Bài viết cho biết, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, giao lưu hữu nghị ở khu vực biên giới là một phần quan trọng trong sự phát triển quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Những năm gần đây, giao lưu hữu nghị ở khu vực biên giới giữa hai nước duy trì đà phát triển tích cực, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.
Theo đó, các địa phương Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc giáp với 7 tỉnh phía bắc Việt Nam, có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.000km. Giao lưu kinh tế-thương mại, văn hóa giữa nhân dân vùng biên giới hai nước có lịch sử lâu đời. Trao đổi và hợp tác hữu nghị giữa các địa phương biên giới có vai trò quan trọng trong quan hệ Trung Quốc-Việt Nam; xây dựng biên giới thành khu vực hòa bình, an ninh và thịnh vượng là nguyện vọng chung của nhân dân hai nước.
Theo tác giả bài viết, trong 25 năm qua kể từ khi ký Hiệp ước biên giới trên đất liền, hai nước đã cùng nhau nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới. Trong đó, tăng cường quản lý biên giới và trấn áp mạnh mẽ tội phạm xuyên biên giới luôn là nhiệm vụ quan trọng. Theo cơ chế hợp tác thực thi pháp luật do Trung Quốc và Việt Nam thiết lập, hai bên “cùng quản lý biên giới, cùng đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, nhanh chóng giải quyết và xử lý các vụ việc, cùng giữ gìn an ninh trật tự”, duy trì an ninh và ổn định chung của khu vực biên giới.
Điều đáng mừng hơn nữa là bên cạnh việc tăng cường quản lý biên giới, giao lưu hữu nghị biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng phát triển, xuất hiện nhiều điểm sáng mới, góp phần thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam.
Điểm sáng thứ nhất là hòa bình, hữu nghị đã trở thành xu hướng chủ đạo ở khu vực biên giới Trung Quốc-Việt Nam. Với sự phát triển ổn định của quan hệ song phương, người dân ở khu vực biên giới hai nước an cư lạc nghiệp, cùng chung sống hòa bình, hài hòa. Nơi đây trở thành một trong những khu vực biên giới năng động nhất về trao đổi kinh tế-thương mại và giao lưu nhân dân.
Thị trường Trung Quốc đón nhận những lô hàng dừa tươi Việt Nam đầu tiên
Điểm sáng thứ hai là việc không ngừng mở rộng giao lưu hữu nghị biên giới. Bên cạnh các cuộc gặp thường niên lãnh đạo chủ chốt và cơ chế họp nhóm công tác chung giữa các địa phương biên giới hai nước, các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới giữa quân đội Trung Quốc và Việt Nam cũng đã được triển khai và xác định là hoạt động thường niên tại các tỉnh biên giới hai nước, không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Tác giả bài viết đánh giá, nội dung của các hoạt động này ngày càng phong phú và thiết thực, thể hiện quyết tâm của hai nước cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Ý nghĩa chính trị quan trọng của các sự kiện này đã được nhân dân hai nước ghi nhận và thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước và quân đội hai nước.
Điểm sáng thứ ba là sự đổi mới không ngừng của các mô hình giao lưu. Với sự tiến bộ của thời đại và sự phát triển vững chắc của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, nhiều hoạt động giao lưu mới mẻ, sáng tạo, hướng tới cơ sở đã diễn ra ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, như bình chọn danh hiệu "sứ giả hữu nghị" trong cán bộ, chiến sĩ ở đồn biên phòng/trạm kiểm tra biên phòng hai nước; kết nghĩa giữa các xã/thị trấn, thôn/bản/khu phố..., tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân vùng biên giới tăng cường qua lại, trao đổi kinh tế-thương mại, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Điểm nổi bật thứ tư là giao lưu văn hóa, nhân văn ngày càng đa dạng, phong phú. Những năm gần đây, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nhân văn được triển khai tại khu vực biên giới Trung Quốc và Việt Nam, với nội dung ngày càng phong phú và quy mô ngày càng mở rộng, đóng vai trò tích cực trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, tăng cường hơn nữa sự tin cậy và đồng thuận xã hội, tạo nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương.
Trung Quốc muốn thúc đẩy hợp tác thương mại và các lĩnh vực mới nổi với Việt Nam
Có thể kể đến các hoạt động như Giao lưu văn nghệ chào Xuân qua biên giới và Liên hoan nhân dân biên giới do tỉnh Vân Nam và các tỉnh biên giới Việt Nam phối hợp tổ chức; Chương trình giao lưu hát đối trên sông biên giới Bắc Luân nhân dịp Tết Nguyên Đán và Giải bóng đá giao hữu nhân dịp Tết Nguyên Tiêu hằng năm do thành phố Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) tổ chức; ra mắt sản phẩm du lịch mới bằng xe đạp “Một hành trình-Hai quốc gia” được đông đảo người dân hai nước đón nhận, góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Cuối cùng, bài báo khẳng định, nền tảng của tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam nằm ở người dân; đồng thời, tin tưởng rằng việc tăng cường triển khai các hoạt động giao lưu, trao đổi và hợp tác ở khu vực biên giới sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa trong việc thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam.