Chúng tôi tới thăm xã biển Nam Cường, ông Mai Văn Hoài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: Nam Cường có vị trí đặc biệt quan trọng trong tuyến biên phòng và thế trận phòng thủ của huyện Tiền Hải. Những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, địa phương thực hiện một số dự án phi Chính phủ. Bởi thế, nhiều các đoàn khách trong và ngoài nước thường xuyên đến thăm, trao đổi. Cũng chính vì vậy công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền trở thành vấn đề hết sức quan trọng.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn có thời điểm nảy sinh phức tạp như: Các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đến địa bàn với nhiều mục đích khác nhau; xuất, nhập cảnh trái phép, ma túy, cờ bạc, trộm cắp... những vấn đề trên đã tác động đến việc tổ chức thực hiện các chương trình kinh tế-xã hội ở địa phương, nhất là thế trận phòng thủ.
Để bảo vệ vững chắc biên giới biển, xã Nam Cường xây dựng ba tổ tự quản khu dân cư; 14 tổ tự quản vùng đầm bãi và một tổ tự quản khai thác đánh bắt thủy sản trên biển. Các thành viên tổ tự quản đều tham gia với tinh thần tự nguyện, trong các tổ tự quản đều có các đảng viên, cán bộ làm thành viên nòng cốt để xây dựng phong trào.
Xã cũng đi đầu trong phát động phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia" trong tình hình mới. Việc tuyên truyền, vận động dài hơi, bền bỉ của cấp ủy, chính quyền địa phương đã làm chuyển biến căn bản nhận thức của người dân. Những năm qua, địa phương không có vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, không có đơn thư vượt cấp. Nhiều gia đình tự nguyện giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo nổ cho cán bộ biên phòng và công an xã, góp phần đem đến sự bình yên cho miền quê ven biển.
Tại xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, mối quan hệ quân, dân luôn gắn bó bền chặt. Chủ động giữ vững an ninh tuyến biển từ xa, từ sớm, không để bị động, bất ngờ, Đồn Biên phòng Trà Lý đã tham mưu cho địa phương thành lập một đội, 10 tổ tự quản về an ninh. Nổi bật là đội tàu, thuyền tự quản, hỗ trợ nhau trên biển, tham gia đấu tranh, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển; hay như tổ tự quản an ninh, trật tự giáo xứ Bích Du không ma túy và tệ nạn xã hội. Các mô hình này như cánh tay nối dài để phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi xâm phạm chủ quyền, chống tội phạm, xây dựng khu vực biên giới biển vững mạnh.
Tỉnh Thái Bình đang duy trì 114 tổ tự quản an ninh, trật tự; tự quản tàu thuyền và tự quản bến bãi với khoảng 2.000 thành viên. Đây là lực lượng có đóng góp hiệu quả trong các phong trào bảo vệ biên giới, xây dựng khu vực biên giới, nhất là tại 14 xã ven biển của tỉnh.
Cùng với nhân dân tham gia bảo vệ an ninh biên giới biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đã tích cực phối hợp với các lực lượng như công an, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường ký kết, triển khai các quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ an ninh biên giới, vùng biển, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong khu vực.
Trong những năm qua, địa bàn khu vực biên giới biển xảy ra 382 vụ việc với 743 đối tượng, trong đó riêng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đã phát hiện, xử lý 226 vụ với 441 đối tượng; phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, xử lý 156 vụ với 302 đối tượng. Kết quả nêu trên đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới biển tỉnh Thái Bình, tạo môi trường thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Khu vực biên giới biển tỉnh Thái Bình gồm 14 xã, thị trấn thuộc hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy. Hiện ở đây có hơn 1.000 phương tiện tàu, thuyền hoạt động nghề cá với khoảng 3.000 lao động. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về hệ thống pháp luật; về tình hình biển, đảo Việt Nam; về trách nhiệm của ngư dân hoạt động trên biển.
Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn ngư dân cách thức phát hiện tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam; các tàu, thuyền vi phạm pháp luật như: Buôn lậu, gian lận thương mại, đánh bắt hải sản trái phép hay đưa người trốn đi nước ngoài trái phép.
Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình chủ động phối hợp ngành nông nghiệp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt thuê bao giám sát hành trình cho chủ tàu cá. Đến nay, địa phương đã hỗ trợ 70% kinh phí cho hơn 170 tàu, góp phần chủ động quản lý chắc chắn các hoạt động khai thác hải sản trên biển đúng quy định của pháp luật, cũng như bảo đảm cho công tác thông tin, liên lạc phòng chống lụt bão.
Đồng hành với ngư dân, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình trong 5 năm gần đây vận động các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, địa phương hỗ trợ ngư dân hơn 1.500 suất quà trị giá gần 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, đơn vị tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc, 800 phao cứu sinh; xây 67 căn nhà cho hộ nghèo; nhận nuôi tám cháu nhỏ đang sinh sống khu vực biên giới biển với số tiền hỗ trợ hàng trăm triệu đồng.
Những việc làm thiết thực của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đã góp phần động viên, khuyến khích ngư dân yên tâm, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia. Trong đó, xác định mỗi người dân là một cột mốc sống trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc.