Báo động nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng với trẻ em

Dư luận xã hội thời gian qua rất bức xúc và đau lòng khi các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về các vụ việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Báo cáo của các cơ quan hữu quan gửi tới Quốc hội cho thấy, các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em giảm nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn ở mức cao.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Phiên giải trình về công tác tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. (Ảnh MAI ANH)
Các đại biểu Quốc hội tham dự Phiên giải trình về công tác tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. (Ảnh MAI ANH)

Phiên giải trình về “Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham gia của lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại nhiều điểm cầu, bộ, ngành, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc... Đây là hoạt động thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm. Đồng thời, đây cũng là dịp các cấp, ngành, địa phương nhìn lại kết quả thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.

Xác minh, giải quyết hơn 1.900 vụ xâm hại

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, những năm qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực trẻ em được quan tâm hơn. Việc xử lý tin báo, tố giác về các hành vi vi phạm pháp luật và các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực và bị bạo lực được chú trọng hơn. Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh...

Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, năm 2021, lực lượng công an phát hiện, tiếp nhận từ các nguồn tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố; từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các phương tiện truyền thông và tiến hành xác minh, giải quyết hơn 1.900 vụ xâm hại trẻ em/gần 2.200 đối tượng, xâm hại gần 2.000 em (giảm 31 vụ, bằng 1,6% so với năm 2020). Qua đó, khởi tố 1.623 vụ/1.759 bị can; xử lý hành chính 122 vụ/276 đối tượng (đạt tỷ lệ xử lý 92,4%), số còn lại đang tiếp tục xác minh giải quyết.

Qua đánh giá, các vụ bạo lực trẻ em đều được lực lượng công an các cấp tiếp nhận, giải quyết nhanh chóng trên nguyên tắc chấp hành pháp luật và áp dụng các biện pháp điều tra thân thiện bảo đảm phương châm điều tra, xử lý nghiêm tội phạm, đồng thời bảo đảm các quyền và lợi ích tốt nhất, không để các em bị tái tổn thương trong quá trình giải quyết vụ án. Nhờ đó, năm 2021 đã khắc phục triệt để tình trạng các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em rơi vào tình trạng tồn đọng, kéo dài hoặc không xử lý được gây bức xúc dư luận xã hội.

Các nhà quản lý, chuyên gia lĩnh vực trẻ em đưa ra nhận định, đại dịch Covid-19 trong hai năm qua hạn chế đi lại, cách ly xã hội và những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, đi kèm với áp lực kinh tế và đời sống khó khăn tăng lên đối với các gia đình, dẫn đến bạo lực gia tăng với phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, năm qua xảy ra một số vụ đối tượng xâm hại tình dục, bạo lực, bạo hành trẻ em là những người “chồng hờ, vợ hờ”, do người phụ nữ đã ly hôn, chồng mất, hoặc có con ngoài giá thú có quan hệ yêu đương và cho đối tượng ăn nghỉ thường xuyên tại nhà mình như vợ chồng, quá trình đó đối tượng đã lợi dụng để tấn công tình dục hoặc bạo hành với con của những người phụ nữ này...

Chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe

Chung quanh những vấn đề được nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề cập xung đột gia đình và việc ứng xử của người lớn hậu ly hôn; đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên thế giới, trong đó có vấn đề thực hiện quyền trẻ em;... là một trong số nhiều nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ bạo lực đối với trẻ em. Để hoàn thiện quy định pháp luật về lĩnh vực này, Bộ trưởng cho biết, cần quan tâm, báo cáo đầy đủ quy định pháp luật nào đang thiếu, cần phải bổ sung, hoàn thiện. “Đối với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình phải xác định phòng, chống bạo lực trẻ em là một chủ thể thật sự, là một đối tượng bị tác động cùng với nữ giới”.

Phiên giải trình vừa qua đạt kết quả, đáp ứng được sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước. Các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, chuyên gia bộ, ngành thảo luận, chất vấn và giải trình làm rõ những nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực trẻ em, trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu đã được Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan như: Giáo dục và Đào tạo, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch... giải trình đầy đủ.

Bên cạnh đề xuất các giải pháp, nhất là về hoàn thiện thể chế, về tổ chức triển khai, thực hiện; các đại biểu đưa ra giải pháp xây dựng, phổ biến các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới, ý thức pháp luật, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Nhiều ý kiến thống nhất đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành tổng rà soát toàn diện trẻ em có nguy cơ bị bạo hành hiện nay trên phạm vi cả nước, làm cơ sở, dữ liệu giúp cho việc thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình để chủ động phòng ngừa, xử lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, những đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành liên quan sẽ được các cơ quan của Quốc hội tổng hợp, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan phòng, chống bạo lực trẻ em. Các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát thường xuyên đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống bạo lực trẻ em; giám sát công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực trẻ em.