Đồng bào dân tộc Lào Thưng xây cuộc sống mới nơi biên viễn Hà Tĩnh

NDO - Cuộc sống dù còn bề bộn khó khăn, song với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên, đồng bào dân tộc Lào Thưng cùng cư dân bản địa đã dệt nên cuộc sống đoàn kết, ấm no, đủ đầy nơi biên cương của Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm, Ngô Văn Sơn luôn được người dân yêu mến và cảm phục bởi tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân vì cộng đồng.
Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm, Ngô Văn Sơn luôn được người dân yêu mến và cảm phục bởi tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân vì cộng đồng.

Thôn Phú Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) nằm dưới chân thác Vũ Môn huyền thoại, cách biên giới Việt-Lào khoảng 10 km. Toàn thôn có 121 hộ, 477 nhân khẩu thì có đến 63 hộ với 227 người dân tộc Lào (trong đó có 19 đảng viên, 6 đảng viên là người dân tộc Lào).

Ông Bí thư tâm huyết

Theo lời kể của bà con, nguồn gốc người dân tộc Lào ở thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) ở đây là người nước bạn Lào anh em. Khoảng những năm 1940, nhiều người Lào sang Việt Nam kiếm sống, về sau, họ lấy vợ, sinh con rồi ở lại định cư và trở thành công dân Việt Nam. Ông Ngô Văn Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâm cũng là người dân tộc Lào. Ông được Nhân dân tin tưởng và đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn hơn 10 năm nay.

Từ ngày được bầu làm Bí thư Chi bộ, ông Sơn luôn trăn trở tìm cách cải thiện đời sống người dân, từ đó mới có tiền để xây dựng nông thôn mới bền vững. Từ đó đến nay, nghị quyết chi bộ hằng năm đều là những nội dung trọng tâm phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn…

Ông Sơn chia sẻ: “Theo lời Bác dạy - đảng viên đi trước, làng nước theo sau, tôi và các đồng chí đảng viên trong chi bộ tiên phong nhận đất trồng rừng, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả; tận dụng vườn rừng để chăn nuôi lợn, gà, bò, ong mật… Đến nay, tôi có hơn 10 ha rừng trồng cây keo nguyên liệu, 200 cây bưởi Phúc Trạch, 50 con trâu, bò, thu nhập hằng năm trên 100 triệu đồng”.

Thấy hiệu quả, mọi người cùng làm theo, nhờ vậy, đời sống bà con trong thôn cũng ngày càng khấm khá, sung túc hơn. Hiện, toàn thôn có 6 mô hình nuôi lợn rừng với hơn 120 con. Tổng đàn trâu, bò hơn 420 con. Nhiều gia đình trồng rừng keo, bưởi Phúc Trạch, cam các loại đã bắt đầu đến tuổi thu hoạch. Nhờ đa dạng hình thức tổ chức sản xuất, đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 36 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm” - ông Bí thư Chi bộ phấn khởi chia sẻ.

Trong câu chuyện làm nông thôn mới ở Phú Lâm, Trưởng thôn Ngô Xuân Kim nhiều lần nhắc về những khó khăn của địa phương: “Cái chúng tôi có là sự đồng thuận, đoàn kết cao của chi bộ và Nhân dân, còn khó khăn, thiếu thốn thì trăm bề. Toàn thôn trải dài hơn 7km, chia cắt thành 5 vùng (là 5 tổ liên gia) bởi rừng núi, khe suối. Nói vậy để thấy, ở đây, dân cư sống thưa thớt, để đóng góp làm đường hay các công trình thì bà con phải bỏ nhiều công sức và tiền của hơn nơi khác. Chưa kể ở xa trung tâm, kinh phí vận chuyển vật liệu cũng cao hơn”.

Vẫn là phương pháp “đảng viên đi trước”, do địa hình cách trở, thôn Phú Lâm phân công đảng viên của từng tổ liên gia trực tiếp làm gương, xây dựng mô hình điểm và vận động, hướng dẫn bà con cùng làm. Từ đó, mỗi tổ liên gia chủ động tổ chức các đoàn đi học hỏi, tham quan ở các khu dân cư mẫu khác trong và ngoài xã.

Anh Lê Thanh Hóa cũng là một đảng viên người dân tộc Lào ở thôn Phú Lâm. Hằng ngày, được làm việc với Bí thư Ngô Văn Sơn, anh đã học hỏi được nhiều điều, từ nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công việc của thôn, cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế...

