Thời gian vừa qua, chị T.H. (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận thấy cô con gái 14 tuổi của mình có nhiều dấu hiệu như chểnh mảng hơn trong việc học tập, dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại di động. Một lần, khi kiểm tra điện thoại của con, chị T.H. bất ngờ khi thấy con tham gia vào một số hội, nhóm không lành mạnh trên mạng xã hội.
“Cháu tham gia nhiều nhóm chat (trò chuyện) liên quan đến những việc như tìm cách trốn tiết, bỏ học. Nguy hiểm hơn, trong một số hội nhóm mà con tôi tham gia còn nói về những vấn đề nhạy cảm của người lớn, kèm theo nhiều thông tin, hình ảnh nhạy cảm, trái thuần phong mỹ tục. Tôi phải cấm cháu dùng điện thoại một thời gian và giải thích cho con về sự nguy hại khi tham gia các hội nhóm như vậy”, chị H. chia sẻ.
Tương tự, gần đây, anh Nguyễn H.Q. (quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) thường xuyên dành thời gian kiểm soát cậu con trai 12 tuổi của mình khi sử dụng internet. Anh Q. cho biết: “Ban đầu, tôi mua máy tính bảng cho con trai để sử dụng cho mục đích học tập. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi thấy con sử dụng thiết bị cho việc học thì ít, mà chơi game, lên các trang mạng đọc truyện, xem phim và tham gia các hội nhóm thì nhiều. Kiểm tra máy thì thấy cháu xem nhiều bộ phim hoặc chơi các game có hơi hướng bạo lực, không phù hợp lứa tuổi. Vừa qua, tôi phát hiện cháu theo dõi một số clip trên mạng xã hội về cách chế tạo pháo chơi Tết. Lúc này tôi mới nhận thấy việc kiểm soát trẻ em khi sử dụng internet là hết sức quan trọng”.
Không chỉ anh Q. chị H., hiện nay, việc bảo vệ trẻ em như thế nào trên môi trường internet trở thành mối quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh. Không khó để tìm ra các hội, nhóm hoặc các bài viết, clip không lành mạnh, không phù hợp với trẻ em trên các nền tảng mạng xã hội. Thí dụ, tại một nhóm kín có tên “Chuyện người lớn” trên Facebook có hơn 5.000 thành viên tham gia, trong đó có nhiều em đang trong độ tuổi đến trường hoặc học sinh, sinh viên. Trên nhóm này, người quản trị hoặc thành viên thường xuyên đăng tải các truyện tranh của nước ngoài vốn dành cho người lớn.
Tại một nhóm kín có tên “Chuyện người lớn” trên Facebook có hơn 5.000 thành viên tham gia, trong đó có nhiều em đang trong độ tuổi đến trường hoặc học sinh, sinh viên. Trên nhóm này, người quản trị hoặc thành viên thường xuyên đăng tải các truyện tranh của nước ngoài vốn dành cho người lớn.
Bên cạnh đó, nhóm thường xuyên đăng tải các bài viết về chuyện yêu đương nam nữ với nội dung không lành mạnh. Một nhóm khác có tên “Mua bán thuốc lá điện tử”, với hơn 1.000 thành viên, trong đó có nhiều học sinh thường xuyên đăng bài quảng cáo về các loại thuốc lá điện tử, hướng dẫn sử dụng… Ngoài hai nhóm nêu trên, trên các mạng xã hội còn có nhiều trang mạng xã hội, kênh thông tin, hội, nhóm có nhiều trẻ em tham gia chuyên bàn về các vấn đề bạo lực, sở thích không lành mạnh, với những nội dung trao đổi không chỉ không phù hợp với lứa tuổi đi học mà còn lệch chuẩn về đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật.
Hiện nay việc tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội rất thuận tiện, dẫn đến trẻ em dễ dàng bị lôi kéo. Lứa tuổi này thường chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về xã hội cho nên khi xem clip, tham gia các hội nhóm thiếu lành mạnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm, sinh lý. Chưa kể, nếu không được kiểm soát, trẻ có thể bị lôi kéo, trở thành nạn nhân của tội phạm.
Hiện nay, hành lang pháp lý bảo vệ trẻ trên không gian mạng đã có và thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện; thí dụ: Luật Trẻ em năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”…
Mặc dù vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa các giải pháp bảo vệ trẻ em khi tham gia mạng xã hội. Nhà trường, phụ huynh cũng cần để ý theo dõi và trang bị cho học sinh, con em mình những kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.
Theo lãnh đạo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, khi internet trở nên phổ biến, bên cạnh những mặt tích cực, môi trường mạng có không ít cạm bẫy, rủi ro. Các quốc gia đứng trước những nguy cơ, thách thức to lớn về an ninh mạng, trong đó có việc tội phạm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò để kết bạn, làm quen với phụ nữ, trẻ em, từ đó đặt vấn đề quan hệ tình cảm, xâm hại tình dục, mại dâm,…
Kết quả khảo sát từ năm 2021 của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) đã chỉ ra, gần 36,5% số trẻ em tham gia khảo sát đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực; hơn 13% số trẻ em buộc phải tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm trên internet. Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác, đã và đang triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp nhằm nỗ lực giải quyết những nguy cơ, thách thức trong thời đại kỹ thuật số.
Tuy nhiên, khi hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển, những thách thức mà nó mang lại cũng tăng theo. Sự gia tăng của tội phạm mạng, tấn công mạng gây ra mối đe dọa thường xuyên đối với các cá nhân, tổ chức, hòa bình, ổn định của các quốc gia. Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trước tội phạm trực tuyến cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn.