Đập dâng nghìn tỷ dở dang kéo dài
Khởi đầu từ năm 2004, dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc dự kiến đầu tư 60,7 tỷ đồng. Sau nhiều lần trễ hẹn, năm 2018 tỉnh Quảng Ngãi quyết định tập trung nguồn lực đầu tư dự án trọng điểm này. Căn cứ Kết luận số 618-KL/TU tháng 6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Công văn 291/HĐND-KTNS tháng 8/2018 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định 1423/QĐ-UBND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này.
Theo đó, dự án được đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, với nguồn vốn từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương năm 2015 để thực hiện cải cách tiền lương 200 tỷ đồng; nguồn vượt thu ngân sách năm 2017 và các năm tiếp theo.
Sau 5 năm thi công, dự án Dập dâng hạ lưu sông Trà Khúc có vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng vẫn dở dang. |
Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (đoạn qua hai xã Tịnh An và Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi) đã được khởi công từ tháng 7/2019 và dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Mục tiêu của công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi này là giữ nước trên sông Trà Khúc, tạo cảnh quan phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch hai bên bờ sông, ngăn xâm nhập mặn vùng cửa biển thành phố Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thi công, đến nay dự án vẫn còn dang dở.
Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (đoạn qua hai xã Tịnh An và Nghĩa Dũng, thành phố Quảng Ngãi) đã được khởi công từ tháng 7/2019 và dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thi công, đến nay dự án vẫn còn dang dở.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, đến nay công trình đạt 88% khối lượng giá trị hợp đồng. Năm 2024, dự án được bố trí vốn hơn 227 tỷ đồng bằng nguồn thu tiền sử dụng đất để tiếp tục thi công.
Trên công trường thi công, cây cầu dài 874m nối hai bờ sông gần hoàn thành; đoạn đi qua thôn Ân Phú, xã Tịnh An dài 320m còn dở dang. Vướng mắc lớn nhất khiến dự án chậm tiến độ là công tác giải phóng mặt bằng.
Môt góc dự án Dập dâng hạ lưu sông Trà Khúc vẫn chưa hoàn thiện. |
Ông Võ Văn Khương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tịnh An cho biết: Hiện thôn Ân Phú còn 60 thửa đất của 52 hộ chưa giải tỏa, đền bù. Dự kiến, các cấp bố trí 44 lô đất trước cho người dân tái định cư nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Như vậy, sau gần 5 năm thi công và hai lần gia hạn, dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc tiếp tục gia hạn hoàn thành đến năm 2025.
Công trình hoàn thành nhưng sử dụng “bấp bênh”
Trong khi công trình nghìn tỷ dở dang kéo dài thì một dự án trọng điểm liên quan phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành nhưng không phát huy hết công suất, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi quyết định đầu tư dự án cảng Bến Đình ở huyện đảo Lý Sơn. Đây là công trình trọng điểm, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi.
Hệ thống hạ tầng cảng Bến Đình và đê chắn sóng để tiếp nhận tàu thuyền tuyến Sa Kỳ-Lý Sơn vẫn chưa hoàn thành. |
Với tổng vốn ban đầu 200 tỷ đồng, đến năm 2018, dự án này tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư thêm gần 57 tỷ đồng; nâng tổng kinh phí đầu tư dự án gần 260 tỷ đồng. Với kỳ vọng là cảng biển trọng yếu, cảng Bến Đình sẽ kết nối đất liền và huyện đảo Lý Sơn, tạo đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất là thu hút du lịch biển, đảo. Song, khi đưa vào hoạt động, cảng Bến Đình không khai thác hết công suất, sử dụng “bấp bênh”, chưa mang lại hiệu quả như mục tiêu tỉnh Quảng Ngãi đã đề ra.
Năm 2023, tuyến vận tải đường thủy nội địa Sa Kỳ-Lý Sơn tiếp nhận 1.860 chuyến tàu cao tốc tuyến, vận chuyển 172.400 lượt hành khách; trong đó, số lượt tàu cao tốc cập cảng Bến Đình là 965 chuyến, cập cảng Lý Sơn 855 chuyến. Trong bốn tháng đầu năm 2024, gần 1.420 lượt tàu cao tốc cập đảo Lý Sơn, hơn 50% số lượt tàu đón khách cập cảng cũ.
Chủ tàu cao tốc chuyên tuyến vận tải Sa Kỳ đi đảo Lý Sơn cho biết, từ sau Tết đến tháng 4, tàu thuyền vận chuyển khách chủ yếu cập cảng Lý Sơn, là cảng cũ xây dựng hơn 30 năm trước. “Mùa này chủ yếu cập cảng cũ vì có gió tây nam, tàu không cập cảng Bến Đình được. Từ Tết đến hết tháng 4 chủ yếu đi cảng cũ, sang tháng 5 đỡ sóng gió mới cập cảng Bến Đình nhiều hơn”, chủ tàu cao tốc khẳng định.
