Tuy nhiên, thực tế, cho đến nay, phần lớn các công trình, dự án này vẫn chưa thực hiện các quy định về trồng rừng thay thế.
Chây ỳ nộp tiền
Bắc Kạn là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nước, do vậy, việc thi công các công trình xây dựng cơ bản, khai thác, chế biến khoáng sản rất dễ tác động tới rừng. Tuy nhiên, thời gian qua, việc trồng rừng thay thế của các dự án chưa được thực hiện đầy đủ. Các chủ đầu tư, doanh nghiệp lựa chọn hình thức nộp tiền trồng rừng thay thế nhưng phần lớn chây ỳ không nộp dù số tiền không lớn.
Tại phường Xuất Hóa (thành phố Bắc Kạn), Công ty cổ phần Sông Ðà Bắc Kạn đầu tư dự án nhà máy thủy điện Thác Giềng 1 từ năm 2018. Hiện tại, nhà máy đã hoàn thành, vận hành phát điện được vài năm nhưng công ty vẫn chưa thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế.
Theo thống kê của Quỹ Phát triển đất, rừng và bảo vệ môi trường tỉnh, Công ty cổ phần Sông Ðà Bắc Kạn có nghĩa vụ phải nộp tiền trồng rừng thay thế là hơn 470 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, đã qua gần sáu năm, công ty này vẫn chưa nộp dù tỉnh đã nhiều lần đôn đốc.
Việc chây ỳ nộp tiền trồng rừng thay thế diễn ra không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn ở cả nhiều chủ đầu tư thực hiện xây dựng các công trình bằng vốn ngân sách nhà nước. UBND huyện Na Rì thực hiện ba công trình từ năm 2013, gồm: đường Nà Ngòa, Pác Liềng (xã Văn Minh); đường Nà Piẹt đến Pác Khuổi Piẹt (xã Văn Minh) và san lấp mặt bằng Trường mầm non xã Hữu Thác. Tổng tiền trồng rừng thay thế của ba công trình này chỉ hơn 20 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa nộp.
Tương tự, UBND huyện Ba Bể thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật trung tâm thị trấn Chợ Rã từ năm 2020. Dự án có số tiền trồng rừng thay thế phải nộp hơn 144 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa nộp.
Số liệu chưa nộp, chậm nộp của các đơn vị phải nộp tiền trồng rừng thay thế luôn được tỉnh Bắc Kạn thống kê đầy đủ. Năm nào Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng nhiều lần ban hành văn bản đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị chưa nộp. Tuy nhiên, hầu hết những nội dung đôn đốc này đều bị rơi vào quên lãng nhanh chóng.
Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 và mới nhất là Thông tư số 25/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, chủ dự án phải nộp đủ số tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế”.
Ngày 16/1/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn ban hành công văn đôn đốc nộp tiền trồng rừng thay thế gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Bắc Kạn đề nghị nộp tiền trồng rừng thay thế các công trình, dự án đã thực hiện với số tiền hơn ba tỷ đồng. Thời hạn đề nghị nộp xong là trước ngày 20/1/2024. Tuy nhiên, sau 20/1/2024 vẫn chưa có chủ đầu tư nào nộp.
Theo kết quả giám sát của HÐND tỉnh Bắc Kạn vào tháng 12/2023, các chủ đầu tư không thực hiện tự trồng rừng thay thế mà nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Phát triển đất, rừng và bảo vệ môi trường tỉnh. Kết quả giám sát cho thấy, từ năm 2020 đến 2023, có 88 công trình, dự án đã nộp hơn 12 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế với diện tích gần 160 ha. Ðến hết năm 2023, Bắc Kạn còn bốn dự án chưa nộp hết tiền trồng rừng thay thế với diện tích hơn 45 ha.
Cả tỉnh Bắc Kạn hiện còn 234 dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế nhưng chưa thực hiện giải ngân số tiền này để trồng rừng thay thế trên thực địa với diện tích hơn 245 ha. Trong đó, có 226 công trình, dự án với diện tích hơn 169 ha được HÐND tỉnh phê duyệt trước thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2020/NÐ-CP ngày 15/7/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NÐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và tám công trình, dự án với diện tích hơn 75 ha được HÐND tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại các nghị quyết sau khi Nghị định số 83/2020/NÐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ có hiệu lực.
