Bài 1: Các anh về mái ấm, nhà vui
Từ đỉnh Phù Xai Lai Leng, “nóc nhà” của dãy Trường Sơn hùng vĩ nhìn về tứ bề là núi non điệp trùng, bao la, mầu xanh của những cánh rừng nguyên sinh hòa lẫn với mây trắng tinh khôi, bồng bềnh. Nơi ấy, cuộc sống của người dân các bản làng người Khơ Mú, H’Mông, Thái… giữa lưng chừng núi, tận sâu miền biên viễn đang thay đổi từng ngày nhờ bàn tay, bầu nhiệt huyết của các cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh.
Người con của bản
Bản Huồi Thum cách trung tâm xã Na Ngoi, huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) 15km đường rừng, với địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Nơi đây có gần 40 hộ dân người dân tộc Thái và Khơ Mú sinh sống. Bà con sống chủ yếu bằng nghề săn bắt, đốt nương làm rẫy; luôn đối mặt với cái đói, cái nghèo, dịch bệnh. Làm thế nào để thay đổi cuộc sống của bà con luôn là điều trăn trở đối với Thiếu tá Ngũ Quang Hùng, nhân viên Ðội vận động quần chúng, Ðồn Biên phòng Na Ngoi (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) khi được Ban Chỉ huy Ðồn giới thiệu chuyển sinh hoạt đảng tạm thời tại Chi bộ bản Huồi Thum.
Qua tìm hiểu đặc điểm về thổ nhưỡng, thời tiết, phong tục của bà con nơi đây, Thiếu tá Hùng thấy rằng, muốn nói cho người dân nghe, trước hết phải làm cho bà con thấy. Sau nhiều lầm trăn trở, Thiếu tá Hùng đã lựa chọn gia đình ông Bùi Văn Tuấn và ông Bùi Văn Nhâm để xây dựng mô hình trồng lúa nước và rau sạch ở Huồi Thum.
Ðối với dân bản vốn quen với cuộc sống mưu sinh dựa vào tự nhiên, việc thay đổi phương thức từ làm lúa rẫy sang lúa nước không hề đơn giản. Vì vậy anh Hùng phải kỳ công hướng dẫn cho họ cách cầm cày, cầm bừa như thế nào để làm ải đất; lựa chọn giống lúa phù hợp, rồi cách ủ giống, đến gieo mạ, làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh... theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Khi lúa chín, Thiếu tá Hùng lại xắn quần lội ruộng cùng giúp họ thu hoạch. Ngay vụ mùa đầu tiên, hai gia đình này thu được 1,5 tấn thóc. Nhận thấy hiệu quả, các hộ dân khác trong bản hưởng ứng làm theo.
Ðến nay, các hộ dân ở bản Huồi Thum trồng lúa nước thay cho phát nương làm rẫy. “Nhờ có Bộ đội Hùng hướng dẫn và cùng làm giúp, nay gia đình tôi đã có nhiều thóc để ăn, không sợ đói, bà con vui lắm!” - ông Bùi Văn Tuấn nói. Từ chỗ thiếu ăn, đói khổ, những gia đình được anh Hùng hướng dẫn nay đã đủ ăn, có hộ còn tích lũy và mua sắm được các vật dụng đắt tiền phục vụ lao động sản xuất và nhu cầu cá nhân. Hộ ông Bùi Văn Tuấn, sau hơn ba năm trồng lúa nước đã mua được máy cày, máy xát thóc.
Rút kinh nghiệm từ hai hộ dân đầu tiên, Thiếu tá Hùng mạnh dạn đề xuất Ðồn Biên phòng Na Ngoi huy động cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ, hướng dẫn một số hộ dân có tinh thần cầu tiến làm đất, làm luống, rào vườn, chăm sóc rau… Ðồng thời, vận động Tổng đội Thanh niên xung phong 10 hỗ trợ hạt giống bắp cải, cải ngọt, cải ngồng và phân bón các loại. Sau một thời gian chăm sóc, vụ rau sạch đầu tiên đem lại lợi ích kinh tế rất thiết thực.
Tiêu biểu như gia đình ông Xeo Văn Tiến, thu nhập 24 triệu đồng trên diện tích 600m2; gia đình ông Bùi Văn Tuấn thu nhập 30 triệu đồng trên diện tích 1.050m2; gia đình ông Moong Văn Khăm thu nhập 20 triệu đồng trên diện tích 550m2. Ðể tiêu thụ rau, anh Hùng lại lặn lội đến Nhà máy Thủy điện Ka Nan và các nhà trường bán trú trên địa bàn để chào bán rau giúp bà con. Nhờ vậy, rau sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tạo thêm động lực giúp người dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Tiếp nối nhiệt huyết, thành công từ bản Huồi Thum, khi chuyển công tác đến Ðồn Biên phòng Nậm Càn, Thiếu tá Ngũ Quang Hùng tiếp tục đảm nhận giúp đỡ năm hộ theo sự phân công của Ðảng ủy Ðồn. Ði đến nơi đâu, người đảng viên mang quân hàm xanh ấy cũng được dân tin, dân quý. Hiểu được tâm lý, tập quán canh tác của bà con, Thiếu tá Hùng không quản ngại gian khó, lặn lội mang giống lúa mới ngắn ngày, khỏe, chịu hạn, kháng bệnh tốt, gạo lại dẻo thơm từ quê nhà Diễn Châu lên để trao truyền phương thức canh tác mới cho dân bản. Ðể các gia đình tin, Thiếu tá Hùng cùng với đồng đội Ðồn Biên phòng Nậm Càn đã mượn ruộng của một số gia đình và trực tiếp gieo trồng giống lúa mới. Sau hai vụ mùa thành công, các hộ dân đã tin tưởng và trồng giống lúa mới.