Cảng Bến Đình mới đưa vào hoạt động nhưng lịch tàu thuyền cập cảng cũ, cảng mới thay đổi liên tục gây khó khăn cho người dân, khách du lịch và hoạt động kinh doanh, du lịch tại huyện đảo Lý Sơn. Chị Phạm Thị Minh, chủ homestay ở An Vĩnh, huyện Lý Sơn bức xúc: “Có cảng mới mình cũng mong khang trang, an toàn để đón khách ổn định. Nhưng cứ thay đổi cảng Bến Đình, cảng Lý Sơn cũ liên tục ảnh hưởng lịch trình đón, đưa khách, gây phiền hà cho họ và tăng chi phí cho chúng tôi rất nhiều”.
Chờ các dự án sau… để phát huy dự án trước
Các công trình trọng điểm với mục tiêu là động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, được ưu tiên, tập trung đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng nhiều dự án, công trình dở dang, kéo dài; hoạt động không hiệu quả mà phải chờ các dự án, công trình bổ sung mới có thể khai thác hết công suất, hoặc đạt mục tiêu ban đầu. Tổng vốn đầu tư cảng Bến Đình, huyện đảo Lý Sơn gần 260 tỷ đồng nhưng không khai thác hết công suất, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư đê chắn sóng để bảo vệ… cảng Bến Đình.
Năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết định chủ trương đầu tư dự án Đê chắn sóng bảo vệ cảng Bến Đình, với tổng vốn 250 tỷ đồng. Tính đến nay, tổng mức đầu tư cho hệ thống hạ tầng cảng Bến Đình gần 510 tỷ đồng. Khởi công từ tháng 8/2023, đê chắn sóng dài 450m do nhà thầu chính là Chi nhánh Đầu tư và Xây dựng miền nam-Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô thi công. Dự kiến, đến cuối năm nay đê chắn sóng đạt 95% khối lượng.
Tương tự, dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc nếu hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng không thể hoạt động hết công năng, công suất mà phải chờ dự án thu gom, xử lý nước mưa, nước thải thành phố Quảng Ngãi, lưu vực phía nam hạ lưu sông Trà Khúc hoàn thành. Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc sau khi hoàn thành sẽ được đưa vào khai thác và sử dụng bao gồm hạng mục giao thông và hạng mục thủy lợi.
Trường hợp dự án hoàn thành nhưng hệ thống thu gom, xử lý nước mưa, nước thải thành phố Quảng Ngãi chưa được đưa vào khai thác thì với hạng mục thủy lợi, việc tích nước, dâng nước sẽ hạn chế hơn. Ban quản lý dự án sẽ phối hợp các sở chuyên ngành tính toán vận hành ở mức phù hợp, trong khi chờ hệ thống xử lý nước mưa, nước thải.
Cùng với dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, tháng 9/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ra Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước mưa, nước thải thành phố Quảng Ngãi, lưu vực phía nam hạ lưu sông Trà Khúc. Tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 1.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2024-2027.
Theo ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước mưa, nước thải thành phố Quảng Ngãi, lưu vực phía nam hạ lưu sông Trà Khúc là một dự án quan trọng, kết nối với dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc; chủ đầu tư dự án phải xác định mục tiêu cơ bản nhất của dự án là bảo đảm tiêu thoát nước mưa, xử lý nước thải cho khu vực khi dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc hoàn thành, đi vào hoạt động; đồng thời, xử lý những bất cập trong hệ thống thoát nước mưa, nước thải của thành phố Quảng Ngãi. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với ngành chức năng khảo sát, đánh giá tổng thể hiện trạng tiêu, thoát nước của khu vực, sự ảnh hưởng khi vận hành đập dâng để đề xuất các phương án thiết kế khả thi, tối ưu.
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Sau khi tiếp nhận dự án, nhận thấy nhiều bất cập nên đơn vị yêu cầu tư vấn rà soát, xem lại từ đầu; từ khâu khảo sát, đề cương, định hình lại giải pháp trên cơ sở thực tế khảo sát. Trong đó, xác định lại hiện trạng gồm hạ tầng thoát nước mưa, nước thải của thành phố Quảng Ngãi đã đầu tư và xu hướng phát triển đô thị hiện nay để đưa ra các giải pháp khắc phục, phát huy hiệu quả dự án này.
Đơn vị phải xác định rõ khó khăn, vướng mắc, nhất là hạ tầng thoát nước mưa, nước thải của khu vực 725 ha phía bắc thành phố Quảng Ngãi trong phạm vi nghiên cứu để khảo sát trong quá trình triển khai dự án.