Tối 1/2, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ công bố và trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023.
Tới dự lễ trao giải có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng...
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ trao Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Cùng dự còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các tác giả, đại diện nhóm tác giả, đại diện các tập thể, cá nhân được nhận Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII.
Đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Phát biểu tại Lễ trao giải, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2023, cùng với những thành tựu nổi bật của đất nước trên các lĩnh vực, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được đẩy mạnh hơn.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng có kinh nghiệm hơn; tạo được sự chuyển biến tích cực, nhất là đã kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả giữa “xây” và “chống”. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên ngày càng được nâng lên, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ trao giải. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
“Thực tiễn phong phú, sinh động và kết quả tốt đẹp của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; sự đồng lòng, niềm tin của nhân dân là nguồn chất liệu quý giá, là nguồn cảm hứng không giới hạn để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng cao”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Thủ tướng nhấn mạnh, qua 8 lần tổ chức, Giải Búa liềm vàng đã khẳng định giá trị, sức hấp dẫn, sự lan tỏa đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ; đồng thời khẳng định ý thức chính trị sâu sắc, đạo đức nghề nghiệp và tấm lòng son sắt cách mạng của những người làm báo trong cả nước, xứng đáng như lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”.
Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII đã chỉ đạo tổ chức chặt chẽ, bài bản, khoa học, chuyên nghiệp. Các cấp ủy, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham gia và coi tham gia Giải Búa liềm vàng là một trong những công việc quan trọng, đồng thời tạo không khí sôi nổi và thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đối với công tác xây dựng Ðảng, xây dựng đội ngũ cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị.
Thủ tướng đánh giá, các tác phẩm tham dự giải đã bám sát chủ trương, quan điểm về công tác xây dựng Đảng, phản ánh sinh động sinh hoạt chính trị trong Đảng; đặc biệt là các vấn đề cấp thiết đang nổi lên như xây dựng văn hóa - đạo đức trong Đảng, chống “căn bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai”, đồng thời khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng... Ngoài ra, các tác phẩm còn đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cổ vũ tinh thần, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng các cá nhân, tập thể đã tham gia và đoạt Giải năm nay; khẳng định các tác phẩm được lựa chọn để trao giải là kết tinh tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh và thể hiện sự tìm tòi, lao động sáng tạo với tư duy chính trị sắc bén, lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội, với tình yêu quê hương, đất nước cao cả của những người làm báo.
Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng các cá nhân, tập thể đã tham gia và đoạt Giải năm nay. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Trong bối cảnh đất nước bước vào năm 2024 - một trong những năm có tính chất quyết định trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, với những thời cơ mới, vận hội mới, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Đặc biệt là quán triệt, làm sâu sắc thêm và thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. “Đây không chỉ là nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đảng, mà cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân và các cơ quan báo chí, tuyên truyền”, Thủ tướng nêu rõ.
Với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên tập trung tuyên truyền, phản ánh những giá trị lý luận, quan điểm đổi mới của Đảng và quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cá nhân tiêu biểu; những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo; đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.
