Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất do kênh truyền hình ABC News, tờ The Washington Post và hãng khảo sát Ipsos thực hiện đối với những cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu, bà Harris đang tạm thời dẫn trước ông Trump ở khoảng cách hẹp, với tỷ lệ ủng hộ chênh lệch 5%. Phó Tổng thống Mỹ cũng đang dẫn đầu trong cuộc thăm dò toàn quốc của tổ chức FiveThirtyEight, với tỷ lệ ủng hộ 46% so với 43% dành cho ông Trump, đồng thời dẫn trước trong một số cuộc khảo sát tại các bang chiến địa.
Chiến dịch tranh cử của “phó tướng” Harris đã phá vỡ kỷ lục gây quỹ, thu hút đông đảo người ủng hộ tham gia và giành lợi thế trong những cuộc thăm dò dư luận ở một số bang chiến địa.
Sự bám đuổi sát sao nêu trên cho thấy khả năng gió liên tục đổi chiều là hoàn toàn có thể xảy ra và cơ hội vươn lên dẫn đầu của hai ứng cử viên tương đương nhau. Trên thực tế, sau khi tiếp quản vị trí ứng cử viên đảng Dân chủ, thay thế đương kim Tổng thống Joe Biden, bà Harris đã có một màn bứt phá ngoạn mục.
Chiến dịch tranh cử của “phó tướng” Harris đã phá vỡ kỷ lục gây quỹ, thu hút đông đảo người ủng hộ tham gia và giành lợi thế trong những cuộc thăm dò dư luận ở một số bang chiến địa. Tuy nhiên, khi “tuần trăng mật” trong chiến dịch tranh cử kết thúc, thời gian tới, bà Harris có thể sẽ phải đối mặt những thách thức lớn để duy trì sức nóng và thu hút sự ủng hộ từ cử tri, nhất là khi phải đương đầu với một đối thủ nặng ký và dày dặn kinh nghiệm như cựu Tổng thống Trump.
Chủ tịch Forward Future - một siêu ủy ban ủng hộ bà Harris, ông Chauncey McLean cho rằng, ứng cử viên đảng Dân chủ cần đưa ra các đề xuất chính sách cụ thể hơn, theo đó chú trọng giải quyết các mối quan tâm của người dân.
Khi ngày bầu cử vào tháng 11 tới ngày càng đến gần, dư luận đang đổ dồn mọi sự chú ý vào quan điểm của các ứng cử viên về những thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt. Trong đó, kinh tế là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Một cuộc thăm dò gần đây do The Economist và YouGov thực hiện cho thấy, lạm phát, việc làm và kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ. Ðể xoa dịu nỗi lo của cử tri, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều đưa ra những cam kết sẽ cải thiện nền kinh tế nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Ứng cử viên đảng Dân chủ Harris cam kết giảm thuế cho người có con nhỏ, hỗ trợ những người mua nhà lần đầu, khuyến khích xây nhà ở giá rẻ và cấm tăng giá phi lý với các mặt hàng thiết yếu.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump khẳng định sẽ hạ giá xe ô-tô, nhà ở, bảo hiểm và thuốc kê đơn nếu tái đắc cử. Ông Trump cũng tuyên bố tiếp tục chương trình giảm thuế mà ông khởi xướng năm 2017 và khẳng định nước Mỹ sẽ trả hết núi nợ khổng lồ hiện nay.
Bên cạnh kinh tế, nhập cư bất hợp pháp, an ninh quốc gia, chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe, cuộc chiến chống khủng bố, chính sách đối ngoại… cũng thu hút sự quan tâm của cử tri. Ðáng chú ý, ngày càng nhiều người dân Mỹ cho rằng, vấn đề đối ngoại nên được coi là một trong những vấn đề ưu tiên, nhất là khi Washington vẫn đang loay hoay trước nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới như cuộc chiến tại Trung Ðông và căng thẳng ở Ukraine.
Sự quan tâm của cử tri Mỹ đối với chính sách đối ngoại ngày càng được thể hiện rõ nét. Mới đây, hàng nghìn người đã xuống đường tuần hành ủng hộ Palestine, đồng thời phản đối sự hỗ trợ về quân sự và tài chính mà Washington dành cho Israel trong cuộc xung đột tại Dải Gaza. Trong bối cảnh đó, bài toán khó về đối ngoại sẽ là chướng ngại vật mà các ứng cử viên phải vượt qua để trở thành Tổng thống Mỹ.
Với những màn thể hiện thuyết phục và sự bám đuổi sát sao hiện nay của các ứng cử viên, chặng nước rút vào Nhà trắng được dự báo sẽ là một cuộc đua quyết liệt và khó đoán định. Dù người được chọn là ai, cử tri Mỹ trông đợi tổng thống tiếp theo sẽ dẫn dắt đất nước vượt qua thách thức và tiếp tục vững bước trên con đường phát triển.