Báo động tình trạng mua bán, sản xuất mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng

Theo bạn đọc phản ánh, hiện nay tình trạng mua bán, sản xuất và sử dụng các loại mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc có xu hướng gia tăng, nhất là việc mua bán trên các trang mạng xã hội trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người dân ngày càng tăng, nhiều người có tâm lý ưa chuộng các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều đối tượng bất chấp sức khỏe người tiêu dùng đã trực tiếp sản xuất hoặc nhập hàng giả về bán kiếm lời.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cách thức sản xuất mỹ phẩm giả tại cơ sở thuộc xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: BẢO AN
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cách thức sản xuất mỹ phẩm giả tại cơ sở thuộc xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: BẢO AN

Dịch Covid-19 khiến các giao dịch truyền thống giảm, ngược lại tốc độ tăng trưởng của các giao dịch thương mại điện tử bứt phá. Hoạt động mua bán trên mạng xã hội ngày càng bùng nổ kéo theo việc các đối tượng lập nhiều tài khoản Facebook, Zalo… chụp ảnh sản phẩm, dùng địa chỉ bán hàng không rõ ràng, phát hình trực tiếp (livestream) và đăng bài quảng cáo về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… không đúng với bản chất thật của hàng hóa.

“Mỹ phẩm thiên nhiên” là cụm từ khóa thu hút được sự quan tâm của chị em phụ nữ khi tìm kiếm mỹ phẩm để làm đẹp. Trên mạng xã hội và các diễn đàn mua bán online, các loại mỹ phẩm được quảng cáo sử dụng nguyên liệu từ thảo dược để chăm sóc da như mặt nạ, kem dưỡng da, sữa rửa mặt... được rao bán tràn lan.

Một phép thử đơn giản, vào Google gõ từ khóa: “Mỹ phẩm giá rẻ”, chỉ trong 0,71 giây có đến 57.900.000 kết quả liên quan. Tương tự, với từ khóa “Mỹ phẩm xách tay” chỉ với 0,74 giây có đến 24.600.000 kết quả liên quan. Cùng với những con số “ấn tượng” là vô số trang mạng rao bán mỹ phẩm, nguồn gốc xuất xứ mỹ phẩm theo các trang mạng này cũng rất đa dạng, từ hàng xách tay từ Đức, Pháp, Mỹ cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, một số cán bộ phụ trách công tác chống hàng giả, hàng nhái cho biết, hầu hết mỹ phẩm xách tay rao bán trên mạng và các shop không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hình ảnh sản phẩm giới thiệu trên các trang mạng chỉ mang tính minh họa, cho hấp dẫn. Nếu người tiêu dùng vô tình mua phải mỹ phẩm dởm, không rõ nguồn gốc trên mạng muốn khiếu nại đến các cơ quan chức năng về chất lượng, những tổn hại đến sức khỏe cũng rất gian nan…

Chị Nguyễn Thùy Trang (37 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa trải qua một đợt điều trị da mặt dài ngày do mua, sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng trên mạng chia sẻ: “Do tin tưởng vào những lời người bán hàng trực tuyến, tôi đã mua các sản phẩm như lột nhẹ da mặt, mặt nạ ngủ và kem dưỡng da ban đêm. Sau một thời gian dùng, tình trạng da dị ứng, mẩn đỏ xuất hiện. Đến bệnh viện khám da liễu thì bác sĩ chẩn đoán do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng khiến da mặt bị nhiễm độc”.

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp Công an huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) tổ chức kiểm tra một cơ sở sản xuất tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương (huyện Thanh Oai). Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều loại mỹ phẩm có dấu hiệu làm  giả. Tại thời điểm kiểm tra, nhiều công nhân đang tiến hành san chiết, dán nhãn các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa mang thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Cũng tại cơ sở trên, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ nước ngoài... Chủ cơ sở sản xuất chưa xuất trình được bất cứ chứng từ, hóa đơn liên quan đến các nguyên liệu sản xuất và số hàng hóa nêu trên. Theo kết quả xác minh ban đầu, những sản phẩm có dấu hiệu làm giả nêu trên chủ yếu được cung cấp cho những đại lý bán hàng online trên các trang mạng xã hội.

Trước đó, Đội QLTT số 13 phối hợp Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra kho chứa hàng hóa của bà Nguyễn Khánh Ly ở số 5, ngõ 2 phố Phạm Thận Duật (quận Cầu Giấy). Đoàn kiểm tra phát hiện khoảng 7.100 sản phẩm mỹ phẩm gồm dầu gội, dầu xả, kem chống nắng,… do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hóa đơn chứng từ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 758 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã chuyển hồ sơ lên cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt. Sau đó, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Khánh Ly về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu (mỹ phẩm) và phạt tiền 90 triệu đồng. Buộc tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm nêu trên.