Vinh danh 72 tác phẩm báo chí xuất sắc
Tính đến thời điểm kết thúc nhận bài tham dự, Cơ quan Thường trực Giải (Tạp chí Xây dựng Đảng) đã nhận được tổng số có 2.216 tác phẩm, tăng 184 tác phẩm so với năm 2022 (8,6%). Trong đó, có 755 tác phẩm báo in, 549 tác phẩm báo điện tử, 530 tác phẩm truyền hình, 280 tác phẩm phát thanh và 102 tác phẩm ảnh báo chí.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng năm nay tiếp tục phong phú về chủ đề, thể loại và phủ khắp tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hầu hết các tác phẩm đã bám sát các vấn đề nóng, các sự kiện nổi bật, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị và đất nước, nhiều tác phẩm đi sâu phản ánh vấn đề thời sự của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một số tác phẩm đề cập tới những vấn đề bức xúc hiện nay, có tính phản biện xã hội, chiến đấu cao.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trao giải B cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả đoạt giải. (Ảnh: NHẬT QUANG) |
Một nét mới trong nội dung các tác phẩm báo chí tham dự Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII là đã phản ánh sinh động, kịp thời những sự kiện, sinh hoạt chính trị của Đảng như: sự ra mắt các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị giữa nhiệm kỳ (Hội nghị Trung ương lần thứ bảy) và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị (khóa XIII) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa - đạo đức trong Đảng, quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; chống “căn bệnh sợ trách nhiệm” và xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào công tác Đảng; phát triển 6 vùng kinh tế-xã hội chiến lược, trọng yếu…
Đáng chú ý, Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023 có số cơ quan báo chí cấp tỉnh gửi tác phẩm truyền hình tham gia nhiều nhất từ trước đến nay, thậm chí có cả các trung tâm văn hóa cấp huyện, chương trình truyền hình của Công an, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh và công ty truyền thông tư nhân gửi tác phẩm tham dự giải. Một số tác phẩm có chiều sâu và chất lượng rất tốt, hiệu quả tuyên truyền cao, phản bác sắc bén luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu như khi xảy ra vụ tấn công 2 trụ sở xã ở Đắk Lắk.
Nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm của các cơ quan báo chí ở Trung ương mà còn có nhiều ở các báo, đài phát thanh-truyền hình địa phương. Nhiều tác phẩm sau khi đăng, phát đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, bạn đọc. Điều này cho thấy Giải Búa liềm vàng ngày càng có sự lan tỏa mạnh mẽ.
Từ 120 tác phẩm được Hội đồng sơ khảo xét chọn giới thiệu chấm chung khảo, Hội đồng chung khảo đã xem xét, lựa chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất để trình Ban Chỉ đạo Giải Búa liềm vàng quyết định trao giải, trong đó có 6 Giải A, 12 Giải B, 18 Giải C và 30 Giải Khuyến khích.
Bộ trưởng Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam Lê Quốc Minh trao giải Khuyến khích cho đại diện các nhóm tác giả đoạt giải. (Ảnh: NHẬT QUANG) |
Hội đồng chung khảo cũng đã thống nhất lựa chọn các tác phẩm cho 6 giải chuyên đề, đó là: Giải tác phẩm xuất sắc về tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; Giải tác phẩm xuất sắc về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc về đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; Giải tác phẩm xuất sắc về phát hiện tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ban Chỉ đạo Giải đã xem xét, quyết định lựa chọn 5 đảng viên là nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm báo chí đoạt giải, gồm các đồng chí: Pờ Dần Xinh, dân tộc Hà Nhì, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; già làng Ksor H’Blâm, người Gia Rai, Xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai; Lâm Khem, người Khmer ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, Hậu Giang; cụ Nguyễn Văn Mai và cụ Lê Thị Củng, hai vợ chồng cùng 75 năm tuổi Đảng ở xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.
Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải cũng trao bằng khen vinh danh 15 tập thể xuất sắc, tiêu biểu góp phần quan trọng cho thành công của Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII năm 2023.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng đã phát động Giải Búa liềm vàng lần thứ IX - năm 2024.
Báo Nhân Dân đoạt 4 giải B Giải Búa liềm vàng 2023
Nhóm ảnh: “Việt Nam và Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”
Tháng 9/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập Quan hệ Đối tác toàn diện.
Ngay từ khi có lịch chuyến thăm, tập thể lãnh đạo Báo Nhân Dân, lãnh đạo Ban Thư ký-Biên tập và Trưởng phòng Ảnh đã tin tưởng, giao nhiệm vụ cho các phóng viên ảnh; nhấn mạnh đây là một trong những sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng của Đảng, đất nước trong năm 2023 và yêu cầu các phóng viên tập trung sức lực, trí lực để chụp được những bức ảnh đẹp đăng báo và để dự thi giải Búa liềm vàng và Giải báo chí quốc gia…
Phòng Ảnh đã cung cấp nhiều ảnh thời sự của chuyến thăm này, trong đó có nhóm ảnh: “Việt Nam và Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững” đăng trên Báo Nhân Dân điện tử.
