Bảo đảm tuyệt đối an toàn trong công tác cứu hộ, cứu nạn

* Huy động các lực lượng tìm kiếm người mất tích trong vụsạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3

* Sẵn sàng ứng phó bão số 7

 

Lãnh đạo Quân khu 4, tỉnh Thừa Thiên Huế và các lực lượng chức năng họp bàn phương án cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: BÌNH MINH
Lãnh đạo Quân khu 4, tỉnh Thừa Thiên Huế và các lực lượng chức năng họp bàn phương án cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: BÌNH MINH

Ðược tin mưa lũ gây sạt lở đất tại khu vực Trạm kiểm lâm số 7 thuộc Tiểu khu 67 và công trình thủy điện Rào Trăng 3 thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế làm nhiều cán bộ, chiến sĩ trong đoàn đi cứu hộ, cứu nạn và người của công trường thủy điện bị vùi lấp, ngày 13-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có công điện yêu cầu các bộ, ngành chức năng, đơn vị cứu hộ, cứu nạn, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Tư lệnh Quân khu 4 khẩn trương tập trung chỉ đạo các lực lượng, phương tiện cần thiết, phù hợp tổ chức tìm kiếm, cứu nạn kịp thời các nạn nhân. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện, khẩn trương khắc phục sự cố. Các bộ, ngành chức năng theo chức năng quản lý nhà nước được giao, chỉ đạo rà soát, kiểm tra an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi, kể cả công trình đang thi công, có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người, tài sản nhà nước và nhân dân trên địa bàn.

* Theo Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về sự cố tại khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên Huế), hiện các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ đang tích cực tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.

Vào 12 giờ ngày 12-10, một người dân gọi điện thoại trực tiếp cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Ðịnh, thông báo vụ việc. Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra, xác minh để có phương án cứu hộ, cứu nạn. Thành phần đoàn có 21 đồng chí gồm lãnh đạo UBND tỉnh, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QÐND Việt Nam), Quân khu 4, lực lượng quân sự địa phương và một số cơ quan liên quan. Ðoàn xuất phát trưa 12-10 từ Huyện ủy Phong Ðiền. Ðến 16 giờ, đoàn đến ngầm tràn sâu trên đường 71, ô-tô không qua được. Vì vậy, đoàn đi bộ vào thủy điện Rào Trăng 3 (cách khoảng 13 km). Ðến 21 giờ cùng ngày, đoàn đến Tiểu khu 67 và dừng nghỉ tại Trạm kiểm lâm Sông Bồ. Lúc 0 giờ ngày 13-10 xuất hiện tiếng nổ lớn. Ðất đá bị sụt đổ trùm khu đoàn đang nghỉ. Theo thông tin ban đầu, tám người thoát được ra ngoài, 13 người hiện còn mất tích, trong đó có 11 cán bộ quân đội và hai cán bộ địa phương.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 4, Cục Tác chiến, Cục Cứu hộ - Cứu nạn và các đơn vị liên quan tích cực triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả. Lực lượng Quân khu 4 đã phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế điều động lực lượng, phương tiện tổ chức khắc phục sạt lở, thông đường đến khu vực người mất tích và thủy điện Rào Trăng 3; chủ trì, phối hợp các lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm người mất tích. Hai đoàn công tác, đoàn số 1 do Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn; đoàn số 2 do Phó Chánh Văn phòng Trần Văn Sơn làm trưởng đoàn vào hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm người mất tích.

* Chiều 13-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng dẫn đầu đoàn công tác đến tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo công tác cứu hộ. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan chức năng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, nhiều người còn mất liên lạc, nguy cơ bị vùi lấp. Vì vậy, yêu cầu công tác tìm kiếm cứu nạn phải hết sức khẩn trương, cấp bách. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan liên quan triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo liên quan. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Quốc phòng (trực tiếp là Quân khu 4) và các cơ quan tập trung chỉ đạo, cấp bách triển khai lực lượng để tìm kiếm cứu nạn với phương châm tiếp cận nhanh nhất, ứng cứu khẩn trương nhất, đồng thời cần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn; thành lập Ban chỉ đạo tiền phương do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo chung công tác cứu nạn, huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết, có thể, bằng mọi biện pháp nắm tình hình, tiếp cận nhanh nhất khu vực có người bị nạn. Bộ Giao thông vận tải huy động phương tiện, máy móc khẩn trương đến hiện trường hỗ trợ mở đường cho lực lượng cứu hộ sớm triển khai tiếp cận những vị trí có người gặp nạn. Trên tuyến đường 71 đi vào thủy điện Rào Trăng 3 hiện có 10 điểm sạt lở núi, lực lượng chức năng đã khắc phục được bảy điểm, còn cách khoảng 3 km là đến vị trí sạt lở đất tại Trạm kiểm lâm số 7 thuộc Tiểu khu 67 - nơi cán bộ đoàn công tác đi vào hiện trường đang mất tích; cách 10 km đến vị trí những công nhân nhà máy thủy điện mất tích.

