Bé N.T.V (5 ngày tuổi) là con thứ hai trong gia đình. Bé được sinh ra bằng phương pháp đẻ mổ khi người mẹ mang thai ở tuần 38. Khi sinh, bé V. nặng 3,8kg và được tiếp xúc da kề da với mẹ.
Tuy nhiên, khác với những đứa trẻ bình thường, sau khi sinh, bé V. không khóc to mà chỉ nhắm mắt nằm trên bụng mẹ. Các bác sĩ Khoa Sản đã sơ cứu, kích thích cho trẻ khóc, đồng thời, cho bé thở ô-xy và chuyển lên Khoa Nhi-Sơ sinh.
Tại Khoa Nhi-Sơ sinh, bé V. được thở ô-xy nên hồng hào, vận động tốt nhưng mắt nhắm, kích thích đau cũng không chịu mở, nhịp thở chậm đều và có các cơn ngừng thở ngắn. Bé được chẩn đoán suy hô hấp sơ sinh, theo dõi chậm tiêu dịch phổi.
Qua khai thác tiền sử, mẹ bé đã điều trị trầm cảm 2 năm nay. Hiện tại, mẹ bé V. vẫn đang sử dụng thuốc theo đơn.
Nhận thấy có thể đây là trường hợp sơ sinh ngộ độc thuốc trầm cảm từ mẹ, các bác sĩ cho trẻ làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang tim phổi, siêu âm tim…
Kết quả, khí máu của trẻ nhiễm toan hô hấp, X-quang phổi chưa được nở tốt. Bé đã được thở máy CPAP giúp nở phổi, dùng cafein. Sau 6 tiếng làm lại xét nghiệm khí máu, các chỉ số của trẻ đều được cải thiện.
Bé V. đã khóc to những tiếng khóc đầu tiên. May mắn, sau 24 giờ điều trị, bé đã được cai thở máy, tỉnh hoàn toàn, khóc to, ăn bú bình thường và ra viện sau 4 ngày điều trị.
Các bác sĩ cho biết, thuốc trầm cảm thuộc nhóm thuốc chẹn tái hấp thu serotonin (SSRI), được sử dụng để điều trị rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu và rối loạn căng thẳng sau stress.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trầm cảm trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là ở 3 tháng cuối, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Theo các bác sĩ, việc sử dụng thuốc trầm cảm trong thai kỳ vẫn được xem là an toàn nếu được sử dụng đúng cách và theo hướng dẫn của bác sĩ. Trước khi sử dụng thuốc trầm cảm trong thai kỳ, thai phụ nên thảo luận với bác sĩ để được tư vấn về tác dụng và tác hại của thuốc.