Những năm qua, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh luôn trăn trở và ưu tiên nguồn lực để đổi mới mô hình tăng trưởng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, triển khai lập quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy lợi thế từ biển; hỗ trợ phát triển công nghiệp, Khu kinh tế Vũng Áng...
Với vai trò trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Khu kinh tế Vũng Áng được xác định là khu kinh tế đa ngành, trọng tâm sản xuất thép, các sản phẩm sau thép, sản xuất điện, dịch vụ cảng biển và logistics… Hiện Khu kinh tế có 153 dự án, gồm 97 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 60 nghìn tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 15,7 tỷ USD. Riêng lĩnh vực công nghiệp có 82 dự án, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp luyện cán thép, nhiệt điện, chế biến, chế tạo… Đặc biệt, dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh là dự án FDI lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 12,8 tỷ USD đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đóng góp lớn vào tăng trưởng của Hà Tĩnh cũng như cả nước. Hiện nay, một số nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã và đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đầu tư vào Hà Tĩnh như Tập đoàn TH, VSIP, Vingroup, T&T, Sun Group, Ecopark, Quế Lâm...
Song song với việc tập trung nguồn lực xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh đã hiện thực hóa mục tiêu, định hướng tạo đột phá phát triển toàn diện trên "Bốn ngành kinh tế trọng điểm", "Ba trung tâm đô thị", "Ba hành lang kinh tế" và "Bốn nền tảng chính" được đưa ra trong Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, nhiều dự án công nghiệp lớn trên địa bàn kỳ vọng đóng góp thêm các động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội lần lượt ra đời như: Nhà máy sản xuất Pin VINES Vũng Áng tổng mức gần 4.000 tỷ đồng chuẩn bị đi vào vận hành và Nhà máy Pin Lithium tổng mức hơn 6.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II tổng mức 2,2 tỷ USD, công suất 1.200 MW phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, từng bước đa dạng hóa cơ cấu nền kinh tế và tạo thêm những "kênh" tăng trưởng bền vững mới.
Cùng với việc xác định rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tỉnh Hà Tĩnh luôn chú trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Thông qua các chương trình an sinh xã hội, Hà Tĩnh đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các em học sinh vượt khó, xây dựng trường học, nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, nhà ở cho các đối tượng, vùng miền khó khăn, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo sức mạnh nội sinh đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.