Một diện tích rừng trồng ở huyện Chợ Mới. (Ảnh HƯƠNG LAN) |
Cần sớm có chế tài xử lý
Theo HÐND tỉnh Bắc Kạn, tổng diện tích đã giao kế hoạch trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh là hơn 348 ha. Diện tích trồng rừng thay thế các năm 2020, 2021, 2022 về cơ bản là sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, còn có một số diện tích mật độ chưa bảo đảm, cây trồng sinh trưởng phát triển kém do đất đai cằn cỗi, cỏ dại xâm lấn, khí hậu, thời tiết… Diện tích trồng rừng thay thế giao nhiệm vụ năm 2023, hiện nay các chủ đầu tư được giao nhiệm vụ đang tiến hành xây dựng hồ sơ thiết kế, dự toán trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định, diện tích rừng trồng thay thế dự kiến được trồng trong năm 2024.
Tình trạng chây ỳ trồng rừng thay thế ở Bắc Kạn không phải là mới nhưng hiện tại địa phương này vẫn rất lúng túng, chưa giải quyết dứt điểm vì không có chế tài.
Theo Giám đốc Quỹ Phát triển đất, rừng và bảo vệ môi trường tỉnh Mông Quốc Hùng, điều bất cập là hiện nay pháp luật chưa quy định về việc phải tính lại tiền trồng rừng thay thế tại thời điểm nộp, tính phạt chậm nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Như vậy, nộp sớm hay nộp muộn, thậm chí không nộp thì đơn vị phải nộp cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Nghị định số 35/2019/NÐ-CP ngày 25/4/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp không có quy định xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế mà chỉ quy định xử phạt đối với hành vi chậm trồng rừng thay thế. Vì vậy, chưa tạo được sự công bằng giữa đơn vị tuân thủ pháp luật và đơn vị chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật.
Số tiền trồng rừng thay thế đã nộp hiện vẫn còn “tồn” nhiều, chưa được giải ngân để trồng rừng kịp thời. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2020 đến nay, diện tích đã giao kế hoạch trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh là hơn 348 ha. Trong đó, diện tích đã trồng nghiệm thu ba năm đầu hơn 154 ha; diện tích chưa trồng hơn 194 ha. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có diện tích trồng rừng thay thế được nghiệm thu hoàn thành, vẫn đang trong giai đoạn đầu tư. Chưa có diện tích rừng sau đầu tư được giao cho các đơn vị, địa phương quản lý.
Thống kê cho thấy, đến hết năm 2023, số kinh phí trồng rừng thay thế chưa được phân bổ của Bắc Kạn lên tới hơn 20 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ đất trống thuộc quy hoạch lâm nghiệp đủ điều kiện và có khả năng thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh hiện còn hơn 775 ha.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là việc giao nhiệm vụ cho tổ chức, đơn vị làm chủ đầu tư thực hiện trồng rừng thay thế đang rất khó khăn khi diện tích đất trống manh mún, nhỏ lẻ, xa khu dân cư, có địa hình hiểm trở, nhiều nơi không có đường đi lại phần lớn là các bãi chăn thả gia súc của cộng đồng hoặc người dân đang sản xuất nông nghiệp nên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng.
Ngoài ra, từ năm 2022 đến cuối năm 2023, việc giao “chi cục kiểm lâm hoặc ban quản lý dự án phát triển rừng cấp huyện là chủ đầu tư” theo quy định tại Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất khó thực hiện vì hiện nay cấp huyện chưa có ban quản lý dự án phát triển rừng, chi cục kiểm lâm chỉ là đơn vị quản lý không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.
Trước tình hình này, HÐND tỉnh Bắc Kạn kiến nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo trồng rừng thay thế đối với các công trình, dự án đến nay chưa thực hiện các quy định về trồng rừng thay thế; đôn đốc chủ đầu tư chưa nộp hoặc chưa nộp hết tiền trồng rừng thay thế. Ðồng thời, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các ban quản lý rừng đặc dụng, đơn vị lực lượng vũ trang tiếp tục thực hiện rà soát diện tích đất trống thuộc quy hoạch lâm nghiệp theo hiện trạng thực tế có đủ điều kiện để tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế. Việc trồng rừng thay thế phải trong thời gian 12 tháng kể từ khi chủ dự án nộp tiền về Quỹ Phát triển đất, rừng và bảo vệ môi trường theo đúng quy định.