Bổ sung nhiều nội dung đặc thù
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 7 chương, 80 điều; so Luật hiện hành, dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã đề nghị sửa đổi 49 điều, bổ sung 29 điều và một chương riêng về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Theo Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi này và đề nghị định vị rõ hơn vị trí và mối quan hệ của Luật trong hệ thống pháp luật hiện nay.
Trên thực tế, thời gian gần đây, không ít người tiêu dùng đã bị các nhóm tội phạm khác nhau xâm phạm quyền lợi khi tham gia các "giao dịch đặc thù". Cụ thể, theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), qua đấu tranh, xử lý các vụ việc mới đây, phát hiện một số phương thức, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử, như: tạo lập các trang quảng cáo, rao bán các mặt hàng trực tuyến sau đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc của khách hàng hoặc chuyển mặt hàng không đúng giá trị thực tế như quảng cáo; giả mạo người nước ngoài mua hàng để yêu cầu người bán thực hiện "giao dịch quốc tế giả" nhằm đánh cắp thông tin, tài khoản của người bán, v.v.
Từ thực tế ấy, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhất trí với việc bổ sung các đối tượng áp dụng là "các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan", "tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" để có thể bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch mua sắm trực tuyến, đặc biệt là giao dịch có yếu tố nước ngoài và nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đi sâu phân tích từng điều, khoản cụ thể tại dự thảo Luật, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị, về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng (Điều 8), cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng. Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng (Điều 12), đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.
Về các giao dịch đặc thù giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh (Điều 37), có ý kiến đề nghị tách hình thức bán hàng đa cấp ra khỏi bán hàng trực tiếp vì bán hàng đa cấp không phải là hình thức bán hàng trực tiếp. Hơn nữa, cần điều chỉnh riêng hình thức bán hàng đa cấp vì đây là hình thức ngày càng phát triển, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Xoay quanh vấn đề này, để sớm bổ sung những quy định phù hợp nền kinh tế số, bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát để bảo đảm các khái niệm về giao dịch đặc thù thật sự rõ ràng, mạch lạc; tiếp tục rà soát các nội dung liên quan, đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cùng các luật, chính sách hiện hành khác.
Phiên họp chuyên đề pháp luật ngày 15/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: Duy Linh |
Bảo đảm tính khả thi
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi của một số quy định, tránh việc quy định chung, khó định lượng; nghiên cứu thu hút các nội dung cụ thể trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn vào dự thảo Luật; đánh giá sâu hơn tính khả thi của các quy định, đặc biệt là các quy định mới tại Điều 6, Chương III, Chương IV và Chương V của dự thảo Luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: "Vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã đủ rõ trong dự thảo Luật chưa?". Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến chỉ đạo: Xoay quanh quyền lợi của người tiêu dùng có các mối quan hệ, theo tôi chỉ nên chia thành ba bên: thứ nhất là người tiêu dùng (là cá nhân hay là thể nhân, pháp nhân hay là vừa tiêu dùng, vừa sản xuất); thứ hai, bên cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ (bao gồm toàn bộ các thể nhân và pháp nhân liên quan sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ); và thứ ba là Nhà nước, bao gồm: Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau phiên họp này, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để rà soát, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đối với tất cả các ý kiến chỉ đạo, góp ý, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ và trình kỳ họp Quốc hội tới đây theo đúng kế hoạch.