Bảo mật thông tin trong quá trình chuyển đổi số

Trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang bùng nổ như hiện nay, việc xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền số là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mang lại, chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, nhất là trong việc bảo mật thông tin và quyền riêng tư trên không gian mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp, đơn vị trưng bày các giải pháp chuyển đổi số tại Tuần lễ Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.
Các doanh nghiệp, đơn vị trưng bày các giải pháp chuyển đổi số tại Tuần lễ Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Theo các chuyên gia, hạn chế lớn nhất của các tổ chức, người sử dụng mạng hiện nay là nhận thức về an toàn thông tin chưa cao; việc chia sẻ thông tin cá nhân trên các trang web, mạng xã hội… dễ tạo điều kiện cho hacker lợi dụng, tấn công.

Tấn công mạng ngày càng tinh vi

Số liệu thống kê của Trung tâm viễn thông Khu Công viên phần mềm Quang Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, trong khoảng sáu tháng đầu năm 2024, có hơn 5.000 vụ tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam. Con số này tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2023.

Các vụ tấn công có chủ đích vào các cơ sở trọng yếu cũng tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Những cơ sở này bao gồm các tổ chức tài chính, cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp lớn, thường là mục tiêu do lưu trữ nhiều dữ liệu quan trọng.

Các hình thức tấn công chính bao gồm tấn công người dùng thông qua email giả mạo, khai thác lỗ hổng phần mềm.

Đáng chú ý, cũng từ đầu năm đến nay, có gần 400 website của các cơ quan nhà nước và tổ chức giáo dục bị hacker tấn công, chèn mã quảng cáo cờ bạc, cá độ. Điều này không chỉ gây ra rủi ro về mất mát dữ liệu mà còn có thể phát tán mã độc và các nội dung xấu.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng An toàn thông tin, Trung tâm viễn thông Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết: Số lượng và mức độ phức tạp của các cuộc tấn công mạng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, với các phương thức tấn công ngày càng tinh vi.

Các chuyên gia cho rằng, hạn chế lớn nhất của các tổ chức, cá nhân sử dụng mạng hiện nay là nhận thức về an toàn thông tin chưa cao; sử dụng mật khẩu yếu và không thay đổi thường xuyên; mở các tệp đính kèm hoặc liên kết không rõ nguồn gốc; chia sẻ thông tin cá nhân trên các trang web, mạng xã hội.

Đây là môi trường cho hacker lợi dụng, tấn công, trục lợi. Đặc biệt, có nhiều website bị tấn công nhiều lần mà không có cách khắc phục triệt để.

Tình trạng dữ liệu cá nhân bị lộ ở mức báo động đã kéo theo hàng loạt hình thức lừa đảo trực tuyến liên tục xảy ra ngày càng tinh vi và phức tạp thông qua các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), deepfake (deepfake là một kỹ thuật kết hợp giữa các thuật toán học sâu và học máy với mục đích tạo ra những video, hình ảnh hoặc âm thanh giả mạo một cách rất chân thực)...

Để bảo mật thông tin, các doanh nghiệp và các tổ chức tăng ngân sách cho an ninh mạng trung bình 30% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, có khoảng 70% các tổ chức lớn đã hoặc đang có kế hoạch triển khai giải pháp an ninh mạng dựa trên AI.

Theo ông Lâm, việc bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số là vấn đề cấp thiết, nhằm bảo vệ dữ liệu quan trọng của cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và người dân khỏi các mối đe dọa khi hoạt động trên không gian số.

Do đó, cần xây dựng các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng, như nâng cao khả năng dự phòng sao lưu dữ liệu, xây dựng hạ tầng thông tin để kịp thời phát hiện, ứng phó trước các cuộc tấn công mạng. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn thông tin cá nhân cho người dân khi hoạt động trên không gian mạng.

Xây dựng chiến lược dài hạn

Hiện, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan trong quá trình phát triển của thời đại công nghệ số, mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia tối ưu hóa hoạt động, gia tăng hiệu quả và nâng cao sự phục vụ đối với cộng đồng.

Tại Việt Nam, tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu kép: Vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực hướng ra toàn cầu.

Bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Khu Công viên phần mềm Quang Trung cho biết: Chuyển đổi số là một hành trình dài, đang lan tỏa trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế-xã hội, từ sản xuất, phân phối, thương mại đến tiêu dùng, các hoạt động về quản lý, cung cấp dịch vụ công, hành chính… của chính quyền cũng không nằm ngoài xu hướng.

Việc thúc đẩy sự phát triển của chính phủ điện tử hướng đến chính quyền số như một yêu cầu cần thiết và tất yếu.

Từ năm 2023, chính quyền số bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Việc áp dụng chính quyền số đã mang lại nhiều lợi ích cho cả chính quyền và người dân tại Việt Nam, giúp tiết kiệm nguồn lực và thời gian, thông tin minh bạch và đáng tin cậy, hiệu quả trong việc quản lý, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, nhất là việc bảo đảm bảo mật thông tin.

Để bảo mật an toàn thông tin, các chuyên gia khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân cần nâng cao những nhóm giải pháp: Nhóm dịch vụ bảo đảm an toàn mạng, bảo đảm an toàn máy chủ, bảo đảm an toàn ứng dụng và nhóm dịch vụ bảo đảm an toàn dữ liệu. Doanh nghiệp và các tổ chức, kể cả cơ quan nhà nước cần xây dựng chiến lược an toàn thông tin một cách dài hạn.

Cần thiết lập, đánh giá dữ liệu, sau đó phân tầng dữ liệu ở từng mức độ và có nơi sao lưu đối với các dữ liệu không thể bị đánh cắp. Nếu bị hacker xâm nhập, các đơn vị sẽ không bị thiệt hại lớn.

Ngoài ra, yêu cầu cấp thiết trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền số là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành, bảo mật. Theo đó, yêu cầu đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng là phải xây dựng được nguồn nhân lực vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có năng lực làm việc.

Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, có tác phong chuyên nghiệp, phục vụ tốt nhất công tác bảo đảm an toàn thông tin.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Liên minh chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số là cấp thiết, nhằm bảo vệ dữ liệu quan trọng của cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và người dân khỏi các mối đe dọa khi hoạt động trên không gian số.

Liên minh chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh đã liên kết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số nhằm tạo ra sức mạnh, đồng hành cùng chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần vào sự phát triển của chính quyền số.