Bảo vệ quyền lợi của trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương

NDO - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, Quốc hội và Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc bảo đảm quyền lợi của thế hệ trẻ, thanh thiếu niên và nhi đồng.
Quang cảnh buổi tiếp.
Quang cảnh buổi tiếp.

Chiều 2/10, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tiếp bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao những hoạt động hiệu quả của UNICEF tại Việt Nam, đã hỗ trợ Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi của trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau hơn 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013, quyền trẻ em Việt Nam đã trở thành một bộ phận rất quan trọng trong việc thực hiện quyền con người, giúp cụ thể hóa quyền trẻ em phù hợp theo thông lệ quốc tế và điều kiện của đất nước. Quốc hội Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc xây dựng pháp luật, chính sách bảo vệ quyền trẻ em với Luật trẻ em (năm 2016) quy định và bổ sung 25 nhóm quyền của trẻ em, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục và gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội và Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc bảo đảm quyền lợi của thế hệ trẻ, thanh thiếu niên và nhi đồng. Quyền lợi của các độ tuổi này đều được thể hiện và xác định trong quá trình xây dựng pháp luật những năm gần đây trong: Luật Giáo dục; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Khám bệnh, chữa bệnh...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa UNICEF và Quốc hội Việt Nam thông qua các ủy ban chuyên môn trong những năm gần đây, góp phần xây dựng khung khổ pháp lý, chính sách, pháp luật thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Đồng thời, bà Nguyễn Thị Thanh tin tưởng rằng, dưới sự chỉ đạo, điều hành của bà Silvia Danailov, UNICEF Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, thúc đẩy quyền trẻ em, phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương.

Về những vấn đề đặt ra cho trẻ em trong tương lai gần, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và các hoạt động trên không gian mạng, trẻ em đứng trước nhiều cơ hội, khó khăn và đối mặt với nhiều nguy cơ đặc biệt là thông tin xấu độc, mặt trái của nền tảng xã hội, nhất là các nền tảng xuyên biên giới. Đây là vấn đề đặt ra trên toàn cầu, không chỉ của Việt Nam. Bên cạnh đó, trẻ em là cũng đối tượng chịu tác động lớn trước những tác động của biến đổi khí hậu và an ninh phi truyền thống.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng khẳng định sự nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng phát triển kinh tế, gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, trong đó phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng được đặc biệt quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, UNICEF tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế, các quy định của pháp luật, giải quyết các vấn đề đang đặt ra liên quan tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ em; hỗ trợ trẻ em bị nhiễm chất độc da cam; tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em; nguy cơ gia tăng suy dinh dưỡng thể béo phì ở trẻ em…

Bảo vệ quyền lợi của trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương ảnh 1

Các đại biểu tham dự cùng chụp ảnh lưu niệm.

Cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã dành thời gian tiếp đoàn, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đánh giá cao Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng hệ thống pháp luật về trẻ em.

Đồng thời, Phó Chủ tịch quốc hội nhấn mạnh, sẽ sẵn sàng tham gia các hoạt động do các cơ quan của Quốc hội tổ chức, để cùng nhau thảo luận, triển khai các nội dung, hoạt động liên quan việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em như chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…; đồng thời, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng cho các cán bộ làm công tác xã hội để ngăn ngừa, ứng phó bạo lực trẻ em.