Phóng viên Nguyễn Đăng Khoa, đại diện nhóm tác giả chia sẻ, chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong 2 ngày 10 và 11/9/2023 đòi hỏi phải bảo đảm an ninh cao tuyệt đối nên vấn đề tác nghiệp, nhất là tiếp cận gần để chụp ảnh là vấn đề khó khăn lớn với phóng viên. Tuy nhiên, nhờ uy tín và tầm quan trọng của Báo Nhân Dân nên Vụ Báo chí (Bộ Ngoại giao) đã cung cấp thẻ sự kiện tương đối đầy đủ để phóng viên ảnh của báo có điều kiện tác nghiệp.
Phóng viên Nguyễn Đăng Khoa đại diện nhóm tác giả nhận giải B tại Lễ trao giải. (Ảnh: NHẬT QUANG) |
Trong thời gian Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam diễn ra nhiều sự kiện, các phóng viên ảnh của Báo đã phân công nhau theo sát các sự kiện. Do mỗi sự kiện có nhiều phóng viên quốc tế và trong nước cùng tác nghiệp nên nhóm phải đến sớm, chuẩn bị máy ảnh, thiết bị phát ảnh nhanh, chọn chỗ đứng và đợi chờ rất lâu để tác nghiệp.
Theo phóng viên Nguyễn Đăng Khoa, một kinh nghiệm khi tác nghiệp ở sự kiện lớn như thế này là việc lựa chọn vị trí đứng. Phóng viên ảnh của Báo Nhân Dân phải chiếm lĩnh được vị trí tốt nhất để chụp cảnh hội đàm để làm sao cân chỉnh nhất, gương mặt của hai nhà lãnh đạo tập trung, rõ nét nhất. Trong điều kiện có “rừng phóng viên ảnh và truyền hình” thì phải có sức khỏe, nhanh nhẹn và một chút may mắn mới có được những bức ảnh chất lượng. Hai bức ảnh cũng rất nổi bật trong nhóm ảnh đoạt giải đó là chân dung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lúc họp báo chung, tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
“Từ các Nghị quyết phát triển vùng của Bộ Chính trị đến hiện thực sinh động”
Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành sáu Nghị quyết mới về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh sáu vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, và vùng Đồng bằng sông Hồng. Đây là một chủ trương mới với nhiều kỳ vọng nhằm khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế-chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.
Nhằm triển khai việc tuyên truyền hiệu quả và sớm đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị vào cuộc sống, Báo Nhân Dân là cơ quan báo chí đầu tiên trên cả nước tiên phong xuất bản các phụ trương chuyên trang, chuyên đề riêng biệt về 6 vùng kinh tế-xã hội. Trên Báo Nhân Dân điện tử và Truyền hình Nhân Dân có các chuyên trang Trung du và miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và Đồng bằng sông Hồng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trao giải B cho đại diện nhóm tác giả Báo Nhân Dân. (Ảnh: NHẬT QUANG) |
Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử cho biết, để phản ánh việc hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống, Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân đã huy động hàng chục cán bộ, phóng viên đi thực tế tại các tỉnh, thành phố trong nhiều tháng để triển khai loạt bài đặc biệt “Từ các Nghị quyết phát triển vùng của Bộ Chính trị đến hiện thực sinh động”.
Loạt bài gồm 4 kỳ, tập trung vào các vấn đề chính. Thứ nhất, phân tích, làm rõ nhiều điểm mới với tầm nhìn bao quát hơn và xa hơn trong các Nghị quyết phát triển vùng; mục tiêu đề ra cao hơn, thậm chí làm hoàn toàn mới. Quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo trong các nghị quyết được kế thừa phát triển các nghị quyết trước, nhưng có nhiều điểm mới để tạo bước phát triển đột phá cho từng vùng.
Thứ hai, qua thực tế triển khai, các Nghị quyết phát triển vùng đã tạo “bệ đỡ”, cơ hội khai thác và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, tăng cường tính liên kết nội vùng; liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.
Thứ ba, bên cạnh những thuận lợi, các tác giả đã phân tích, làm rõ những “điểm nghẽn”, vướng mắc từ các địa phương, đơn vị về quy hoạch vùng, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, qua đó đặt ra các vấn đề cần tháo gỡ để các Nghị quyết vùng của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống.
Thứ tư, từ những bài học kinh nghiệm, cách làm hay của một số địa phương, các cơ quan tham mưu trung ương, cấp ủy địa phương, các chuyên gia đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp về công tác tuyên truyền, cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng,... nhằm tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Nhóm tác giả của Báo Nhân Dân đã cố gắng thể hiện được các thế mạnh của loại hình báo điện tử. Tác phẩm trình bày dưới dạng e-magazine, trình bày trên nền tảng công nghệ Shorthand (công cụ trình bày e-magazine hàng đầu thế giới), kết hợp nội dung viết với ảnh, video, Infographic, bản đồ, biểu đồ tương tác, nhằm truyền tải thông tin toàn diện, trực quan, sinh động.
Sau khi đăng tải, loạt bài “Từ các Nghị quyết phát triển vùng của Bộ Chính trị đến hiện thực sinh động” đã nhận được phản hồi rất tích cực từ cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là từ các địa phương. Cả 4 bài viết luôn nằm trong nhóm tin, bài có truy cập cao trên Nhân Dân điện tử và Fanpage của Báo Nhân Dân trên mạng xã hội Facebook.
“Đồng thuận xã hội, động lực và sức mạnh phát triển đất nước”
Theo nhà báo Lê Mậu Lâm, Phó Trưởng Ban Xây dựng Đảng, ngay từ khi thành lập Đảng, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác vận động quần chúng, đại đoàn kết toàn dân tộc tạo sức mạnh tiến tới thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Trong công cuộc đổi mới, trong bối cảnh khó khăn của quốc tế, đại dịch Covid-19, mục tiêu phát triển đổi mới đất nước đòi hỏi cao hơn nữa, phát huy bài học đồng thuận xã hội, đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội XIII của Đảng với các Nghị quyết đặt ra, xác định rõ các mục tiêu về vấn đề đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay và vai trò của vấn đề với công tác xây dựng Đảng.
Báo Nhân Dân hơn bao giờ hết là cơ quan ngôn luận của Đảng, là ngọn cờ tư tưởng luôn xác định nắm vững tư tưởng, quan điểm của Đảng, bám sát thực tiễn để phản ánh những vấn đề đã triển khai tốt trong cuộc sống và gì đặt ra phải tiếp tục giải quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Vì thế, nhóm tác giả Lê Mậu Lâm, Phương Quyên, Hạnh Nguyên, Văn Toán, Tiểu Phương (Ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân) triển khai loạt bài viết “Đồng thuận xã hội, động lực và sức mạnh phát triển đất nước”.
Nhóm tác giả đã triển khai theo 2 hướng, một là tiếp cận với các cơ quan Trung ương và hai là đi thực tế tại các địa phương để phản ánh thực tiễn việc triển khai Nghị quyết vào cuộc sống từ trong cấp ủy cấp trên, cấp ủy cấp dưới, từng đảng viên. Điểm riêng của loạt bài viết nhấn mạnh chủ trương đúng đắn nhưng còn những vấn đề bất cập trong thực hiện thực tiễn ở một số địa phương. Từ đó, bài viết có những kiến nghị để công tác xây dựng Đảng tốt hơn. Đây là điểm mấu chốt mà bài viết giải quyết vấn đề theo hướng đồng bộ và 2 chiều, mang tính toàn quốc.
Bài viết cũng phản ánh về công tác dân vận sáng tạo, minh bạch ở nhiều địa phương, tạo niềm tin và sự quan tâm của người dân, tạo ra chính quyền thân thiện, tăng cường quan hệ giữa cấp ủy chính quyền với nhân dân.
