Thực hiện Nghị quyết T.Ư 8, khóa XII

Bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển

Với lợi thế về sự đa dạng sinh học (ĐDSH), Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm ĐDSH lớn của thế giới. Để phát huy lợi thế này, những năm qua công tác bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH nói chung, ĐDSH biển nói riêng rất được Việt Nam coi trọng. Nỗ lực này đã thu được kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việt Nam là quốc gia giàu có về ĐDSH, được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật. Cùng với các hệ sinh thái đa dạng ở trên cạn, môi trường biển và giới sinh vật biển ở Việt Nam hiện nay đã phân biệt được 20 kiểu hệ sinh thái biển như: bãi triều, rừng ngập mặn cửa sông, đầm phá, vũng, vịnh biển, tùng, áng, rạn san hô, thảm cỏ biển… Ngoài ra, còn các hệ sinh thái vùng nước quanh các đảo ven bờ, đảo xa bờ, nhất là vùng nước và vùng đáy biển sâu (vùng biển quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), trong đó rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển được xem là các hệ sinh thái đặc trưng, quan trọng nhất do chúng có tính ĐDSH cao, có giá trị bảo tồn cao nhất. Kết quả điều tra cho thấy: tại vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11 nghìn loài sinh vật cư trú, trong đó có 6.000 loài động vật đáy; 2.400 loài cá, với 130 loài cá có giá trị kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù sa; 537 loài thực vật phù du; 225 loài tôm biển... Ngoài ra, các cảnh quan ven bờ biển, các đảo ven bờ có hệ sinh thái tự nhiên với tính ĐDSH cao còn là nền tảng cho ngành du lịch phát triển nhanh, nhất là du lịch sinh thái đang trở thành dịch vụ phổ biến ở các khu bảo tồn thiên nhiên.

Nhận thức được tầm quan trọng của ĐDSH mang lại, những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn ĐDSH biển nói riêng. Điển hình như Luật ĐDSH (năm 2008); Kế hoạch hành động quốc gia về ĐDSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống 16 Khu bảo tồn biển. Tính đến năm 2018, cả nước đã có 10 khu bảo tồn biển được thành lập và đi vào hoạt động. Các khu bảo tồn biển được thành lập, bên cạnh ý nghĩa bảo tồn các hệ sinh thái biển đặc thù và các loài sinh vật biển quý, hiếm, còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí và du lịch sinh thái. Đồng thời, còn cung cấp các cơ sở pháp lý, công cụ hành chính cho việc đấu tranh bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trong phạm vi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong vùng Biển Đông mà các nước trong khu vực đang quan tâm…

Tuy nhiên, công tác bảo tồn ĐDSH biển ở Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức do việc quản lý đánh bắt kém hiệu quả đang dẫn tới việc khai thác thủy sản quá mức ở nhiều vùng nước, làm suy giảm tổng lượng đánh bắt. Đáng lo ngại, các kỹ thuật khai thác mang tính hủy diệt như dùng chất nổ, chất độc để đánh bắt thủy sản đang diễn ra tràn lan, không kiểm soát được ở cả vùng nước trong đất liền và trên biển, đang là mối đe dọa cao đối với các hệ sinh thái tự nhiên có mức ĐDSH cao của nước ta. Trong khi đó, việc cải tạo từng phần các bãi triều bằng cách trồng rừng ngập mặn tại vùng cửa sông Hồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nơi trú ngụ và kiếm ăn ưa thích của nhiều loài chim di cư. Nhiều khu rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều ven biển đã bị cải tạo nhanh chóng với quy mô lớn thành các đầm nuôi thủy hải sản, khiến các khu rừng ngập mặn nguyên sinh gần như bị biến mất ở nhiều địa phương ven biển…

Tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó có mục tiêu: Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu Nghị quyết 36/NQ-TW đề ra, nhất là đối với công tác bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH biển trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn ĐDSH nói chung, bảo tồn ĐDSH biển nói riêng, trong đó chú trọng đến các cơ chế toàn cầu và khu vực mà các điều ước và diễn đàn quốc tế đang quan tâm. Vì hiện nay, Chính phủ các nước đang trao đổi, thảo luận về một công cụ pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển về nội dung bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH biển trong các khu vực ngoài vùng tài phán quốc gia. Tiếp tục mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia, trong đó chú trọng việc bảo tồn ĐDSH, phục hồi các hệ sinh thái, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành có liên quan đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó các sự cố môi trường biển, quản lý rác thải nhựa trên biển... để ngăn chặn, giảm đến mức thấp nhất các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các sinh vật biển.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, nhất là ở các vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề; thành lập hải đồ diện tích các vùng biển Việt Nam, điều tra địa hình đáy biển diện tích vùng biển Việt Nam; thường xuyên tiến hành các cuộc thăm dò, tìm kiếm vật liệu di truyền, các dẫn xuất và nguồn gien có giá trị ứng dụng cao, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; triển khai các chương trình giám sát quốc gia về ĐDSH biển để có những biện pháp kịp thời ngăn chặn sự suy giảm ĐDSH biển và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm - khoa học, du lịch cộng đồng; thu hút người dân ven biển chuyển đổi các hoạt động liên quan đến xâm hại, tác động đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế, việc làm mới cho người dân tại khu vực này; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực ĐDSH để cùng nghiên cứu, bảo tồn, phát triển thương hiệu ĐDSH biển cho Việt Nam một cách bền vững, hiệu quả.

TS PHẠM ANH CƯỜNG,

Cục trưởng Bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường