Bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của Quỹ Bảo hiểm xã hội

NDO -

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/8 cho ý kiến về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Nhấn mạnh đây là quỹ ngoài ngân sách lớn nhất, có vai trò vô cùng quan trọng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành có liên quan cần nhận thức rõ trách nhiệm trong việc quản lý Quỹ, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. Bày tỏ nhất trí với một số đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần nắm rõ nguyên tắc của quỹ là “đóng - hưởng”; không dùng kết dư của các quỹ này vào các mục đích khác, không đúng bản chất; cần làm rõ thông tin, số liệu chi tiết trong báo cáo. Bên cạnh đó, đề nghị tăng cường hơn nữa kỷ luật kỷ cương trong quản lý Quỹ; theo đó, về thu chi bảo hiểm xã hội phải bảo đảm “thu đúng thu đủ”, “chi đúng chi đủ” cho đối tượng thụ hưởng, tránh tình trạng thất thoát quỹ.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần khẩn trương tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội; đề xuất sửa đổi luật để sớm khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện nay.

Bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của Quỹ Bảo hiểm xã hội -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. 

Cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc tuy nhiên chưa có giải pháp mang tính căn cơ - điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bên cạnh hoạt động thanh tra kiểm tra vẫn còn bất cập như vấn đề thực hiện kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nêu một số vấn đề bất cập khác như vấn đề bảo hiểm xã hội 1 lần, rút bảo hiểm xã hội 1 lần tăng cao, thủ tục cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả còn thấp, việc tham gia giao dịch điện tử của cá nhân và một số đơn vị chưa đạt mục tiêu đề ra...

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội dễ tiếp cận. Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần chú trọng tham mưu nội dung về đầu tư quỹ để bảo đảm tính hiệu quả, vì trên thực tế hiện nay gần như lãi thực rất thấp, chỉ mang tính bảo tồn quỹ chứ chưa đạt mục tiêu phát triển quỹ.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, qua thảo luận, ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí và ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong đó có cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện bảo hiểm xã hiểm đã có sự phối hợp triển khai thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, đặc biệt là những cố gắng trong việc duy trì và phát triển đối tượng tham gia, phục vụ đối tượng thụ hưởng và các chế độ bảo hiểm xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Qua tổng hợp các ý kiến thảo luận, để khắc phục những tồn tại hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan khẩn trương, rà soát tiếp thu những nội dung thảo luận, cơ quan chủ trì thẩm tra nêu để hoàn thiện báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020 và báo cáo Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2 (vào tháng 10/2021).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị cần lưu ý hơn đối với một số nội dung như: Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cần có sự nỗ lực rất lớn để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương trong đó quan tâm việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về tình hình nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội, phải nghiên cứu rà soát có đánh giá đầy đủ, làm rõ nguyên nhân nợ, xác định được đối tượng cả người sử dụng lao động và người lao động có liên quan nhất là đối với các nhóm đối tượng có sử dụng ngân sách nhà nước để có đề xuất giải pháp phù hợp giúp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Việc thanh tra, kiểm tra cần phải đẩy mạnh và đổi mới phương thức hơn nữa không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị khẩn trương tiến hành tổng kết việc thi hành luật bảo hiểm xã hội trong đó có sự kết nối thông tin chặt chẽ với quá trình quản lý quỹ bảo hiểm xã hội để sớm trình đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật.

Thời gian tới, đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ trì thẩm tra nội dung này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục tham gia ý kiến thẩm tra từ các góc độ phụ trách, đảm bảo tính toàn diện.

Thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Trong năm 2020, Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và một số cơ quan có liên quan đã rất chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản về chính sách, chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp để kịp thời đáp ứng công tác quản lý điều hành và tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp.

Về công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp: Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 28-NQ/TW là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ.

Tuy nhiên, báo cáo nêu, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ khó đạt được mục tiêu đến năm 2021 có 35% và đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội; đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 chỉ đạt 93,7% chỉ tiêu kế hoạch đề ra; chiếm tỷ lệ trên 31% lực lượng lao động trong độ tuổi và sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu năm 2021 mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra…

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022; xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc về việc phân định miền núi, vùng cao.