* Theo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, sự cố sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 đã làm 17 công nhân mất tích, hiện chưa liên lạc được. Tối 13-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường có mặt tại Ban chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Ðiền (Thừa Thiên Huế) để nắm tình hình và chỉ đạo tìm kiếm người mất tích. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã họp với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4 về triển khai các kế hoạch tiếp theo để sớm tiếp cận hiện trường. Theo đó, Ban chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương sẽ xây dựng phương án chặt chẽ để tìm kiếm 30 người mất tích (gồm 17 công nhân và 13 người trong đoàn công tác); cử lực lượng tinh nhuệ kết hợp người dân thông thạo địa hình để tiếp cận hiện trường; bảo đảm liên lạc thông suốt đối với lực lượng tham gia tìm kiếm, hướng tới ba mục tiêu: khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 và Thủy điện A Lin B2; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng cơ động đến những vị trí đã được khai thông.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 19,2 độ vĩ bắc; 110,4 độ kinh đông, ngay trên khu vực phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160 km tính từ tâm bão. Trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Ðến 7 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ vĩ bắc; 107,8 độ kinh đông, ngay trên vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160 km tính từ tâm bão. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 10 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới (ATNÐ).

Ðến 19 giờ ngày 14-10, vị trí tâm ATNÐ ở khoảng 19,5 độ vĩ bắc; 105,4 độ kinh đông, trên đất liền khu vực Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Ðông trong 24 giờ tới là từ vĩ tuyến 16,5 đến 21,0 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 112,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, ATNÐ di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15 đến 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 3 đến 5 m. Khu vực ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An nước dâng do bão có thể cao 0,5 m. Từ ngày 14 đến 16-10, ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200 đến 350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50 đến 150 mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

* Thông tin từ T.Ư Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) Việt Nam cho biết, ngày 13-10, T.Ư Hội đã chuyển tiền và hàng hóa cứu trợ khẩn cấp đợt hai cho các gia đình bị thiệt hại bởi mưa lũ tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, với tổng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng.

Cùng ngày, Ban Chấp hành T.Ư Hội CTÐ Việt Nam ra Lời kêu gọi ủng hộ người dân các tỉnh miền trung khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Lời kêu gọi vận động cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTÐ tham gia giúp người dân các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lũ đầu tháng 10 và các đợt thiên tai sắp tới, góp phần hạn chế những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tính mạng, sức khỏe, đời sống, thiệt hại kinh tế cũng như trật tự, an toàn xã hội. Thời gian ủng hộ từ ngày 13-10 đến 12-12-2020.

* Sáng 13-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT) họp bàn phương án ứng phó bão số 7. Hiện vẫn còn khoảng 100 tàu, thuyền trong khu vực nguy hiểm ở vùng biển Hoàng Sa. Chủ các tàu đã được thông báo về hướng di chuyển của bão và đang vào nơi tránh trú. Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị từ Quảng Ninh đến Nghệ An kêu gọi các phương tiện khẩn trương di chuyển vào bờ. Các địa phương cần lưu ý bảo đảm an toàn tàu, thuyền, rà soát, kiểm tra hồ chứa, hồ thủy điện trước khi bão số 7 đổ bộ và có kế hoạch điều tiết khi có mưa lớn để bảo đảm an toàn cho hạ du.

Theo thống kê mới nhất đến tối 13-10, mưa, lũ tại các tỉnh miền trung đã làm 30 người chết, 14 người mất tích và 22 người bị thương. Toàn vùng hiện vẫn còn hơn 160 nghìn căn nhà ngập nước, trong đó 541 nhà bị hư hỏng. Ðể đối phó bão số 7, các địa phương và cơ quan chức năng đã liên lạc và hướng dẫn cho hơn 51 nghìn tàu, thuyền di chuyển tránh bão.

* Bộ Tư lệnh Quân khu 4 duy trì 8.574 người, 88 xe ô-tô các loại và 172 tàu, xuồng phối hợp lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả mưa, lũ ở miền trung. Ðồng thời sẵn sàng lực lượng ứng phó bão số 7 và khắc phục hậu quả
sau bão.

* Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Phú Yên hiện có 85 vị trí đê điều xung yếu (71 đoạn đê, kè với tổng chiều dài 154,5 km; 14 cống qua đê) và 37 công trình đang thi công dở dang cần sẵn sàng phương án ứng phó với bão số 7.

