Tọa đàm xây dựng Luật Phòng thủ dân sự

NDO -

Ngày 10/6, tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 cùng Đoàn cán bộ của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành Trung ương phối hợp Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự-phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình tổ chức Tọa đàm xây dựng Luật Phòng thủ dân sự.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra một số kiến nghị như: xem xét, hỗ trợ thêm kinh phí bảo đảm cho công tác phòng, chống dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Có thêm chế độ chính sách đối với lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm tham gia thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với lực lượng dân quân tự vệ; quy định rõ các tiêu chí đánh giá rủi ro để tăng sự chủ động của người dân và các cấp chính quyền, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự, công trình phòng thủ... phù hợp điều kiện thực tế từng địa phương, địa bàn; xây dựng Trạm cứu hộ, cứu nạn trên lòng hồ và hạ lưu sông Đà.

Những năm qua, lực lượng ứng phó sự cố, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn đã từng bước được củng cố theo hướng chuyên môn hóa, xây dựng lực lượng chuyên trách gắn với tập huấn, bồi dưỡng lực lượng kiêm nhiệm, năng lực ứng phó sự cố, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn đã được củng cố và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đáp ứng được một phần quan trọng về công tác dân sự.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế tồn tại như: hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, một số cơ chế, chính sách chưa sát với thực tế, thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác phòng thủ dân sự.

Công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, tính tổng thể, liên ngành, liên vùng chưa rõ trọng tâm, trọng điểm. Công tác dự báo, cảnh báo mặc dù có nhiều bước tiến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, có lúc còn thiếu chính xác, không kịp thời, đặc biệt là các loại hình thảm họa như: lũ quét, sạt lở đất... nên gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo phòng, chống và chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật Phòng thủ dân sự, Bộ Quốc phòng đã thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, như: tổng kết, đánh giá thi hành các văn bản quy phạm luật về phòng thủ dân sự; lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật; thành lập Ban soạn thảo; tiến hành rà soát các nội dung của Luật để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự án luật với các văn bản quy phạm pháp luật.