Qua tìm hiểu, hiện nay mỹ phẩm là một trong những mặt hàng “nóng” mang lại lợi nhuận cao và dễ làm giả nhất. Hơn nữa, do nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người dân ngày càng tăng trong khi nguồn mỹ phẩm vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam đang bị hạn chế do dịch Covid-19. Các cơ sở sản xuất loại hàng hóa này chưa nhiều, chế tài xử phạt vi phạm đối với mỹ phẩm kém chất lượng chưa đủ sức răn đe. Lợi dụng tình trạng này, nhiều đối tượng đã sản xuất các loại mỹ phẩm giả, kém chất lượng với hình thức nhái các nhãn hiệu nổi tiếng rồi bán ra thị trường. Một số người còn lập các trang thông tin, Facebook, Zalo, YouTube rồi rao bán các sản phẩm kém chất lượng này.

Trong vai một người mua nước hoa về bán trên mạng, chúng tôi trao đổi với chị H., bán hàng mỹ phẩm tại chợ thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ban đầu chị H., còn tỏ thái độ dò xét, sau một hồi trò chuyện thì chị cởi mở hơn khi nói về nguồn gốc, giá cả các loại mỹ phẩm: “Nhà tôi bán đủ chủng loại phấn, son, nước hoa, dầu gội đầu,... của các hãng nổi tiếng như MAC, Lancome, Essance,… Cần loại nào, mức giá nào cũng có”. Để minh chứng, chị H. đưa tôi một thỏi son MAC (Mỹ) và ra giá 50 nghìn đồng, trong khi giá sản phẩm chính hãng khoảng 500 nghìn đồng... Dạo qua các khu vực bán mỹ phẩm giá rẻ của Hà Nội như chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm),... chúng tôi cũng nhận được nhiều mời chào mua hàng kèm theo những cam đoan về chất lượng, giá cả các sản phẩm…

Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng, sáu tháng đầu năm 2021, các Đội QLTT thuộc Cục đã tích cực phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý hơn 240 vụ việc về mỹ phẩm; xử phạt hành chính hơn 2,9 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu hơn 14 tỷ đồng, tương đương với hơn 174 nghìn sản phẩm mỹ phẩm các loại… Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, sản xuất và mua bán mỹ phẩm giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp, nhất là việc mua bán trên các trang mạng xã hội.

Để qua mặt các lực lượng chức năng, các đối tượng thường in mẫu mã bao bì, hình dáng hộp các mỹ phẩm giả như hàng thật, rất khó phân biệt. Vận chuyển hàng hóa này dưới hình thức chuyển phát, giao hàng nhanh; cơ sở sản xuất được bố trí tại các khu vực xa nội thành, ít người qua lại. Bên cạnh đó, các chính sách quản lý về hoạt động quảng cáo các loại mỹ phẩm thiếu chặt chẽ, nhất là trên không gian mạng.

Cũng theo Phó Cục trưởng Trần Việt Hùng, để ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng mỹ phẩm giả, kém chất lượng trong thời gian tới, lực lượng QLTT Hà Nội tích cực thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, nhất là nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm,… Tăng cường công tác quản lý địa bàn, thống kê và nắm bắt thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tại các địa bàn trọng điểm như tuyến phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên), các khu vực chợ đêm, chợ sinh viên như chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), các kho tàng, bến bãi... Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các hiệp hội, doanh nghiệp trong việc trao đổi thông tin về các loại mỹ phẩm bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Qua đó, xác lập chủ thể quyền trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm khi có yêu cầu…

Dưới góc độ y học, ThS, BS CKII Nguyễn Phương Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) cho rằng: Các loại mỹ phẩm giả, kém chất lượng thường chứa nhiều chất gây ung thư như asen, berili, cadmium và đặc biệt là thường trộn thêm Corticid với nồng độ cao... Nếu người sử dụng mỹ phẩm giả kéo dài sẽ khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng, dị ứng, mẩn đỏ, nổi mụn, nám, lão hóa da. Có thể xuất hiện các bệnh về gan, nội tiết, thần kinh, ung thư da, dị tật ở thai nhi và vô sinh ở nữ giới. Một số kim loại nặng trong mỹ phẩm giả là tác nhân gây tác động tiêu cực đến tim, thận, thần kinh và hệ tiêu hóa...