Bảo đảm nước tưới cho lúa trước nguy cơ hạn hán

Vụ chiêm xuân năm nay, một số địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đang gặp phải tổ hợp bất lợi về nguồn nước; lượng mưa rất ít; mực nước sông chính hạ thấp khiến một số trạm bơm không thể hút nước; xâm nhập mặn ở một số nơi đang có xu hướng gia tăng; ô nhiễm kênh thủy lợi nghiêm trọng… khiến hàng nghìn héc-ta lúa có nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Nước sông Kim Sơn đoạn qua huyện Bình Giang, Hải Hương bị ô nhiễm nhiều năm nay. (Ảnh: Vũ Sinh)
Nước sông Kim Sơn đoạn qua huyện Bình Giang, Hải Hương bị ô nhiễm nhiều năm nay. (Ảnh: Vũ Sinh)

Phó Giám đốc Công ty Bắc Hưng Hải, Lương Xuân Chính cho biết, sau khi người dân gieo cấy xong, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tiếp tục tích trữ nước tối đa để phục vụ tưới dưỡng cho cây lúa. Tuy nhiên thời gian qua, lượng mưa ở khu vực là rất ít, nguồn nước chính từ sông Hồng được lấy qua cống Xuân Quan gặp rất nhiều khó khăn do mực nước tại thượng lưu cống từ đầu tháng ba đến nay xuống rất thấp.

Bên cạnh đó, nguồn nước lấy ngược qua cống Cầu Xe, An Thổ (Hải Dương) đang bị hiện tượng xâm nhập mặn ngày một gia tăng, do đó nguồn nước trong hệ thống để tưới dưỡng lúa ở một số địa phương của tỉnh Hải Dương, Hưng Yên đang ngày càng thiếu hụt.

Từ diễn biến bất lợi về nguồn nước…

Bảo đảm nước tưới cho lúa trước nguy cơ hạn hán ảnh 1
Người dân phường An Tảo, thành phố Hưng Yên túc trực để lấy nước vào ruộng. (Ảnh: Văn Lúa)

Theo báo cáo của Công ty Bắc Hưng Hải, mực nước tại thượng lưu cống Xuân Quan hiện có xu hướng giảm dần từng năm.

Cụ thể, so với năm 2022, mực nước trung bình thấp hơn 18cm và năm 2021 là 22cm. Mực nước trung bình tại thượng lưu cống Xuân Quan có thời điểm thấp hơn rất nhiều so với mực nước thiết kế. Do đó, việc lấy nước tưới cho hệ thống qua cống này không hiệu quả.

Từ khi gieo cấy lúa đông xuân xong đến nay, cống Xuân Quan phải đóng kín giữ nước nhiều ngày và chỉ mở lấy nước được 57 giờ trong số 384 giờ, tức là chỉ đạt 15%.

Bên cạnh đó, nguồn nước tại cống Cầu Xe, An Thổ trong tháng 3 xuất hiện ba đợt triều cường, đồng nghĩa với việc độ mặn xuất hiện tại khu vực Cầu Xe, An Thổ có xu hướng tăng, có thời điểm vượt ngưỡng 1 phần nghìn…

Lượng nước từ sông ngoài hạ thấp, nên hầu hết thời gian hệ thống Bắc Hưng Hải phải giữ nước để phục vụ tưới, không có điều kiện thay nước cho hệ thống, dẫn đến một số kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ghi nhận đầu tháng 3, kênh Kim Sơn (đoạn từ hạ lưu Báo Ðáp đến cầu Sặt mới) nước có mầu đen đặc, mùi hôi thối. Ðoạn chảy qua khu vực huyện Bình Giang (Hải Dương) bị ô nhiễm rất nặng, người dân không dám bơm, nên một số diện tích bị thiếu nước.

Lượng nước từ sông ngoài hạ thấp, nên hầu hết thời gian hệ thống Bắc Hưng Hải phải giữ nước để phục vụ tưới, không có điều kiện thay nước cho hệ thống, dẫn đến một số kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng.

… nhiều giải pháp được đưa ra

Ðể có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước cho cây lúa, nhất là vụ chiêm xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Văn Kình cho biết, trong trường hợp khó khăn kéo dài thì đề nghị cho xả thêm nước từ các hồ chứa thủy điện. Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên đang khảo sát để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cho lắp thêm các trạm bơm dã chiến trên toàn tỉnh, mở rộng hướng lấy nước ở sông Luộc. Ðồng thời, cần nâng mực nước ở các kênh chính lên, tăng cường trạm bơm dã chiến, khai thác triệt để cống Triều Dương. Do mực nước hạ thấp nên cần có giải pháp để lấy được nước từ cống Xuân Quan, cấp cho hệ thống Bắc Hưng Hải mới bảo đảm nước phục vụ sản xuất lâu dài, hạn chế bị ô nhiễm.

Theo Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, hiện địa phương có một số trạm bơm lớn, nhưng cục bộ, phạm vi hẹp, nên không hỗ trợ được cho hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Hiện tỉnh đã lắp đặt các trạm bơm dã chiến nhưng cũng chỉ phạm vi nhỏ. Do đó, giải pháp lâu dài vẫn phải tính lấy nước được từ sông Hồng qua cống Xuân Quan và cống Nghi Xuyên (Hưng Yên).

Trước bất lợi về nguồn nước, nguồn thượng lưu bất ổn, ô nhiễm, độ mặn và mưa ít, khiến hàng chục héc-ta lúa có nguy cơ thiếu nước, ảnh hưởng đến tăng trưởng của cây lúa trong thời kỳ sinh trưởng, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Ðuống (Bắc Ninh) đã tăng cường vận hành bơm nước từ trạm bơm Phú Mỹ, với 5 máy, công suất 9.600 m3/giờ cấp nguồn bổ sung cho kênh Kim Sơn.

Bên cạnh đó, bơm dẫn nguồn tiếp cho các trạm bơm Vạn Ninh, Môn Quảng chạy qua hệ thống thủy lợi M2 để cấp nước cho huyện Bình Giang (Hải Dương) nơi chịu ảnh hưởng nặng nề ô nhiễm nguồn nước. Ðây là giải pháp hỗ trợ tích cực và hiệu quả trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, các trạm bơm ứng trực để lấy nước theo giờ từ cống Cầu Xe, An Thổ khi độ mặn cho phép. Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hưng Yên, Nguyễn Anh Tú cho biết, công ty chủ động từ sớm nên đã tiến hành nạo vét kênh mương, tăng khả năng tích nước ở các công trình thủy lợi. Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh quan tâm và đầu tư nhiều trạm bơm, trong đó có các trạm bơm dã chiến hoạt động hiệu quả.

Phó Giám đốc Công ty Bắc Hưng Hải, Lương Xuân Chính cho biết, hiện đơn vị đang tích cực phối hợp các công ty thủy nông của ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương để điều hành. Ðặc biệt theo dõi chặt chẽ mực nước tại sông Hồng, sông Thái Bình, thủy triều và độ mặn tại khu vực Cầu Xe, An Thổ, chủ động vận hành các công trình lấy nước tối đa vào hệ thống phục vụ sản xuất. Trong trường hợp các công trình hiện có của các địa phương không đủ cấp nguồn bổ sung cho hệ thống, công ty đề nghị Cục Thủy lợi cho nghiên cứu lắp đặt trạm bơm dã chiến ngay tại cống Xuân Quan, bơm bổ sung cấp nguồn vào hệ thống hoặc báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét phương án xả các hồ thượng lưu.