Theo phản ánh của nhiều nông dân, thời gian qua ở hầu hết các kênh, rạch, ao, hồ… trên địa bàn tỉnh đều xuất hiện cá lau kiếng với mật độ dày. Cá lau kiếng chiếm tỷ lệ cao trong sản phẩm thu hoạch của ngư dân qua các ngành truyền thống như: Chất chà, cất vó, chài, kéo lưới…
Thậm chí, các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, tỷ lệ cá lau kiếng khoảng 10% trong tổng sản lượng thu hoạch. Đáng lưu ý là kể từ lúc cá lau kiếng xuất hiện, cũng là lúc lượng cá đồng bản địa giảm đi rõ rệt.
Theo một số nông dân, cá lau kiếng mới chỉ phát hiện trong môi trường tự nhiên cách đây hơn một năm, nhưng tốc độ sinh trưởng và phát tán rất nhanh gây nên những tác hại như cạnh tranh thức ăn với các loài cá khác, lấn át sự phát triển của các loài cá nước ngọt bản địa, đào hang gây xói mòn, sạc lỡ dọc bờ sông, kênh, rạch.
Hiện nông dân ở đây còn lo sợ loài cá này sẽ “tấn công” cây trồng vật nuôi, mà cụ thể là cây lúa.
Được biết, cá lau kiếng là loài sinh vật ngoại lai, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập vào nước ta qua những người nuôi cá cảnh trong lồng kiếng. Tuy nhiên, hiện nay loài sinh vật ngoại lai, hầu như không có giá trị kinh tế.