Hà Nội góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

NDO - NDĐT - Chiều 29-3, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã diễn ra với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về đất đai.

Cần quy định rõ ràng, cụ thể để dễ áp dụng

Theo GS - TS Vũ Hoan – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội cho rằng, điều 20 dự thảo quy định “cơ quan nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu về đất đai” chưa làm rõ thẩm quyền của từng cơ quan giống như điều 7 của Luật Đất đai năm 2003. Luật Đất đai là văn bản liên quan đến nhiều luật khác như Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng…do đó cần quy định rõ để không chồng chéo lẫn nhau.

Bên cạnh đó dự thảo cũng cần có cơ chế mới để chỉnh lý, làm rõ nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành trong công tác xác định địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất. Các quận thị xã khi có quy hoạch sử dụng đất nên tham khảo trong quá trình xây dựng quy hoạch. Về vấn đề thu hồi đất, để công bằng giữa người sở hữu và người sử dụng thì nên quy định là trưng thu, trưng mua khi thu hồi đất. Trưng thu đất vì mục đích an ninh quốc phòng… còn trưng mua để phục vụ công trình dự án phát triển kinh tế.

Còn theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội : Trong bối cảnh hiện nay có gần 25 luật liên quan đến cụm từ “sử dụng đất đai”. Cũng có khoảng 20 Nghị định, 30 quy định của Nhà nước ban hành liên quan đến Luật Đất đai song cũng chưa ổn định, phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại nhiều lần. Do đó, ông Nghiêm kiến nghị trong lần sửa đổi này cần có tầm nhìn xa, bao quát để khắc phục những yếu kém hiện nay.

Theo TS Nghiêm, bố cục các chương mục của dự thảo hợp lý song bố cục các điều khoản còn trùng lặp, việc giải thích từ ngữ trong dự thảo cần phải được xem xét cẩn trọng hơn. Thí dụ khái niệm “Giá trị quyền sử dụng đất là giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất đối với một diện tích đất xác định trong thời hạn sử dụng đất xác định”. Thực tế giá trị quyền sử dụng đất không phải là tiền. Hay như việc giải thích thế nào là hồ sơ địa chính cũng rất chung chung, không rõ ràng. Theo dự thảo, hồ sơ địa chính là hồ sơ phục vụ quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất. “ Cần phải quy định rõ về hồ sơ vì đây chính là điểm mà các cán bộ địa chính có thể hạch sách dân, dân phải đi lại nhiều lần để bổ sung, sửa chữa vì họ không hiểu cuối cùng hồ sơ này là gì”, ông Nghiêm nói.

Ông Đỗ Hoàng Ân - nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội góp ý, các cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi thẩm quyền của mình khi xem xét giao dự án phải xem xét kỹ năng lực của chủ đầu tư chứ không nên để tình trạng nhiều dự án bị “treo” khiến đất bị bỏ hoang như hiện nay. Cần chú trọng đến công tác cải cách hành chính trong các giao dịch về đất đai. “Nhiều khi có những giao dịch về đất đai kéo dài hai ba năm chưa xong, trường xây xong rồi, học sinh học lâu rồi mà hồ sơ đất còn chưa xong”, ông Ân nói. Bên cạnh đó dự thảo cũng cần quy định rõ trách nhiệm Bộ trưởng chủ tịch UBND các cấp, các sở ban ngành trong lĩnh vực quản lý đất, làm rõ các thủ tục hành chính về đất đai hiện nay.

Không nên giao quá nhiều việc cho cấp phường, xã

Thực tế hiện nay trên cả nước việc đo đạc địa giới hành chính mới chỉ đạt khoảng 75%, ngay ở Hà Nội có nhiều nơi còn chưa đo đạc được đầy đủ nên các quy định về địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai trong dự thảo là cần thiết song cần được làm rõ.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, dự thảo quy định giao cho cấp phường sáu nhiệm vụ điều tra cơ bản về đất đai, phường làm sao làm được, trong khi hiện nay mỗi phường thường chỉ có một cán bộ địa chính. Nên giao việc này cho cấp quận, huyện và cấp phường xã cũng không nên xây dựng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Vấn đề quy hoạch sử dụng đất là vấn đề quan trọng nếu không quy định rõ ràng thì sẽ rất vướng.

Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban quản lý Giải phóng mặt bằng Hà Nội cho rằng nên bỏ quy định “…khi Nhà nước thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở thì được bồi thường chi phí di chuyển”. Theo ông Biền, “Đã thu hồi đất ở thì phải đền bù và tái định cư cho dân. Dân bị thu hồi 200, 300m2 ở nội thành, nhận được 80-100m2 ở ngoại thành đã thiệt rồi. Quy định của Nhà nước phải bảo đảm quyền lợi của người dân”.

Về quy định xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu tái định cư phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn khu ở cũ, ông Biền đánh giá “để cụm từ này rất nguy hiểm”. Thí dụ khu tái định cư ở Hà Đông, tiền đầu tư dự án không đủ để xây dựng khu tái định cư như ở các quận nội thành. Do đó dự thảo phải quy định là xây dựng khu tái định cư phù hợp với điều kiện và quy hoạch khu vực đó.

Trưởng ban quản lý Giải phóng mặt bằng Hà Nội đề nghị giữ nguyên thẩm quyền ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chủ tịch UBND cấp huyện chứ theo dự thảo gộp hết lên chủ tịch UBND tỉnh thì không thể xử lý hết được sẽ dẫn đến chậm trễ, ứ đọng hồ sơ. Thẩm quyền ban hành khung giá đất, bảng giá đất vẫn phải do Chính phủ vì hiện nay trong vấn đề này có Chính phủ còn phức tạp nếu không địa phương sẽ rất khó.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban kinh tế - ngân sách của HĐND TP Hà Nội, nên không để Chính phủ quy định khung giá đất vì giá đất thị trường thay đổi liên tục. Chính quy định khung “cứng” như bây giờ, giá khung không theo kịp giá thị trường nên chúng ta lại phải tính lại giá đền bù. Ông Nam kiến nghị nên để cho các địa phương xây dựng bảng giá đất hàng năm song có chia theo mục đích sử dụng để bảo đảm tính phù hợp.