“Bảo tồn hổ trong tự nhiên chứ không phải trong phòng thí nghiệm”

NDO - NDĐT – Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn cho rằng, để bảo tồn hổ nói riêng và các loài động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng nói chung, chúng ta cần bảo tồn trong tự nhiên, chứ không chỉ giữ nguồn gen trong phòng thí nghiệm rồi nói rằng loài đó đã được bảo tồn. Sau đây là cuộc trao đổi với ông.

- Quốc tế đã ghi nhận Việt Nam là quốc gia trung chuyển động vật hoang dã, trong đó có hổ. Ông nhận định như thế nào về tình trạng này?

- Điều này không chỉ quốc tế ghi nhận mà chúng ta cũng đã khẳng định trong nhiều năm nay và nỗ lực để ngăn chặn. Có những chuyến vận chuyển mang tính chất quốc tế, không chỉ từ Lào, Campuchia sang đâu mà cả những nước thứ ba sang Việt Nam rồi lại chuyển sang một nước khác, tất nhiên trong đó có cả việc tiêu thụ trong nước. Chúng ta đang cố gắng ngăn chặn, nhưng cũng chưa ngăn chặn được nhiều, vì công việc này yêu cầu hợp tác liên ngành. Vừa qua, chúng ta đã thành lập hệ thống các cơ quan thực thi pháp luật để quản lý động vật hoang dã. Đồng thời, Việt Nam đã cùng Lào và Campuchia tổ chức những hội thảo đưa ra những cam kết phối hợp lực lượng nhằm quản lý xuyên biên giới.

- Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, vì chúng ta cho phép nuôi nhốt một số động vật hoang dã khiến tình trạng săn bắn trái phép các loài này càng nhiều hơn. Theo ông có đúng như vậy không?

- Người dân đang phát triển một số loài rất bền vững và đã tạo ra công ăn việc làm, thu nhập lớn cho bà con như nuôi cá sấu ở ĐBSCL, nuôi khỉ bằng công nghệ hiện đại hàng đầu của thế giới… Việc này chúng ta phải quản lý, không để lợi dụng. Nhưng việc làm ăn ngay thẳng của bà con chúng ta cũng phải bảo vệ, không nên lẫn lộn tất cả những động vật có nguồn gốc từ rừng mà người dân đã nuôi hợp pháp và đều cho rằng đó là động vật hoang dã trái pháp luật. Vì con lợn, gà, trâu, bò của chúng ta cũng được thuần hóa từ động vật hoang dã từ ngàn đời nay. Tất nhiên chúng ta phải cân nhắc kỹ việc này. Với những loài nguy cấp cao, không thể sinh sản được trong điều kiện nuôi nhốt, và nếu nuôi sinh sản thì cũng rất phức tạp, thậm chí gây xung đột giữa con người với loài đó, thí dụ như hổ, voi, báo… thì chúng ta kiên quyết chấm dứt.

Riêng loài hổ có một số cơ sở, chủ yếu là các công viên đang nuôi, nhiều nhất là ở Đại Nam và hai doanh nghiệp đang nuôi thí điểm ở Bình Dương là Công ty Bia Thái Bình Dương và Khu du lịch Thanh Cảnh. Từ khi Chính phủ cho phép các doanh nghiệp này nuôi hổ, chúng tôi đã quản lý rất chặt. Vì thế, ở Thái Bình Dương họ không còn cho hổ sinh sản nữa, vì họ không còn đủ sức nuôi do rất tốn kém mà xin bán nhưng Nhà nước không cho. Ở phía bắc cũng có hai trại nuôi hổ ở Thái Nguyên và Thanh Hóa cũng được quản lý chặt chẽ. Mới đây, trại của ông Chiến ở Thanh Hóa có một con hổ bị chết, người ta cũng cố tình nấu cao nhưng cuối cùng vẫn phải tiêu hủy.

Tuy nhiên, giữa quan điểm bảo tồn ở tự nhiên và bảo tồn ngoài nơi cư trú như thế nào vẫn đang là câu chuyện tranh cãi, và chúng tôi cũng đang lắng nghe tư vấn của các nhà khoa học. Trong mấy năm qua, với loài gấu, chúng ta gắn chip kiểm tra rất chặt, nhưng những con gấu đó chỉ nuôi đến hết đời. Trong tự nhiên, nếu chúng ta cố gắng cũng không thể bảo vệ nó 100%. Nhưng nơi chúng ta đang nuôi nhốt gấu chỉ có tính chất nhân đạo, hết đời là chết. Vấn đề là giữ nguồn gen sống của những loài này như thế nào. Chúng tôi đang bàn với Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo phải tổ chức nghiên cứu nuôi bán hoang dã và cho sinh sản để bảo tồn nó cho tương lai. Chứ không thì dăm ba năm nữa, với sự quản lý chặt như thế này thì số gấu đang nuôi tại các trang trại sẽ không còn. Nếu để bảo tồn một loài chỉ bằng gen trong phòng thí nghiệm thì đương nhiên sẽ không bền vững. Con cháu chúng ta biết nhìn vào đâu biết được nó là con gấu. Tôi muốn nói, bảo tồn chúng ta phải có cái nhìn rộng.

- Chính phủ có chính sách gì để khuyến khích các cơ sở nuôi nhốt hổ không vì mục đích thương mại không, thưa ông?

