Bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân

NDO - Ngày 29/6, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội”, nơi thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo có sự tham của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và khảo cổ.
Hội thảo có sự tham của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và khảo cổ.

Hội thảo khoa học được tổ chức với sự tham dự của đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở Trung ương, thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.

Di tích Đình (Đền) Nội Bình Đà thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân là một trong những di sản tiêu biểu, độc đáo, đã được Nhà nước công nhận Di tích cấp quốc gia lần thứ nhất năm 1985 và được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia năm 1991.

Toàn bộ khu Đình (Đền) Nội rộng khoảng 30.000m2, bên trong có các hạng mục: nghi môn ngoại (tứ trụ), nhà cầu Quếch, ao sen (giếng Ngọc), nghi môn nội (cổng ngũ môn), nhà tả mạc, hữu mạc, phương đình, nhà đại bái và hậu cung với kiến trúc cổ truyền cùng nhiều hiện vật cổ, trong đó, có bức đại tự “Vi Bách Việt tổ” (Tổ dân Bách Việt)...

Bao quanh khuôn viên rộng của khu Đình (Đền) là nhiều cây xanh cổ thụ.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân ảnh 1

Không gian rộng lớn cùng kiến trúc truyền thống độc đáo của Đình (Đền) Nội Bình Đà.

Đình (Đền) Nội gắn liền với truyền thuyết thời dựng nước, 50 người con trai theo mẹ Âu Cơ lên miền núi rừng, 50 người con trai xuống biển cùng cha Lạc Long Quân.

Tương truyền, 50 người con theo cha Lạc Long Quân đến đất Bảo Đà, dân gian thường gọi là Cổ Nõi hay Kẻ Nõi, (nay là Bình Đà) khi đó còn gần biển, truyền cho các con dừng chân dựng trại.

Cha thấy thế đất “Lục long chiêu hội, lưỡng phương giao phi” màu mỡ, mang dáng rồng chầu, hổ phục, bèn chọn làm nơi đây xây dựng cơ nghiệp, khai hoang, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, lấn biển, làm nhà, mở mang bờ cõi.

Từ đó, ở Bảo Đà đã hình thành những làng xóm đầu tiên vùng châu thổ sông Hồng. Khi Đức Quốc tổ hóa, Ngài được an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò) thuộc đất Bảo Đà.

Để tri ân công đức của Đức Quốc tổ Lạc Long Quân, dân trong vùng đã lập ngôi Đình (Đền) Nội thờ Ngài.

Suốt sáu thế kỷ, 16 vị vua của các triều đại đều đích thân về Bình Đà dâng lễ Đức Quốc tổ. Đã có 16 sắc phong của các triều đại suy tôn Lạc Long Quân là “Khai quốc thần” được lưu giữ tại Đình (Đền) Nội và Viện Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân ảnh 2

Bức phù điêu tạc hình Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân được công nhận Bảo vật quốc gia.

Điều độc đáo và đáng quý là trong Đình (Đền) Nội còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị. Nổi bật là bức phù điêu với nét chạm khắc tinh xảo vô cùng sống động trên nền gỗ được sơn son thiếp vàng còn nguyên giá trị, tương truyền được đã có cách đây gần chục thế kỷ.

Bức phù điêu tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động giang. Bức phù điêu đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015.

Đặc biệt, gắn liền với di tích Đình (Đền) Nội và Đình Ngoại Bình Đà (thờ Đức Linh Lang Đại vương thời nhà Lý) là lễ hội Bình Đà được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội năm 2014.

Lễ hội diễn ra từ ngày 26/2 đến 6/3 âm lịch hằng năm (ngày 26/2 âm lịch là ngày giỗ Đức Linh Lang Đại vương, ngày 6/3 âm lịch là ngày giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân).

Lễ hội Bình Đà có nhiều điểm đặc sắc với các nghi thức tế lễ được lưu truyền qua hàng trăm năm và nay vẫn được các thế hệ người dân Bình Đà trân trọng lưu truyền đời này qua đời khác.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân ảnh 3

Lễ hội Bình Đà - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thu hút hàng nghìn người tham dự hằng năm.

Theo ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai, với những giá trị độc đáo của di tích Đình (Đền) Nội Bình Đà, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện đã có chủ trương và triển khai những chính sách bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Đình (Đền) Nội Bình Đà.

Huyện cũng đã có báo cáo lãnh đạo thành phố Hà Nội quy hoạch thêm gần 20ha để xây dựng bổ sung một số công trình trong khuôn viên di tích và đã được thành phố phê duyệt quy hoạch chung.

Các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã xác định đầu tư, hỗ trợ cho huyện Thanh Oai 150 tỷ đồng giai đoạn 2022-2025 (theo Nghị quyết 02/NQ-HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI) để thực hiện các nhiệm vụ tại di tích.

Từ những đầu tư này, huyện Thanh Oai đã xác định chọn di tích Đình (Đền) Nội Bình Đà để xây dựng thành điểm du lịch văn hóa tâm linh trình thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn trước năm 2025.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân ảnh 5

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội cho biết: Trong những năm qua, cùng với xu thế phát triển của Thủ đô, huyện Thanh Oai đã tổ chức tốt công tác quản lý di tích, di sản, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị, góp phần phát triển du lịch huyện.

Việc tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai” có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tuyên truyền giá trị di tích, phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ… của di tích.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, khảo cổ học ở trung ương và địa phương đã có nhiều tham luận và đóng góp ý kiến, tập trung đánh giá các giá trị vật thể, phi vật thể của Di tích quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước; bổ sung, cập nhật tư liệu, những căn cứ pháp lý mới và tài liệu khoa học nhằm củng cố hồ sơ về di tích.

Các tham luận và ý kiến cũng đưa ra những kiến giải và phương án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di tích cấp quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà, làm cơ sở khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng thuận lập Hồ sơ khoa học và hồ sơ pháp lý trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nâng cấp xếp hạng Di tích đình Nội Bình Đà từ Di tích quốc gia thành Di tích quốc gia đặc biệt.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh Phạm Đình Phùng, việc nâng cấp di tích không chỉ đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Oai nói riêng mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Thủ đô Hà Nội và đất nước nói chung; tạo điều kiện cho nhân dân và khách du lịch đến thưởng ngoạn, chiêm bái, bày tỏ lòng thành kính và tri ân công đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.