Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, những dự án thủy điện tác động lớn đến môi trường và đời sống của người dân mà không có giải pháp khắc phục thì cần kiên quyết dẹp bỏ.
Ngay sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, ngày 13-6, các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai đã vào cuộc, tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đập. Cũng trong ngày 13-6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cử Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cùng đoàn công tác của T.Ư đi thị sát và làm việc tại hiện trường, sau đó có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai.
Công trình thủy điện Ia Krêl 2, có công suất thiết kế 5 MW, được triển khai xây dựng từ năm 2010 và bắt đầu tích nước từ đầu tháng 5-2013. Ðến thời điểm xảy ra vỡ đập, trong hồ đã tích được khoảng năm triệu mét khối nước, bằng một nửa dung tích tối đa. Sau khi đập vỡ, nước đổ xuống hạ nguồn đã tạo lũ quét trên dọc suối Ia Krêl đến sông Sê San với chiều dài hơn 10 km, gây thiệt hại hơn 200 ha cao-su và hoa màu của các công ty và người dân trên địa bàn, ước tính thiệt hại ban đầu hàng trăm tỷ đồng. Sự cố này không phải là trường hợp cá biệt, trong thời gian qua ở nhiều địa phương liên tục xảy ra các vụ việc tương tự: Ngày 7-10-2012, vỡ đập thủy điện Ðakrông 3 (Quảng Trị). Ðây là công trình do Công ty cổ phần Thủy điện Trường Sơn làm chủ đầu tư. Trong quá trình thi công hoàn thiện, kết hợp với việc tích nước lòng hồ để thử tải tổ máy, chỉ một cơn mưa kéo dài, nước tràn về đã làm cho hai khoang tràn bên trên của đập chính nhà máy bị vỡ, tổng thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 22-11-2012, công trình thủy điện Ðắk Mek 3, dưới chân núi Ngọc Linh, thuộc xã Ðắk Choong, huyện Ðắk Glei, tỉnh Kon Tum bị vỡ đập khiến một người thiệt mạng. Công trình thủy điện Ðắk Mek 3 khởi công đầu năm 2009, dự kiến phát điện đầu năm 2013, công suất 7,5 MW, vốn đầu tư 250 tỷ đồng, do Công ty Nam Việt thiết kế và Công ty Thủy điện Hồng Phát Ðắk Mek thi công. Ðiều đáng quan tâm là, nguyên nhân gây ra vỡ đập của các công trình thủy điện có công suất nhỏ thời gian qua chủ yếu là do thiết kế và thi công. Qua điều tra, kết luận của các cơ quan chuyên môn, cả hai công trình ở đập thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai) và Ðắk Mek 3 (Kon Tum) chỉ vài chiếc xe có trọng tải lớn đi qua đã có thể làm rạn nứt phần trần cống, dẫn đến sụt lún và xảy ra sự cố. Riêng công trình thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai) đang trong quá trình thi công chứ chưa tích nước, nếu không hậu quả xảy ra thật khó lường!
Sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã giao UBND tỉnh Gia Lai khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra sự cố và trách nhiệm các sở, ngành của tỉnh trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng tại công trình. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Về trách nhiệm, thứ nhất phải tính tới sai sót thiết kế là do đơn vị nào, rồi thi công, nghiệm thu, vận hành... Sau đó phải xử lý trách nhiệm một cách nghiêm khắc. Không phải vì chưa xảy ra chết người mà không xử lý hết trách nhiệm. Ðây là ăn may chứ nếu không đã trở thành thảm họa rồi. Vì thế, nếu không xử lý nghiêm thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi xử lý còn để làm gương cho các công trình khác chứ không chỉ xử lý đối với trách nhiệm ở ngay công trình đó.
Ðiều đáng quan tâm là sau các sự cố vỡ đập, qua tìm hiểu được biết, nhiều người dân có đất nằm trong lòng hồ khá bức xúc vì cho rằng, chủ đầu tư không đền bù hay bố trí tái định canh thỏa đáng. Họ đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ bởi vì dân đã làm đơn kiến nghị nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết. Lão nông Võ Thanh Nhi (xã Ia Dom) cho biết: Tôi có 2,3 ha đất rẫy thuộc loại màu mỡ nằm trong dự án thủy điện Ia Krêl 2. Khi lấy đất, công ty bố trí cho tôi thửa đất 1,3 ha nhưng cằn cỗi, đầy sỏi đá không thể canh tác được. Tôi đã nhiều lần kiến nghị đề nghị xem xét đền bù thiệt hại, cũng như bố trí đất để gia đình ổn định cuộc sống, đại diện công ty đã hứa sẽ đáp ứng nguyện vọng này nhưng đến giờ vẫn chẳng thấy thực hiện. Tương tự là trường hợp của ông B’Hem, dân tộc Gia Rai, gia đình ông có 3 ha đất nằm trong lòng hồ, Công ty Bảo Long Gia Lai bố trí định canh chỉ có 8 sào đất xấu. Cả nhà đã làm cật lực nhưng không đủ ăn. Về vấn đề này, Ðảng ủy xã Ia Dom cũng xác nhận, dân kiện là đúng, bởi Công ty Bảo Long Gia Lai đã không hỗ trợ thỏa đáng cho họ. Xã đã nhiều lần tổ chức hòa giải giữa công ty với dân và hứa khắc phục song đến giờ này người dân vẫn chưa được đáp ứng nguyện vọng, chúng tôi đã chuyển vụ việc ra huyện giải quyết, đến giờ này vụ việc vẫn chưa đâu vào đâu. Sự cố vỡ đập của công trình thủy điện Ðakrông 3 ở Quảng Trị và ở Ðắk Mek 3 ở Kon Tum cũng đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực khi các đơn vị thi công tích nước lòng hồ nhưng không đền bù thỏa đáng khi di dời các hộ dân trong khu lòng hồ.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc phát triển thủy điện ở Tây Nguyên những năm qua đã và đang để lại nhiều hệ lụy và vướng mắc, nhất là trong công tác đền bù, tái định cư, tác động xấu đến môi trường. Toàn khu vực Tây Nguyên đang có 287 dự án thủy điện, với tổng công suất gần 7.000 MW. Hiện đã có 84 dự án được đưa vào sử dụng, công suất gần 5.000 MW. Các dự án còn lại đang được xây dựng và lên kế hoạch đầu tư. Trước thực tế này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp Bộ Công thương rà soát đánh giá lại quy hoạch phát triển các công trình thủy điện gắn với việc sử dụng đất đai, tài nguyên, giữ gìn môi trường sinh thái và bảo đảm không gian sinh sống của đồng bào ở các vùng dự án, kiên quyết loại bỏ những dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến rừng và sản xuất nông nghiệp. Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết: "Bộ Công thương đã hoàn tất việc đi thực tế một số thủy điện để có báo cáo đánh giá chung. Quan điểm của Ban Chỉ đạo với vấn đề này là đồng ý rà soát nghiêm túc quy hoạch thủy điện ở Tây Nguyên. Ðối với những dự án có tác động lớn tới môi trường và đời sống người dân mà không có giải pháp khắc phục thì kiên quyết dẹp bỏ. Thậm chí, từ nay đến cuối năm, khi chưa có ý kiến chính thức về thủy điện, cũng nên tạm dừng các công trình thủy điện mới".