân tộc Mán, từng tham gia bộ đội, với uy tín và trách nhiệm của mình, nhiều năm nay, ông Chinh đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn. Ông được xem là hạt nhân nòng cốt trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Ông Vì Văn Chinh chia sẻ: Tôi luôn tự nêu gương và thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh người dân khu vực biên giới nói chung, 63 hộ đồng bào dân tộc Mán nói riêng phải nghiêm túc chấp hành pháp luật, chí thú làm ăn và nhiệt tình giúp đỡ Bộ đội Biên phòng. Do vậy, người dân nơi đây không tiếp tay cho tội phạm, không xâm nhập biên giới trái phép, không đưa người vượt biên, không vào rừng khai thác lâm sản, có ý thức đấu tranh với các tệ nạn xã hội và luôn đề cao cảnh giác với tội phạm.

Theo Thượng tá Hồ Năng Bảo, Phó Chủ nhiệm Chính trị Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, cho nên ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tích cực đồng hành, hỗ trợ Bộ đội Biên phòng bảo vệ an ninh biên giới. Họ là những “cánh tay nối dài”, là những “cột mốc sống”, “lá chắn mềm” nhưng đầy kiên cố nơi biên giới, hải đảo. Qua đó, góp phần cùng Bộ đội Biên phòng giữ vững sự bình yên nơi biên cương, xây dựng “thế trận quốc phòng toàn dân” và “nền biên phòng toàn dân” vững chắc.

Thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, đã có 7.464 hộ gia đình ở Nghệ An và Hà Tĩnh đăng ký tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc; gần 30.000 cá nhân tham gia “Tổ tự quản an ninh, trật tự xóm, bản” và gần 8.000 thuyền viên tham gia “Tổ tàu, thuyền an toàn”...