Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam Bộ, có 11 huyện, thị xã, thành phố với 111 xã, phường, thị trấn, trong đó có 15 xã biên giới; giai đoạn 2021-2025, tỉnh có 50 xã khu vực I, ba xã khu vực II, năm xã khu vực III và 46 thôn, ấp đặc biệt khó khăn.
Kiên quyết xử lý tín dụng đen
Toàn tỉnh Bình Phước có 41 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc thiểu số cư trú đan xen và tập trung chủ yếu ở vùng giáp ranh các tỉnh Tây Nguyên, biên giới, địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh. Cuối năm 2021, số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 2.835 hộ/4.894 hộ, chiếm 57,93% số hộ nghèo toàn tỉnh; đến năm 2022 giảm được 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số do nhiều nguyên nhân, đáng lưu ý là việc cầm cố đất, vay lãi suất cao dẫn đến mất khả năng trả nợ và bị chủ nợ siết đất.
Thực trạng bán điều bông, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số đã diễn ra khá lâu. Nguyên nhân là do đồng bào chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, năng suất thấp cho nên không tích lũy được của cải. Do vậy, khi gia đình có việc cần đến tiền phải bán điều non, thế chấp, cầm cố, sang nhượng đất (vì đất vườn của người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể thế chấp ngân hàng để vay vốn).
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, tình trạng bán điều non tập trung chủ yếu ở địa bàn hai huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập; thời gian bán bình quân từ 3 đến 8 năm (ngắn nhất là 1 năm và dài nhất là 28 năm); còn vay tiền lãi từ 30% đến 50%/năm. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2020 có 663 hộ bán điều non với gần 1.200ha, trong đó đất do Nhà nước cấp theo các chương trình chính sách dân tộc là 78ha; số hộ cầm cố, thế chấp, sang nhượng đất ở, đất sản xuất là 650 hộ; số hộ vay tiền lãi suất cao là 186 hộ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng, Trần Thanh Hòa cho biết, Bù Đăng là huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 23,1% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Trong năm qua, tình hình bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất, sang nhượng đất đã hạn chế nhờ công tác tuyên truyền từ huyện đến xã, thôn, ấp được thực hiện đồng bộ. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do mặt bằng dân trí, nhận thức pháp luật của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Do đó, khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, như bệnh tật, người nhà mất, cưới vợ cho con, lo cho con ăn học... không có tiền cho nên phải vay mượn đến khi mất khả năng thanh toán sẽ bị chủ nợ siết vườn rẫy.
Trước thực trạng trên, tỉnh Bình Phước liên tiếp ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Bình Phước đã kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng lúc đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn để dụ dỗ mua điều non, cho vay tiền lãi suất cao. Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đã thụ lý, giải quyết năm vụ án liên quan giao dịch mua bán điều non, 50 vụ liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng đất.
Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố hai vụ án, hai đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi đối với chín hộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đồng Phú; đang điều tra hai đơn tố cáo làm giả chữ ký, mượn sổ đỏ cầm cố, chiếm đoạt tại huyện Bù Đăng; phát hiện, ngăn chặn 11 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Hớn Quản có dấu hiệu chuẩn bị cầm cố, thế chấp tài sản (đất sản xuất, bán cây điều, cây cao-su, trâu bò) để góp vốn mua bán “thiên thạch, đồng đen”. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc xử lý các đối tượng cho vay lãi nặng nhằm vào đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp khó vì hợp đồng vay mượn tiền sơ sài, không thể hiện lãi suất; người đi vay cố tình không khai báo cơ quan chức năng.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, Lý Trọng Nhân cho biết, Ban Dân tộc tỉnh đã mở nhiều lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho hơn 1.000 già làng tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng, với các nội dung, chuyên đề, như: Thực trạng tình hình bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất; kỹ năng tuyên truyền vận động, cung cấp thông tin tình hình an ninh, trật tự, Luật Khiếu nại, tố cáo, tình hình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn... Các biện pháp nêu trên đã giúp các già làng, người có uy tín thực hiện tốt hơn vai trò hạt nhân phối hợp tuyên truyền, vận động. Nhờ vậy, tình trạng bán điều bông, cầm cố đất, vay nặng lãi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh. Theo thống kê từ năm 2020 đến nay, số hộ cầm cố đất, vay nặng lãi phát sinh mới hằng năm giảm mạnh; đến cuối năm 2021 chỉ có hơn 300 hộ bán điều bông, 21 hộ cầm cố đất, 42 hộ sang nhượng đất sản xuất; 12 hộ vay lãi suất cao.
Các giải pháp sát thực tế
Trong những năm qua, các cấp, ngành, hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã thực hiện nhiều giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên. Tỉnh chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn chính sách. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Phước, từ năm 2017 đến nay đã triển khai thực hiện nhiều chương trình cho vay, trong đó có hơn 10 chương trình cho đối tượng là người dân tộc thiểu số. Số dư nợ của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 500 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của ngân hàng. Bên cạnh đó, các sở, ngành đẩy mạnh hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi cho người dân nhằm giúp họ tiếp cận, nâng cao trình độ quản lý, sử dụng nguồn lực của gia đình trong phát triển sản xuất, tạo ra việc làm thường xuyên, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Thay vì phải bán điều bông, cầm cố đất để xoay xở cuộc sống, anh Điểu SRức (ở thôn Đắk Úy, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) được hỗ trợ nhà ở, bò giống, nông cụ sản xuất và vốn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ nguồn vốn hỗ trợ, gia đình anh đã đầu tư cải tạo vườn, xây dựng mô hình xen canh nhiều loại cây trồng thu nhập hơn 150 triệu đồng mỗi năm. Khi kinh tế gia đình ổn định, anh Điểu SRức đã giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Mới đây, anh đã hiến tặng 60m2 đất cho gia đình anh Điểu Bắc ngụ cùng thôn để địa phương hỗ trợ xây nhà ở, khoan giếng, kéo điện. Nghĩa cử cao đẹp của anh là những viên gạch nền giúp hộ anh Điểu Bắc có chỗ an cư, yên tâm lao động, đủ điều kiện thoát nghèo.
Xuất phát từ đặc điểm, yêu cầu, tình hình thực tế của tỉnh, vừa qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước thống nhất triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó đề cao vai trò đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng phát triển và đặc biệt là ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Bình Phước đang đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, Bình Phước coi trọng nâng cao chất lượng đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số và ưu tiên bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực này vào bộ máy chính quyền cơ sở. Đây chính là những nhân tố góp phần thúc đẩy, nâng cao trình độ dân trí trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Ông Điểu Nen, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là học sinh, sinh viên để các em có điều kiện phát huy hết khả năng, ra sức học tập đạt kết quả tốt nhất, sau này trở thành công dân ưu tú, có tri thức, có bản lĩnh, có đạo đức. Sau khi ra trường, tỉnh linh động bố trí việc làm nhằm giúp các em phát huy năng lực giúp đồng bào mình vươn lên giàu có. Trong giai đoạn 2016-2022, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện hỗ trợ kinh phí cho 179 lượt sinh viên người dân tộc thiểu số.