Theo Ðại tá Trần Ðăng Khoa, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, đến thời điểm hiện nay, đơn vị đã phân công 579 cán bộ, đảng viên biên phòng (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) về các bản làng giúp 2.671 gia đình các dân tộc thiểu số ở dọc biên giới phát triển các mô hình kinh tế, xóa đói, giảm nghèo theo hướng bền vững.
Ðồng thời, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai Ðề án “Xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản cung cấp con giống cho nhân dân khu vực biên giới phía tây tỉnh Nghệ An” tại 20 đơn vị cơ sở Bộ đội Biên phòng tỉnh, cấp hơn 1.200 con lợn giống cho gần 400 hộ nghèo trên địa bàn biên giới.
Việc vận động người dân thay đổi giống lúa mới, tăng năng suất trên diện tích đất trồng; hỗ trợ cây con giống, phát triển mô hình VACR đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm mới trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn…
Giúp người Chứt vượt khó khăn
Từ một tộc người đứng trước nguy cơ diệt vong, bà con dân tộc Chứt đã được tiếp sức và hồi sinh mạnh mẽ dưới chân núi Ka Ðay (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Trải qua thời kỳ vượt khó khăn đầy cam go, dấu ấn của người lính biên phòng đã in đậm trong tâm thức của các thế hệ người Chứt ở bản Rào Tre.
Trung tá Nguyễn Tiến Khánh, Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), nguyên Chính trị viên Ðồn Biên phòng bản Giàng, là một trong những người gắn bó lâu năm với đồng bào Chứt, kể: Những năm 60 của thế kỷ trước, khi phát hiện ra nhóm người lạ ở hang đá, sống bằng săn bắt, hái lượm trong khu vực rừng sâu giáp tỉnh Quảng Bình và khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã tiếp cận vận động người dân rời xa cuộc sống nguyên thủy, rồi giúp bà con lập bản tạo dựng cuộc sống mới ở Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê).
“Từ luống cày đầu tiên được đồng chí Võ Trọng Việt, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đặt xuống, đến nay người Chứt đã tự trồng được lúa nước, hoa màu trên diện tích 3ha tại cánh đồng Ka Ðay; hàng chục con trâu, bò được bà con chăm sóc nay đã sinh sôi nảy nở. Ðã có con em người Chứt là sinh viên ở giảng đường đại học. Chi bộ đảng người Chứt trở thành hạt nhân để định hướng, lãnh đạo, hỗ trợ bà con vươn lên. Tình trạng hôn nhân cận huyết, mê tín dị đoan đã được loại bỏ…” - Trung tá Nguyễn Tiến Khánh chia sẻ.
Cùng chung niềm vui trước sự thay đổi lớn lao ở bản Rào Tre, Ðại tá Nguyễn Thái Bình, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết, sự hồi sinh của người Chứt là kết quả của cả một quá trình dấn thân, tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh. Với tinh thần gần dân, bám bản, bám địa bàn, lực lượng biên phòng Hà Tĩnh đã trăn trở, tìm tòi các giải pháp để vận động, thuyết phục, hướng dẫn bà con từng bước thay đổi nếp sống, loại bỏ hủ tục, mê tín, dị đoan, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Ông Hồ Púc, người từng là thầy mo của bản Rào Tre chia sẻ: “Ðược quân y bộ đội biên phòng tuyên truyền, tôi và bà con đã bỏ các tập tục lạc hậu, ốm đau là đến trạm xá quân y chứ không còn cúng ma, lấy lá rừng về uống như trước đây nữa. Tôi bị đau dạ dày, nhờ quân y Long bốc thuốc, hướng dẫn uống theo đơn, thăm khám thường xuyên nên cũng đỡ nhiều rồi”.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Khê (Hà Tĩnh) Từ Thị Hòa cho rằng: Sự hồi sinh ở bản Rào Tre là điểm nhấn ấn tượng trong bức tranh tổng thể đậm sắc xanh áo lính. Người lính mang quân hàm xanh đã không tiếc mồ hôi, công sức cùng người dân khu vực biên giới, vùng khó khăn dựng xây lên những ngôi nhà ngói mới, tuyến đường khang trang, các công trình phúc lợi to đẹp và cuộc sống ấm no…
“Với tình cảm và trách nhiệm của mình, những năm qua, toàn lực lượng luôn đồng hành chính quyền và nhân dân trên 2 tuyến biên giới thực hiện xây dựng nông thôn mới. Toàn lực lượng đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng, hàng chục nghìn ngày công để giúp đỡ 7 xã biên giới về đích nông thôn mới là Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn); Phú Gia, Hương Vĩnh, Hương Liên (huyện Hương Khê); Kỳ Hà, Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh). Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo các vùng quê biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia” - Ðại tá Nguyễn Thái Bình khẳng định.
(Còn nữa)