Bền bỉ một tình yêu Hà Nội

Suốt 40 năm bền bỉ với con đường tranh cắt vải đầy chông chênh, nay họa sĩ Trần Thanh Thục đang chuẩn bị cho triển lãm cá nhân lần thứ hai mang tên “Tôi, Hà Nội và sắc vải”.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Trần Thanh Thục tạo nhiều bức tranh về Hà Nội từ chất liệu vải. (Ảnh LÊ BÍCH)
Họa sĩ Trần Thanh Thục tạo nhiều bức tranh về Hà Nội từ chất liệu vải. (Ảnh LÊ BÍCH)

Trong “mối duyên” với vải, dù là bức trường cảnh hoành tráng về Thủ đô hay một góc phố nhỏ nhắn, họa sĩ đều chăm chút kỹ lưỡng như một cách thể hiện tình cảm đặc biệt của mình với mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Gần ngày triển lãm, họa sĩ Trần Thanh Thục thường chỉ ở nhà, quẩn quanh với kho vải bà tích lũy đã 40 năm. 30 bức tranh đã hoàn thiện. Sau mỗi bức đều sống động một câu chuyện riêng với bao hoài niệm, cảm xúc tuôn trào.

Nỗi niềm trong từng sắc vải

Suốt cuộc trò chuyện, đôi mắt họa sĩ Trần Thanh Thục luôn ướt, nhất là khi ai đó đặt câu hỏi: Dấu ấn nào trong cuộc đời nghệ sĩ khiến bà nhất định lựa chọn 30 bức tranh? Đó là một góc riêng tư bà muốn giữ cho mình, bởi quãng thời gian đằng đẵng 30 năm qua, khi người chồng, trụ cột gia đình đã rời bỏ cõi đời, bà buộc phải bước đi một mình trước bao thăng trầm, biến động. Những năm tháng ấy, một tay bà vin vào hội họa, một tay vin vào bờ vai nhỏ bé của con gái để đứng lên và gửi nỗi niềm vào trong từng sắc vải, từng đường kéo, từng ý tưởng sáng tạo cho dòng tranh gần như “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.

Nội dung triển lãm “Tôi, Hà Nội và sắc vải” vừa mang ý nghĩa gợi nhớ lịch sử hào hùng mà đau thương của Hà Nội dưới làn mưa bom bão đạn chiến tranh, vừa là sự tiếp nối hào khí linh thiêng, mạch sống cuộn trào của đất và người Thủ đô trong thời đại mới. Một trong những tác phẩm họa sĩ Trần Thanh Thục dành nhiều tâm huyết là “Hà Nội một thời đạn bom, một thời hòa bình”.

Công chúng sẽ gặp lại một Hà Nội oằn mình trong bom đạn với hầm trú ẩn, cột điện bị phá hủy, nhịp cầu Long Biên rơi xuống sông Hồng… đồng thời cũng chạm vào Hà Nội hôm nay với đầy đủ nhịp điệu sôi nổi, no ấm, thanh bình. Quá khứ, hiện tại, niềm mong ước về tương lai cứ chồng xếp từng lớp lang, mầu sắc qua chất liệu vải mềm mại mà ám gợi theo từng góc độ lớn nhỏ, đậm mờ, nhịp này nhịp nọ. Hình thành ý tưởng từ khoảng năm 2017, nhưng vài năm sau họa sĩ mới cầm kéo để xây dựng tác phẩm và hoàn thành vào năm 2022 với kích thước 0,8 x 1,1m.

Đề cao sự kiên trì, nỗ lực để tìm kiếm những góc nhìn, cách thể hiện riêng là cách họa sĩ tạo nên dấu ấn. Chẳng hạn, với Tháp Rùa, họa sĩ Trần Thanh Thục chọn góc nhìn từ phía sau tháp Hòa Phong để bên trên sẽ tạo nên vòm cong gợi cảm. Tiền cảnh cho tranh không phải nhành liễu rủ, phượng vĩ, mà là hoa ban mong manh trước gió.

Họa sĩ Trần Thanh Thục chia sẻ, mỗi người có một hình dung, cảm nhận riêng về Hà Nội, song đưa được vào tranh luôn là một thử thách. Rất nhiều tác phẩm hay, tác phẩm đẹp trước đây, bây giờ chính là áp lực và động lực. Họa sĩ tích lũy vải từng ngày, mỗi thứ mua một vài mảnh từ cửa hàng thợ may, chợ vải các tỉnh, thành phố, cửa hàng lưu niệm... Bà phải nâng lên đặt xuống từng mảnh vải nhỏ khi chuyển nhà. Mảnh nào cũng muốn giữ, nhưng không gian lại không thể dung chứa toàn bộ.