- Chính phủ không cho nuôi hổ vì mục đích thương mại. Mấy cơ sở đang nuôi thí điểm là nuôi để bảo tồn, trên cơ sở tự nguyện, không khuyến khích nên không hỗ trợ. Kể cả nhiều trại nuôi gấu hàng nghìn con, nhiều hộ đề nghị Nhà nước hỗ trợ, nhưng Nhà nước không đồng ý.

Bản chất của vấn đề là: khi chủ trại mua những con hổ, gấu về nuôi là đã trái pháp luật, nên không có chuyện hỗ trợ. Nếu họ không đủ sức nuôi thì Nhà nước sẵn sàng nhận lại. Tôi cũng đã tuyên bố với các chủ hộ đó như vậy, và họ đều đồng ý nuôi với mục đích bảo tồn chứ không vì thương mại. Còn nếu họ không nuôi được thì Nhà nước sẽ nhận nhưng không có đền bù.

- Việt Nam đang cùng quốc tế xây dựng chương trình giám sát và nâng cao số lượng hổ. Kế hoạch của Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn hổ trên toàn thế giới là gì, thưa ông?

- Mặc dù chúng ta rất nỗ lực nhưng việc bảo tồn hổ trong tự nhiên không dễ. Chúng ta phải xác định được quần thể loài có số lượng đủ lớn thì mới có thể tồn tại và phát triển sinh sản được. Vì thế chúng ta tập trung vào xây dựng ba khu bảo tồn đã có trong kế hoạch. Trên cơ sở hoạch định được những khu bảo tồn hổ như vậy nhằm ngăn chặn hạn chế những săn bắn gây hại lên quần thể hổ. Tất cả những hoạt động này mới ở giai đoạn khởi đầu.

Ba khu bảo tồn này là một từ Mường Nhé đến Sốp Cộp phía Bắc, thứ hai là miền trung từ Pù Mát đến Phong Nha Kẻ Bàng ở Quảng Bình rồi vào Quảng Nam, thứ ba là khu có quần thể hổ tự nhiên lớn nhất nằm ở Chư Mom Rây giáp với Lào và Campuchia.

Hổ sinh sống chủ yếu khu vực biên giới, nên cần có sự phối hợp giữa các quốc gia từ điều tra cho đến hoạt động bảo vệ liên biên giới. Trên cơ sở đó, chúng ta cùng các nước mới khoanh được vùng sinh cảnh sống của hổ, từ đó chúng ta mới hoạch định được chiến lược lâu dài bảo vệ loài hổ.

- Công nghệ giám sát nào mà chúng ta có thể học tập nước bạn sử dụng để bảo tồn hổ ở Việt Nam, thưa ông?

- Chúng ta đã nghiên cứu công nghệ bảo tồn giám sát loài hổ tự nhiên mà hiện nay Ấn Độ và một số nước áp dụng, nhưng việc áp dụng vào nước ta là không dễ. Ấn Độ có những vùng rừng rộng lớn, có thể khoanh hàng rào điện tử, gắn chip để theo dõi hổ. Nhưng với điều kiện tự nhiên ở nước ta, thực hiện điều này là khó. Thứ nhất, người dân của ta sinh sống trong rừng nhiều, rất khó di dời ra khỏi đó. Thứ hai, địa hình của chúng ta không bằng phẳng. Thêm nữa, phong tục tập quán cũng khác hẳn, vì Ấn Độ theo đạo Hindu nên không ăn thịt như Việt Nam. Vì thế, chúng ta học tập nhưng cũng phải có bước đi riêng của mình.

- Gần đây, việc phối hợp giữa kiểm lâm và các lực lượng chức năng trong việc bảo vệ rừng chưa tốt lắm. Vậy theo ông, khoanh rừng để bảo tồn hổ liệu chúng ta có bảo vệ được không?

- Cái gì cũng có hai mặt. Chúng ta khoanh vùng và chỉ ra rằng đó là nơi bảo tồn hổ, thì sẽ không giấu được. Kẻ săn trộm cũng sẽ lợi dụng. Tuy nhiên nếu không làm việc đó thì sẽ không bao giờ bảo tồn được. Khẳng định khu vực đó bảo tồn hổ để chúng ta tăng cường năng lực, nhân lực để quản lý đồng thời tuyên truyền vận động để bảo vệ.

- Hổ cần thức ăn là nhóm thú có móng guốc. Nhưng trong tự nhiên, các loài thú này đã gần như tuyệt chủng. Vậy hổ lấy đâu ra nguồn thức ăn, thưa ông?

- Nói các loài thú móng guốc tuyệt chủng là không đúng, nó chỉ suy giảm, nguy cấp thôi. Chúng ta còn rất nhiều loài móng guốc quý hiếm như: loài mang Trường Sơn, bò tót ở khu vực Tây Nguyên… Thú móng guốc còn nhiều lắm, vấn đề là chúng ta phải bảo vệ để không bị săn trộm. Nhưng loài hổ và voi thì đang suy giảm rất nhanh.

- Vậy chúng ta có khả năng phục hồi loài hổ và voi trong tự nhiên không?

- Đây là câu chuyện của các nhà khoa học. Tôi cũng đã đặt câu hỏi này với họ thì họ nói rằng: được nhưng rất khó. Quần thể voi lớn nhất chúng ta đang còn là ở York Đôn khoảng ba chục con. Nếu trong quần thể này không có thế hệ trưởng thành, thế hệ trưởng thành không có đực cái thì sẽ không duy trì được. Một quần thể hổ hoặc voi nếu muốn tồn tại được thì phải có đàn trên mười con và có ba thế hệ. Đúng là chúng ta vẫn còn những quần thể như thế này để phục hồi.

- Xin cảm ơn ông!