Tuy nhiên, đến nay tình trạng ô nhiễm chưa có nhiều cải thiện. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra đó là nguồn phát thải từ những chiếc xe mô-tô, xe máy cũ, không bảo đảm tiêu chuẩn về khí thải đang hằng ngày lưu thông trên đường.
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng 60 triệu xe máy đang lưu thông. Riêng tại Hà Nội, hiện có khoảng 6 triệu xe máy, trong đó có gần 3 triệu chiếc xe máy cũ, sản xuất trước năm 2000. Một nguyên cứu mới đây về tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội cho thấy, ô nhiễm không khí xuất phát từ khí thải của những chiếc xe máy cũ, xe không bảo đảm tiêu chuẩn về khí thải vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Theo các chuyên gia về quản lý môi trường, đối với xe cũ, khi đốt cháy nhiên liệu là xăng dầu, sẽ không cháy hết mà xả vào không khí, ngoài chất độc của các khí thông thường còn là muội than rất độc hại. Cùng với đó, tình trạng quá tải giao thông tại các thành phố lớn luôn gây ra tắc đường, ùn ứ khiến lượng khí thải của các phương tiện ra môi trường càng tăng cao.
Trong quá trình hoạt động, các phương tiện đã quá cũ sẽ thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp từ hai đến bốn lần các loại xe mới, được bảo dưỡng định kỳ. Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người.
Chất gây ô nhiễm từ khí thải xe máy xâm nhập cơ thể con người gây ra các vấn đề về mắt, hệ thống hô hấp, tim mạch... Những thành phần độc hại trong khí thải xe máy có thể kể đến là carbon dioxide, ngoài ra, còn có các phần tử cực nhỏ là những thành phần lạ có trong khí thải xe máy;
các hợp chất hydrocarbons đa vòng là một trong những thành phần khí thải xe máy phổ biến nhất gây ra ô nhiễm môi trường, gây hại cho sức khỏe con người. Với tình hình như hiện nay, các phương tiện giao thông đang là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Mặc dù, Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào điều này để thu hồi phương tiện cũ, nát là không khả thi và chưa có hành lang pháp lý vững chắc.
Cùng với đó, các quy định liên quan đến kiểm định chất lượng phương tiện định kỳ mang tính chất bắt buộc hiện nay không áp dụng đối với xe máy. Điều này dẫn tới việc lực lượng chức năng sẽ thiếu cơ sở xác định mức độ vi phạm để xử lý và thu hồi xe cũ, nát. Bên cạnh đó, việc thu hồi và xử lý những chiếc xe cũ, nát cũng gặp không ít khó khăn và vướng mắc do những phương tiện này liên quan đến quyền tài sản của công dân.
Nhằm từng bước loại bỏ những chiếc xe máy cũ, không bảo đảm tiêu chuẩn về khí thải, cuối năm 2021, thành phố Hà Nội đã thực hiện chiến dịch thí điểm kiểm tra khí thải xe máy trên địa bàn thành phố; đồng thời thí điểm thu hồi xe thải bỏ và tư vấn hỗ trợ “đổi xe máy cũ lấy xe máy mới”. Địa điểm kiểm tra được triển khai tại sáu quận, gồm: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hà Đông.
Mục tiêu của chương trình là nhằm xác định lượng khí thải của xe máy trên địa bàn Hà Nội. Qua đó thu thập thông tin nhằm giúp các cơ quan chức năng có căn cứ để đưa ra những chính sách về kiểm soát khí thải, góp phần bảo vệ môi trường, trong đó có việc ban hành quy chuẩn khí thải với xe máy. Hà Nội cũng là địa phương thứ hai, sau TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm chương trình này. Tuy nhiên, đây là chương trình không có tính chất bắt buộc cho nên lượng người tham gia không nhiều với khoảng 5.000 xe được kiểm tra, xác định mức độ khí thải.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải của những chiếc xe máy không bảo đảm chất lượng kỹ thuật gây ra, bên cạnh việc triển khai áp dụng các quy định kỹ thuật về khí thải và từng bước kiểm soát khí thải bắt buộc đối với mô-tô, xe máy, cần tập trung siết chặt việc kiểm tra và có chế tài xử lý đối với xe máy cũ, nát, xe không bảo đảm chất lượng khí thải.
Tăng cường đầu tư hạ tầng, điều tiết giao thông, đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của người dân trong việc kiểm soát khí thải xe máy, dần dần hình thành thói quen bảo dưỡng và kiểm định khí thải xe máy định kỳ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tự ý thức loại bỏ các phương tiện giao thông cũ nát một cách hiệu quả.