Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung
Theo Tờ trình tóm tắt dự án Luật của Chính phủ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, sau gần 12 năm thực thi đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiến tạo các khuôn khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục phát triển hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam thời gian tới.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Luật bộc lộ tồn tại, hạn chế, gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh, những yêu cầu, xu thế mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) xác định các nguyên tắc cơ bản: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của xã hội, bảo đảm cân bằng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Để chuẩn bị cho quá trình xây dựng dự án Luật, từ tháng 1 đến tháng 5/2022, Bộ Công thương đã tiếp nhận ý kiến đóng góp của 21 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 54 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như ý kiến đóng góp của nhiều công ty luật, doanh nghiệp, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, tổ chức quốc tế, chuyên gia, cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về dự án Luật (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH) |
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: dự án Luật hiện có 7 Chương, 80 Điều. Cụ thể, ngoài việc bổ sung thêm một Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, dự án Luật còn có thêm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, dự án Luật cũng bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng; hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể hóa để Luật sát hơn với đời sống
Báo cáo Thẩm tra sơ bộ dự án Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu rõ: về cơ bản, dự án Luật đã thể chế hóa và phù hợp đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dự án Luật cơ bản phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhưng cần tiếp tục rà soát, đối chiếu với các luật, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo các luật đang tiến hành sửa đổi, bổ sung như Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử… tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất.
Cụ thể hơn, về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng ở Điều 8 trong dự án Luật, cơ quan thẩm tra dự án Luật cho rằng, cần quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.
Đối với quy định về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng ở Điều 12 trong dự án Luật, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: DUY LINH) |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Điều 35 dự thảo Luật quy định miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra “khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trường hợp không phải bồi thường khi thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Vì vậy, có ý kiến đề nghị xem xét quy định nêu trên của Điều 35 dự thảo Luật có đúng là trường hợp bất khả kháng theo pháp luật về dân sự không; trường hợp đúng thì đề nghị cần quy định thống nhất với pháp luật về dân sự.
Về các quy định giải quyết tranh chấp của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận thấy, trong bốn phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh được quy định tại Luật hiện hành thì thương lượng, hòa giải là phương thức phổ biến nhất, chiếm tới 80% các vụ khiếu nại.
Tuy nhiên, kết quả thương lượng, hòa giải nhiều khi không được các bên nghiêm túc thực thi do giá trị pháp lý của biên bản thương lượng, hòa giải thành là không cao. Phương thức Trọng tài và Tòa án không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc kéo dài, chi phí cao trong khi các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thường có giá trị thấp.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để tăng tính khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức Tòa án (áp dụng thủ tục rút gọn) và Trọng tài.