* Trên tuyến đê bao xã Thạch Ðịnh, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa có tác dụng chống lũ, bảo vệ hơn 600 hộ dân vừa bị sạt lở mái nội đê dài hơn 10 m, sâu khoảng 20 m, mái đê gần điểm sạt lở còn có vết rạn nứt, sụt lún, dài gần 500 m, ảnh hưởng đến nhà ở của 30 hộ, gần 100 nhân khẩu. Nguyên nhân là do mưa lớn khiến nước sông Bưởi chảy xiết làm đê bị sạt mái nội đê.

* Chiều 13-10, tất cả tàu, thuyền của ngư dân tỉnh Nghệ An đã vào bờ an toàn; gồm 3.485 tàu, thuyền với 17.473 lao động. Ngoài ra nhiều tàu, thuyền của ngư dân tỉnh khác đã vào trú ẩn ở Nghệ An. Ngoài việc bố trí ở các cảng cá, các tàu, thuyền còn được địa phương bố trí tại nơi neo đậu khuất gió ở dọc sông Lam, sông Bùng, sông Mai Giang. Tỉnh Nghệ An đã cấm tàu, thuyền ra khơi kể từ 15 giờ ngày 13-10. UBND tỉnh Thanh Hóa có công điện khẩn yêu cầu các địa phương kiểm đếm và giữ liên lạc thường xuyên với tàu, thuyền trong khu vực, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch; hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến và cửa sông, không được để người ở lại trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh cấm biển từ 19 giờ ngày 13-10 đến khi bão tan. Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, để bảo đảm an toàn cho người và tàu, thuyền trên biển, BÐBP tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng đã thông báo cho 3.957 tàu cá với 14.932 lao động về nơi tránh trú an toàn.

* Tại tỉnh Quảng Bình, mưa to vẫn xảy ra làm hơn 62.058 học sinh tại 122 trường trên địa bàn phải nghỉ học. Trong đó huyện Lệ Thủy có 60 trường với hơn 25.460 học sinh; Quảng Ninh có 22 trường với gần 8.850 học sinh; TP Ðồng Hới có 12 trường với 9.700 học sinh; Quảng Trạch có chín trường với hơn 1.900 học sinh...

* Ngay sau khi bão số 6 vừa tan, chính quyền các huyện miền núi Quảng Ngãi đã huy động người dân cùng tham gia khắc phục sạt lở trên các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn. Tại huyện Sơn Tây, tuyến đường Sơn Liên - Tà Meo đang thi công bị sạt lở rất lớn (khoảng 500 m), gây chia cắt giao thông nên việc vận chuyển vật tư vào khu dân cư để khắc phục hệ thống điện bị sự cố vẫn chưa thực hiện được.

* Sáng 13-10, lực lượng cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Bình Phước đã tìm thấy thi thể hai nạn nhân ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập bị nước cuốn trôi khi đi câu. Chiều tối 10-10, hai anh Ðiểu Nhung, Ðiểu Quy cùng với ba người bạn đi câu tại khu vực suối Ðắk Ké, xã Bù Gia Mập thì bị nước lũ từ thượng nguồn đổ về cuốn trôi mất tích.

Tích cực ủng hộ đồng bào miền trung bị thiên tai

Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã phát đi thông cáo kêu gọi toàn thể nhân dân Thủ đô ủng hộ miền trung bị thiệt hại do mưa, lũ. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ đã chỉ đạo trích bảy tỷ đồng từ Quỹ Cứu trợ TP Hà Nội ủng hộ năm tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất. Cụ thể, Hà Nội ủng hộ Thừa Thiên Huế và Quảng Trị mỗi tỉnh hai tỷ đồng; Quảng Nam, Quảng Bình và Hà Tĩnh mỗi tỉnh một tỷ đồng.

Ngày 13-10 tại Hà Nội, Tập đoàn Ecopark thông qua Quỹ "Vì người nghèo" trao tặng số tiền năm tỷ đồng giúp đồng bào nghèo các tỉnh miền trung bị thiệt hại do bão lũ.

Sáng 13-10, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức tiếp nhận số tiền 425 triệu đồng của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh ủng hộ người dân bị ảnh hưởng do mưa, lũ.

Ngày 13-10, đoàn công tác của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng 500 phần quà, mỗi phần quà trị giá 300 nghìn đồng gồm nước suối, bánh mì, bột ngũ cốc, bánh và sữa các loại,... đến bà con ba xã Hương Văn, Hương Xuân và Hương Toàn (thị xã Hương Trà).