Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”, nhiều tham luận, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đề cập giải pháp an sinh xã hội, bảo vệ và cung ứng nguồn lao động cho sản xuất công nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đây là những vấn đề được cử tri, người lao động, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp rất quan tâm.
Phóng viên: Thưa ông, tại Diễn đàn vừa qua, nhiều diễn giả, tham luận đề cập đến vấn đề phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sản xuất, bảo vệ người lao động. Ông có ý kiến gì về những biện pháp chống dịch, nhất là thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” và việc thực hiện chủ trương này ở địa phương?
PGS, TS Nguyễn Công Hoàng: Cá nhân tôi đánh giá rất cao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 nhằm thu hút trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý trong việc đánh giá thực trạng nền kinh tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 và xu hướng diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước, kinh nghiệm chống dịch của thế giới và Việt Nam kiến nghị chính sách, giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển bền vững.
Một số tham luận trình bày và hai phiên thảo luận mở tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 cho thấy đại dịch Covid-19 tác động rất mạnh đến kinh tế, thương mại, sản xuất, sức khỏe, tâm lý của người dân thế giới và Việt Nam.
Chúng ta đã bước đầu tổng kết kinh nghiệm quốc tế về chống dịch, việc huy động nguồn nhân lực, nhất là nhân lực y tế chống dịch Covid-19 và chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu số người chết và hai tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, bước vào giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” cho thấy đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Gần hai tháng qua, cả nước bắt đầu mở cửa, các gói hỗ trợ, kích cầu để phục hồi và phát triển kinh tế phát huy tác dụng; các đối tượng yếu thế không bị bỏ lại phía sau; các địa phương thống nhất quan điểm, biện pháp chống dịch bằng việc xác định cấp độ dịch để có biện pháp phù hợp.
Tuy nhiên, đến nay dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó đã xuất hiện sự chủ quan, coi việc tiêm đủ hai mũi vaccine đã miễn dịch, biện pháp 5K không được thực hiện nghiêm khiến cho dịch bệnh sẽ có những diễn biến phức tạp.
Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thái Nguyên triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, được xác định là vùng xanh, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt khoảng 6,56%, thu ngân sách đạt khoảng 16.750 tỷ đồng, 71% lao động qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,17%. Qua đó, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Phóng viên: Dịp này Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các vị lãnh đạo Quốc hội và các chuyên gia kinh tế qua thảo luận đã nhấn mạnh nguồn nhân lực góp phần quan trọng thực hiện thành công chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Để bảo vệ nguồn nhân lực, cần thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Công Hoàng: Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở các tỉnh, thành phố phía nam đã làm lượng lớn lao động về quê, không chỉ dẫn đến thiếu hụt, đứt gãy nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực sản xuất công nghiệp, ảnh hưởng an sinh xã hội, để lại hệ luỵ nhiều mặt mà còn khiến cho dịch bệnh lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố khi người lao động về quê đông, ban đầu các địa phương chưa quản lý được.
Để bảo vệ nguồn nhân lực, nhất là công nhân khu công nghiệp để nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh việc tiêm bao phủ vaccine phòng Covid-19, bao phủ bảo hiểm y tế, hỗ trợ nhà ở, giáo dục cho con em công nhân, xây dựng nhà ở xã hội trong các khu công nghiệp để thu hút lao động ổn định, bền vững.
Đồng thời, củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, các điều kiện chăm sóc y tế cho người nhiễm Covid-19 tốt hơn để công nhân yên tâm, gắn bó ổn định, lâu dài đối với nhà máy.
Với đặc thù là một tỉnh có nhiều khu công nghiệp, có số lượng công nhân công nghiệp lớn, có thời điểm lên tới hơn 200 nghìn người, thời gian gần đây dịch Covid-19 đã xâm nhập vào khu công nghiệp Thái Nguyên, nhưng tỉnh vẫn “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” vì gần như toàn bộ công nhân được tiêm đủ hai mũi vaccine, chủ động truy vết, cách ly các trường hợp F0, các cơ sở điều trị người nhiễm Covid-19 điều trị cho gần 1.000 người, sản xuất vẫn phát triển, giá trị xuất khẩu năm 2021 dự kiến đạt hơn 28 tỷ USD.
Phóng viên: Thời gian tới, ông có đề xuất gì để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả trong khu công nghiệp?
PGS, TS Nguyễn Công Hoàng: Chúng ta từng chứng kiến, hàng nghìn công nhân tại các khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh, vừa rồi là các tỉnh, thành phố phía nam bị nhiễm Covid-19 dẫn đến nhiều nhà máy, nhiều khu công nghiệp phải tạm dừng sản xuất, thiệt hại rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Khắc phục vấn đề này, cần ngăn chặn dịch xâm nhập khu công nghiệp để bảo vệ sức khỏe công nhân, khôi phục và phát triển sản xuất bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Trước tiên, phải rà soát lại các kẽ hở trong thực hiện phòng, chống dịch tại nhà máy có nhiều công nhân là F0 để tìm ra giải pháp khắc phục. Với một nhà máy có số lượng người lao động lớn, từ 1.000 đến vài chục nghìn lao động, cư trú ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh thì việc quản lý cũng như kiểm soát dịch tễ hết sức khó khăn.
Cá nhân tôi đề xuất một số giải pháp: Chia ca làm việc để khu trú, bảo vệ cho từng nhóm người lao động, bảo đảm số lượng lao động tối thiếu trong trường hợp có F0 tại Nhà máy. Nếu có điều kiện, nên bố trí làm việc theo từng nhóm/mỗi tuần, bố trí ăn nghỉ tại nhà máy. Kiểm tra xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động trước khi quay trở lại làm việc.
Tăng cường xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên và định kỳ cho người lao động theo quy định; tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch đối với người lao động; nâng cao chất lượng, điều kiện an toàn lao động: bảo đảm nhà xưởng thông thoáng, hệ thống khí lưu thông bảo đảm theo quy định, cung cấp đủ các phương tiện bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn…
Quản lý chặt chẽ việc di chuyển, tiếp xúc của người lao động sau giờ làm bằng việc thực hiện cam kết giữa người quản lý lao động và người lao động, cần bổ sung vào trong hợp đồng lao động cam kết thực hiện các thỏa thuận an toàn phòng, chống dịch. Làm tốt công tác 5K+vaccine+công nghệ thông tin và ý thức của công nhân tạo nên “lá chắn thép” cho các khu công nghiệp.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Thái Nguyên là trung tâm lớn về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đứng thứ tư cả nước về giá trị. Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong các khu công nghiệp góp phần quyết định làm nên thành quả đó. Ngay từ những đợt dịch bùng phát đầu tiên, Thái Nguyên đã có những giải pháp hết sức triệt để nhằm khống chế, ngăn chặn dịch.
Trong thời gian dài, Thái Nguyên đã thành công trong việc giữ vững thành trì an toàn. Hiện nay, mặc dù số ca mắc đã được ghi nhận, song về cơ bản Thái Nguyên vẫn trong thế chủ động phòng, chống dịch Covid-19.
(PGS, TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên)