Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

NDO - Tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) mới đây đăng bài viết với nhan đề “Tiêu dùng trực tuyến Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng”, dẫn báo cáo của hãng nghiên cứu dữ liệu Metric, cho thấy 3 quý đầu năm, doanh số của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so cùng kỳ năm ngoái.
0:00 / 0:00
0:00
Bài viết được đăng trên tờ Thời báo Kinh tế (Trung Quốc).
Bài viết được đăng trên tờ Thời báo Kinh tế (Trung Quốc).

Dữ liệu cho thấy trong 3 quý đầu năm nay, doanh số trung bình hằng tháng của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn của Việt Nam (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki, Sendo) đạt 25.300 tỷ đồng. Chỉ riêng trong quý 3, doanh số giao dịch tiêu dùng trực tuyến của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn đã tăng 18,15% so quý trước.

Dự báo, tổng doanh số bán hàng trực tuyến tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong quý 4, các tháng 10, 11 và 12 sẽ lần lượt tăng trưởng 10%, 20% và 35% so cùng kỳ năm ngoái.

Bài viết cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp, trực tiếp kích thích sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, Việt Nam đặt mục tiêu hơn 55% dân số cả nước mua sắm trực tuyến vào năm 2025, với mức tiêu dùng bình quân đầu người hàng năm đạt 600 USD, tổng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt 35 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công thương Việt Nam cùng với các doanh nghiệp liên quan đã thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đồng thời tăng cường hơn nữa hoạt động thanh toán trực tuyến và logistics, nhằm thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của tiêu dùng trực tuyến.

Lý giải về những động lực của tiêu dùng trực tuyến, bài báo cho biết, Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ tương đối cao, hơn 60% dân số cả nước ở độ tuổi dưới 35, với khả năng tiếp thu tốt các phương thức tiêu dùng số mới nổi và đã trở thành động lực chính cho sự phát triển của thương mại điện tử. Đồng thời, tỷ lệ phổ cập internet và điện thoại thông minh của Việt Nam cũng đang tăng lên (theo dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, tỷ lệ phổ cập internet đạt hơn 70% và số lượng người dùng điện thoại thông minh trên 80 triệu người), tạo nền tảng tốt về kỹ thuật cho tiêu dùng trực tuyến.

Theo bài báo, việc bổ sung một lượng lớn người dùng trẻ không chỉ nhanh chóng mở rộng quy mô thị trường mà còn mang lại những điểm tăng trưởng kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Thí dụ, các nền tảng thương mại điện tử thu hút nhiều người dùng hơn bằng cách tung ra các đề xuất được cá nhân hóa, mua sắm qua phát sóng trực tiếp, thương mại điện tử trên mạng xã hội và các chức năng khác mà giới trẻ yêu thích. Những mô hình sáng tạo này đã làm gia tăng sự gắn bó với thương hiệu của người tiêu dùng trẻ và thúc đẩy tần suất tiêu dùng tăng lên.

Ngoài ra, sự phổ biến của thanh toán điện tử tại Việt Nam đã thúc đẩy sự phát triển của tiêu dùng trực tuyến. Trong những năm gần đây, các phương thức thanh toán kỹ thuật số như thanh toán di động và ví điện tử đã phát triển nhanh chóng ở Việt Nam và các nền tảng thanh toán như MoMo, ZaloPay và VNPay đã trở nên phổ biến rộng rãi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tích cực khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm thanh toán thuận tiện và an toàn. Thông qua thanh toán kỹ thuật số, người dùng có thể hoàn thành các giao dịch trực tuyến mà không cần mang theo tiền mặt hoặc thẻ thanh toán, cải thiện đáng kể sự tiện lợi trong tiêu dùng. Theo thống kê, lượng giao dịch thanh toán điện tử tại Việt Nam năm 2023 tăng 30% so cùng kỳ năm trước.

Bài báo khẳng định, là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng ở Đông Nam Á, Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và trở thành thị trường trọng điểm cho nhiều nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, JD.com và các công ty khác đẩy nhanh việc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn sản phẩm phong phú hơn.

Đồng thời, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng trở thành kênh mới để các công ty Việt Nam xuất khẩu sản phẩm. Các thương hiệu của Việt Nam như Vinamilk, Biti's... đã đạt được mục tiêu mở rộng thị trường quốc tế dựa trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Chính phủ Việt Nam cũng không ngừng tối ưu hóa môi trường chính sách cho thương mại điện tử xuyên biên giới để hỗ trợ các thương hiệu bản địa vươn ra thế giới.

Bài báo cho biết, mặc dù tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhưng vẫn phải đối mặt với một số thách thức như cơ sở hạ tầng ở một số vùng sâu, vùng xa chưa hoàn thiện, logistics và phân phối vẫn còn khó khăn, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử của Việt Nam cần được cải thiện để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Tác giả nhấn mạnh, với việc phổ biến mạng 5G và ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đón nhận sự phát triển theo hướng thông minh hóa ở mức độ cao hơn.