Trung Quốc: Cứ 100 người thì có 1 người làm nghề livestream

NDO - Truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc mới đây công bố thông tin thú vị về số lượng khổng lồ người đang làm nghề phát sóng trực tiếp (livestream) trên mạng ở đất nước 1,4 tỷ dân.
0:00 / 0:00
0:00
Một cô gái đang phát sóng trực tiếp để bán vải thiều qua mạng ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: HỮU HƯNG)
Một cô gái đang phát sóng trực tiếp để bán vải thiều qua mạng ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Tính đến hết năm 2023, cả nước Trung Quốc đã có 15,08 triệu người làm nghề livestream chuyên nghiệp toàn thời gian. Điều này có nghĩa là tính bình quân trên tổng dân số Trung Quốc, cứ 100 người thì lại có 1 người làm nghề livestream chuyên nghiệp toàn thời gian.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, trước tháng 8/2024, nghề livestream trên mạng vẫn chưa được Nhà nước Trung Quốc thừa nhận và đưa vào danh mục nghề nghiệp xã hội.

Đến ngày 31/7/2024, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội, Tổng cục Giám sát và Quản lý thị trường, Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc cùng công bố một loạt ngành nghề và công việc mới trong xã hội, nghề livestream trên mạng và 18 ngành nghề khác mới chính thức được thừa nhận bởi Nhà nước.

Sự phát triển nhanh chóng của nghề livestream trên mạng cho thấy xu thế mới trong phát triển kinh tế-xã hội ở Trung Quốc, cũng cho thấy sự trỗi dậy và phổ biến rộng rãi của những ngành nghề mới nổi trong thời đại công nghệ số.

Việc được Nhà nước Trung Quốc thừa nhận, đánh dấu sự chính thức hóa và tiêu chuẩn hóa nghề livestream, đồng nghĩa với việc những người làm công việc này sẽ được bảo đảm về quyền lợi và có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Cùng với sự phát triển như vũ bão của ngành livestream trên mạng, những người làm công việc này đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong xã hội, ảnh hưởng đến lối sống và cách thức tiêu dùng của công chúng. Họ sáng tạo nội dung, thể hiện tài năng, chào bán hàng hóa thông qua các nền tảng livestream, mang đến động lực cho sự phát triển của nền kinh tế internet.

Ngoài ra, việc thừa nhận nghề livestream trên mạng cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ giáo dục-đào tạo liên quan, tạo cơ hội nâng cao tay nghề cho những người làm công việc này.

Từ năm 1999, Trung Quốc ban hành Tài liệu phân loại nghề nghiệp đầu tiên, nhằm lấp đầy khoảng trống trong lĩnh vực phân loại nghề nghiệp ở nước này. Từ đó đến nay, căn cứ tình hình phát triển kinh tế-xã hội, diễn biến ngành nghề trong xã hội, các cơ quan chức năng nước này sẽ công bố danh mục ngành nghề, công việc mới trong xã hội, nhằm tạo điều kiện cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự phát triển của đất nước.