Đề cao sự kiên trì, nỗ lực để tìm kiếm những góc nhìn, cách thể hiện riêng là cách họa sĩ tạo nên dấu ấn. Chẳng hạn, với Tháp Rùa, bà chọn góc nhìn từ phía sau tháp Hòa Phong để bên trên sẽ tạo nên vòm cong gợi cảm. Tiền cảnh cho tranh không phải nhành liễu rủ, phượng vĩ, mà là hoa ban mong manh trước gió.

Đó là hình ảnh xưa kia Hà Nội chưa có, nhưng giờ đây loài hoa của núi rừng Tây Bắc đã hội tụ, nhiều khoảng cách đã được kéo gần và đó trở thành đề tài, cảm hứng cho các nghệ sĩ. Gia tài tranh cắt vải của họa sĩ gần như bao quát tất cả những không gian đẹp đẽ, sâu lắng của Hà Nội.

Các địa điểm mới như thung lũng hoa Hồ Tây, bãi đá Sông Hồng… cũng được họa sĩ dụng công thể hiện với thông điệp về sự chuyển mình đầy tích cực của cuộc sống đô thị. Con người lưu dấu ký ức vàng son nhưng cũng không quên mở lòng để chiêm nghiệm và yêu những vẻ đẹp mới. Đó cũng là lý do vì sao tranh của Trần Thanh Thục thường có sự lồng ghép, pha trộn, điểm xuyết nhiều yếu tố không gian, thời gian, sắc màu xưa và nay.

Một điểm nhấn khác là ánh sáng. Với tranh vẽ, tả ánh sáng đã khó, tranh cắt vải sẽ càng gian nan. Nếu như diễn tả một buổi sáng với bầu trời bảng lảng, nên thơ, mơ màng là một thách thức thì buổi chiều muộn, khi không gian chuyển sang tối với những luồng sáng ấm dần, sâu dần cũng không kém phần hóc búa. Họa sĩ khẳng định, kinh nghiệm của bà đơn giản là chỉ có lao động mới mở ra con đường của sáng tạo.

Ngoài tìm tòi chất vải, mầu vải, bà còn cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng kỹ thuật chồng xếp. Bầu trời trong tranh của bà thường có tới ba đến bốn lớp vải. Lớp trước, lớp sau sẽ hòa quyện, tôn nhau lên để diễn tả trọn vẹn độ sâu, độ xa và dụng ý của họa sĩ.

Giấc mơ vươn ra thế giới

Sinh ra, lớn lên ở Nam Định, tuổi trẻ và mọi niềm vui, nỗi buồn cuộc sống lại gắn liền với Hà Nội, trong 40 năm sự nghiệp, họa sĩ Trần Thanh Thục sáng tạo rất nhiều tranh cắt vải xoay quanh đề tài về chính mảnh đất đã gieo mầm hoài bão cho mình.

Để có 30 bức tranh là nỗ lực lao động không ngừng nghỉ của bà trong khoảng 5 năm trở lại đây. Những năm tháng ấy, bà vừa mưu sinh để duy trì cuộc sống, vừa cân đối mọi việc để vẫn có thời gian cho đam mê. Muốn có 30 bức tranh cho triển lãm, họa sĩ sẽ phải làm ra số lượng ít nhất là gấp đôi để từ đó lựa chọn một cách nghiêm túc, kỹ càng. Có những chi tiết rất nhỏ nhưng tốn nhiều giờ sáng tạo. Có khi, đó là hình ảnh một người tu hành đứng bên ô cửa tỏa ra ánh sáng vàng vàng, ấm ấm.

Có khi đó là một bức tường mà người xem tinh ý sẽ nhận ra có rất nhiều lớp trầm tích được họa sĩ xử lý bằng kỹ thuật chồng xếp vải rất điêu luyện. Tranh cắt vải không có phác thảo trước, mọi sáng tạo hoàn toàn ngẫu hứng nên họa tiết, chất liệu vải tìm được và ý tưởng của họa sĩ phải khớp mới ra được tác phẩm. Họa sĩ cắt một hình ảnh bác xích-lô, thiếu nữ, áo dài, lá bàng... có khi mất cả ngày vì kích thước không phù hợp, hoặc mất mầu do tác dụng của keo.

