Bài báo nhấn mạnh, Độc lập-Tự do-Hạnh phúc là quyền cao nhất của nhân loại theo Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước quốc tế về quyền con người. Tuy nhiên, quyền này chỉ được thực hiện khi đất nước có độc lập. Bởi giá trị lớn lao đó, trong suốt quá trình lịch sử, nhân dân Việt Nam đã không quản ngại hy sinh gian khổ để đấu tranh giành độc lập. Kể từ ngày 2/9/1945 đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn kiên định mục tiêu cao cả đó.
Bài báo nêu rõ, trong thời đại Hồ Chí Minh, Độc lập-Tự do-Hạnh phúc không chỉ là mong mỏi mà còn là hệ giá trị vô giá và trở thành lẽ sống, lý tưởng phấn đấu, hy sinh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam kiên định thực hiện. Lý tưởng, lẽ sống và niềm tin được sống trong một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất đó đã trở thành động lực để nhân dân Việt Nam một lòng đi theo Đảng, giành thắng lợi trong Cách mạng tháng 8/1945 và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tiếp tục con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trong giai đoạn hòa bình, nhân dân Việt Nam đều cảm nhận sâu sắc giá trị của độc lập, tự do, của niềm vui được sống trong Độc lập-Tự do-Hạnh phúc, đóng góp công sức, trách nhiệm vì đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.
Bài báo khẳng định, sau 78 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh đã góp phần tạo nên diện mạo mới của Việt Nam, vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để nhân dân được hưởng đầy đủ những quyền cơ bản, quyền công dân, quyền dân chủ của nhân dân; đồng thời coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết giữa các nước.