“Tính lý luận, tính thực tiễn, tính toàn quốc, có trọng tâm, trọng điểm tạo nên sức nặng của vệt bài. Chúng tôi đã tận dụng được thế mạnh của Báo Nhân Dân khi có lực lượng phóng viên thường trú mạnh tại các địa bàn, với một đề cương được xây dựng, quá trình triển khai nội dung vững chắc và có kinh nghiệm của Ban Xây dựng Đảng nhiều năm qua”, nhà báo Lê Mậu Lâm cho biết.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã có 91 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật. Trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Trong năm 2023, nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Hành vi tiêu cực xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm đăng kiểm; Vụ án xảy ra tại Công ty AIC… Điểm chung của các đại án tham nhũng hay cả những vụ việc tham nhũng cấp thấp hơn đó là việc lợi dụng quyền lực để thu vén lợi ích, hay còn gọi là “tha hóa quyền lực”.
Để kiểm soát quyền lực và chống tha hóa cần kiên trì thực hiện những giải pháp căn cơ. Đó là luôn phải giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, nhận thức cho cán bộ, đảng viên về những điều được làm và không được làm. Bản thân mỗi đảng viên cần tu dưỡng suốt đời, không để lòng tham trong con người mình có cơ hội trỗi dậy. Cùng với đó, cần nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để phòng ngừa sai phạm; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để bất kỳ ai, dù ngồi ở chức vụ nào cũng phải được quản lý, theo dõi chặt chẽ, không có cơ hội dùng quyền uy, địa vị của mình để áp đặt lên tổ chức và các cá nhân khác.
Phóng viên Nguyễn Thị Trang Nhung (Trung tâm Truyền hình Nhân Dân) cho biết, với mong muốn có cái nhìn khách quan, toàn diện về vấn đề “tha hóa quyền lực”, nhóm tác giả đã lên ý tưởng, viết kịch bản phỏng vấn nhiều nhóm đối tượng khác nhau: từ người dân, cán bộ về hưu, cán bộ còn đương chức đến những chuyên gia về lĩnh vực xây dựng đảng. Những ý kiến trong quá trình phỏng vấn gợi mở ra rất nhiều điều để nhóm tác giả có thể điều chỉnh nội dung, kịch bản chương trình tốt hơn.
Chuỗi phóng sự truyền hình 3 kỳ “Chống tha hóa quyền lực” phản ánh đầy đủ từ biểu hiện, nguyên nhân dẫn đến “tha hóa quyền lực”, cùng những giải pháp chính đặt ra nhằm kiểm soát tốt vấn đề này.
Có thể thấy, trong 2 nhiệm kỳ đại hội đảng gần đây, công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Trung ương phát động rất mạnh; đưa ra xét xử nhiều đại án lớn đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến hàng loạt cán bộ cấp cao. Ở cấp địa phương, nội dung này cũng có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh một thực tế đáng buồn đó là, trong tầng lớp cán bộ của chúng ta, tư tưởng lợi dụng quyền lực đã có xu hướng lan nhanh, tạo nên những cá thể thoái hóa, biến chất.
Thông qua phóng sự, nhóm tác giả mong muốn người xem, đặc biệt là cán bộ, đảng viên một lần nữa tự nhìn nhận lại bản thân đã hiểu rõ và hiểu đúng khái niệm về “quyền lực nhà nước” hay chưa; quyền hạn và nghĩa vụ của mình khi sử dụng quyền lực đấy.
Bản thân cán bộ, cấp càng cao càng phải hiểu rõ điều này, thực hiện tu dưỡng đạo đức suốt đời, để không bị cám dỗ của tiền, quyền đưa lối, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng không thể cứu vãn. Đồng thời các cấp ủy, tổ chức đảng phải phát huy vai trò hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; phát huy tiếng nói của mình để chấn chỉnh kịp thời hành vi sai trái; không để những sai phạm kéo dài nhiều năm không xử lý như thời gian vừa qua.