Một mình dấn thân trên con đường “độc đạo” tranh cắt vải, không thầy hướng dẫn, không đồng nghiệp song hành…, họa sĩ Trần Thanh Thục vẫn may mắn khi nhận được nhiều sự chia sẻ từ các nghệ sĩ là anh em, bè bạn. Người động viên, gợi mở cho bà nhiều ý tưởng phải kể tới nhiếp ảnh gia Lê Bích.

Có sự tư vấn của anh, sáng tác của họa sĩ Trần Thanh Thục khoáng đạt, đơn giản và ấn tượng hơn. Bà chia sẻ, sau mỗi cuộc gặp gỡ, công việc thường nhiều hơn bởi trong đầu đầy ắp ý tưởng. Bên cạnh đó, phải kể tới sự đồng cảm lớn của các thế hệ thầy, cô giáo, đồng nghiệp dành cho bà như nhóm nữ họa sĩ Bùi Mai Hiên, Nguyễn Lan Hương, Trần Thùy Linh, Hà Khanh; các bậc đàn anh trong giới mỹ thuật như Trần Quang Hải, Mạnh Quỳnh…

Để có 30 bức tranh là nỗ lực lao động không ngừng nghỉ của bà trong khoảng 5 năm trở lại đây. Những năm tháng ấy, bà vừa mưu sinh để duy trì cuộc sống, vừa cân đối mọi việc để vẫn có thời gian cho đam mê. Muốn có 30 bức tranh cho triển lãm, họa sĩ sẽ phải làm ra số lượng ít nhất là gấp đôi để từ đó lựa chọn một cách nghiêm túc, kỹ càng.

Với bà, họ vừa là bạn, vừa như thầy, sẵn sàng đón nhận từng tâm tư, tác phẩm để họa sĩ vững tin hơn. Đặc biệt, trong “mối duyên” với vải, không thể không nhắc tới con gái bà, họa sĩ Thục Anh. Những ngày tháng còn đi làm ở cơ quan, đêm đêm họa sĩ lại cặm cụi chọn lựa, cắt, chồng xếp, rồi có khi bóc hết ra làm lại vì chưa ưng ý.

Đêm nào cũng thức tới ba, bốn giờ sáng nên vừa chợp mắt đã giật mình bởi chuông đồng hồ báo thức. Khi còn là một cô bé, họa sĩ Thục Anh đã thức cùng mẹ, cùng chọn vải, chuyện trò rồi sau này theo nghiệp mẹ thi vào ngành mỹ thuật.

Họa sĩ Trần Thanh Thục đã tiếp nhận, đào tạo nhiều học viên theo dòng tranh cắt vải. Lúc nào bà cũng ước mong xưởng rộng thêm chút, được đón thêm nhiều bạn trẻ yêu chất liệu vải mà xây dựng nên những tác phẩm xinh xắn, phù hợp với năng khiếu, ý thức.

Nhưng họa sĩ cũng thừa nhận, tranh cắt vải đòi hỏi cao ở đam mê, tình cảm và kiên trì. Đầu tiên, người làm tranh phải bỏ thời gian, công sức, kinh phí để mua bán, sưu tập vải. Sau đó phải có phong cách, sở thích riêng để từ đó tạo nên những đường nét, mầu sắc, chủ đề cho riêng mình.

Lớp học tại nhà riêng của bà có cả học viên lớn tuổi, hằng ngày đeo kính lão cặm cụi cắt vải, có cả người nước ngoài. Dù vậy, đến nay, nữ họa sĩ vẫn chưa tìm được “đệ tử chân truyền” bởi lẽ hầu hết mọi người đến với tranh cắt vải trong tâm thế thử nghiệm, tìm tới sự thư thái nhiều hơn.

Nhắc đến họa sĩ Trần Thanh Thục, nhiều đồng nghiệp vẫn nhớ những năm tháng đời sống khó khăn, bà phải bán tranh để có tiền mua từng mảnh vải làm nguyên liệu; ngồi cắt ghép tác phẩm trong căn nhà chật chội nóng nực, mồ hôi rơi cả vào tranh…

Điều khiến bà vượt lên mọi khó khăn, đó là đam mê được thể hiện tình yêu Hà Nội. Ở đó, từng góc phố, từng vạt nắng, bức tường, dáng vẻ… đều gần gụi mà thiêng liêng ■