Ở thôn Phú Lâm, ai cũng coi ông Bí thư Chi bộ là tấm gương sáng để học tập, noi theo. Từ những việc làm thiết thực của ông Sơn, người dân nhận thấy được hiệu quả, lợi ích và tự giác nhân rộng các mô hình kinh tế; nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp vào các phong trào xây dựng nông thôn mới.

“Từ chỗ là thôn nghèo đói, thiếu ăn, thiếu mặc, đến nay, thôn Phú Lâm đã hình thành nên vùng quê đáng sống, đường sá kiên cố, khang trang, hàng rào xanh mướt... nên bà con phấn khởi và rất tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước", anh Hóa tâm sự.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Đồng bào dân tộc Lào Thưng xây cuộc sống mới nơi biên viễn Hà Tĩnh ảnh 1

Các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng biên.

Song song với quá trình phát triển kinh tế hộ gia đình, cán bộ, nhân dân thôn Phú Lâm luôn xác định xây dựng nông thôn mới không chỉ là phương pháp mà là đích đến trước mắt cũng như lâu dài của mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Để hiện thực hóa mong ước đó, bà con hiểu rằng, bản thân mỗi gia đình phải tự lực, tự cường. Những phần việc dễ, trong khả năng thì chủ động làm trước và làm từng bước một theo lộ trình cụ thể, không để công việc năm trước bị dồn sang năm sau.

“Bởi vậy, khi người dân chưa có điều kiện và chủ yếu đang vườn tạp, chúng tôi đã vận động bà con hiến đất mở đường sẵn, trồng hàng rào xanh… đến khi người dân có thu nhập, thôn mới vận động bà con xây dựng đường bê-tông kiên cố”, Bí thư Chi bộ Ngô Văn Sơn cho biết thêm.

Anh Lê Văn Báu ở thôn Phú Gia vui mừng cho biết: “Bà con chúng tôi cảm ở Đảng, cảm ơn Nhà nước nhiều lắm. Nhờ làm nông thôn mới chúng tôi đã có điện, có đường, được chia đất rừng, cho vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật… Không chỉ biết làm ăn giỏi, chúng tôi đã biết tiết kiệm tốt, mỗi ngày làm được 3 bát cơm thì chỉ dùng một nửa, số còn lại để dành. Riêng gia đình tôi, năm nay, nhờ cam sai quả, gia súc nhiều, gà nhanh lớn, vốn tích góp nhiều năm được tăng lên nên đã mua xe ô-tô hơn 800 triệu đồng để đi chơi tết và phục vụ cuộc sống sinh hoạt của gia đình”.

Để kịp hoàn thành khu dân cư kiểu mẫu theo tiến độ, với uy tín của mình, các đồng chí cán bộ thôn Phú Lâm đã đứng ra tín chấp, ứng trước nguồn vật liệu với giá trị hơn 100 triệu đồng xây dựng, hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch. Bên cạnh đó, thôn Phú Lâm cũng kết nối, kêu gọi Đồn Biên phòng Phú Gia - đơn vị đóng trên địa bàn hỗ trợ lực lượng cùng người dân làm nông thôn mới. Ngược lại, người dân cũng tích cực phối hợp để tuần tra, cùng bộ đội biên phòng canh gác, bảo vệ biên giới.

Với cách làm đó, người dân thôn Phú Lâm đã từng bước “hóa giải” khó khăn của địa bàn giáp biên, hoàn thành các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu. “Đây là thành quả của người dân thôn khó khăn nhất xã Phú Gia với đông đảo đồng bào người dân tộc Lào sinh sống. Thành tích này của Phú Lâm đang góp phần giúp xã Phú Gia xây dựng, cán đích nông thôn mới nâng cao cũng như xây dựng Hương Khê sớm trở thành huyện nông thôn mới”, Bí thư Đảng bộ xã Phú Gia, Lê Công Anh nhấn mạnh.

Về Phú Lâm hôm nay, chúng tôi dễ dàng cảm nhận được cuộc sống ấm no đang hiện hữu trên mỗi gương mặt thân quen. Đường sá rực rỡ cờ hoa, xóm làng sạch đẹp thay cho quang cảnh núi rừng mù mịt, lau lách um tùm. Những con đường mòn lầy lội đã hóa mình thành những tuyến đường nhựa, đường bê-tông to rộng chạy khắp chân đồi, thôn xóm. Cuộc sống đói nghèo, lạc hậu trước đây cũng được thay thế bằng sự sung túc, đủ đầy trong mỗi nếp nhà kiên cố, ruộng lúa tốt tươi, nương ngô xanh rờn, chuồng trại đầy vật nuôi, vườn đồi đầy quả ngọt.