Khôi phục năng lực thiết kế các công trình thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng

Trải qua thời gian dài hoạt động, công nghệ thiết kế, thi công các công trình thủy lợi trước đây còn lạc hậu, hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh, bên cạnh đó, việc thường xuyên chịu tác động của thiên tai cũng đã ảnh hưởng lớn đến độ ổn định của các công trình thủy lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Trạm bơm Đức Xương vừa được Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương nâng cấp.
Trạm bơm Đức Xương vừa được Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương nâng cấp.

Nhiều công trình trước đây thiết kế chỉ tưới cho lúa chưa thay đổi kịp công năng để đáp ứng phục vụ nền nông nghiệp đa dạng và hiện đại…, đã làm ảnh hưởng lớn đến năng lực phục vụ của các hệ thống thủy lợi. Do đó, việc nâng cấp hệ thống thủy lợi để khôi phục năng lực thiết kế, phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh là nhu cầu bức thiết hiện nay.

Đồng bằng sông Hồng là vùng có nhiều hệ thống sông liên tỉnh nhất trong cả nước. Hầu hết các hệ thống thủy lợi lưu vực sông Hồng-sông Thái Bình đã được xây dựng từ rất lâu, nhiều công trình trong số đó có “tuổi thọ” lên đến hơn 60 năm. Trong khi đó, những tác động như biến đổi khí hậu ngày một cực đoan, khó lường; tốc độ đô thị hóa; chuyển đổi mục đích cây trồng, biến đổi lòng dẫn trên sông..., đang khiến nhiều công trình thủy lợi không còn đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, thậm chí có nguy cơ gây mất an toàn hoặc lãng phí trong đầu tư.

Khi mực nước sông bị hạ thấp

Từ số liệu quan trắc về địa hình lòng dẫn các sông vùng hạ du sông Hồng-sông Thái Bình cho thấy, rất nhiều sông chính đã bị xói trong khoảng gần 20 năm trở lại đây. Cụ thể, sông Hồng: Đoạn từ Sơn Tây đến Hà Nội hiện tượng xói chiếm xu thế chủ đạo, mức độ xói khá lớn, có mặt cắt lên đến 20-25%; tại mặt cắt Sơn Tây, từ năm 2001 đến năm 2009, đáy sông Hồng hạ thấp khoảng 2m.

Sông Đuống từ ngã 3 Hồng-Đuống đến Phả Lại, với chiều dài 56km, có 31 mặt cắt, được đo đạc trong 3 năm 2000, 2006 và 2013 cho thấy, toàn bộ sông bị xói mạnh và liên tục, so với năm 2000 cao độ trung bình đáy sông vào năm 2013 bị hạ thấp 327cm. Sông Luộc có 33 mặt cắt ngang được khảo sát trong 4 năm 2000, 2006, 2007 và 2008 cho thấy toàn tuyến bị xói ở mức độ trung bình, cao độ trung bình đáy sông năm 2008 hạ thấp 35cm so với năm 2000.

Như vậy có thể thấy, mặc dù dòng chảy mùa kiệt trên hệ thống sông Hồng được bổ sung nhờ có sự điều tiết của các hồ chứa lớn ở thượng du, nhưng mực nước trên hệ thống sông Hồng nói chung và tại Sơn Tây nói riêng liên tục giảm từ năm 2000 trở lại đây. Đến nay, mực nước tại Sơn Tây đã giảm đến mức nghiêm trọng, làm cho nhiều công trình thủy lợi trên các sông đoạn thượng du trạm thủy văn Hà Nội không thể hoạt động, kể cả trong trường hợp các hồ chứa ở thượng du đã xả nước hết công suất. Nhiều địa phương thời gian qua đã phải tăng cường rất nhiều nguồn lực để lắp thêm các trạm bơm lưu động mới có thể lấy được nước.

Từ thực tế vận hành xả nước cho thấy, việc duy trì mực nước sông Hồng đạt +2,2m tại Hà Nội ngày càng khó khăn, còn tại Sơn Tây thì hiện nay không thể đạt được mực nước 5,0m kể cả trong điều kiện các nhà máy thủy điện đã phát hết công suất. Do vậy, trong các đợt xả, mực nước tại các công trình không đạt mực nước thiết kế, dẫn đến nhiều công trình không lấy được nước, một số công trình lấy được nhưng rất kém.

Lượng nước cần xả từ các hồ chứa để phục vụ gieo cấy vụ đông xuân hiện nay là rất lớn (khoảng 5 tỷ mét khối) chiếm xấp xỉ 30% dung tích hữu ích của các hồ chứa, trong khi đó nhu cầu dùng nước của các ngành đang ngày càng tăng gây nên tình trạng căng thẳng về nước trên lưu vực. Đối với ngành điện, việc xả nước trong tháng 1 và tháng 2 là thời kỳ nhu cầu dùng điện thấp, giá trị kinh tế của nước cũng thấp; đến các tháng mùa hè, khi nhu cầu dùng điện cao, giá điện cao thì lại không còn nước để phát điện, gây thiếu điện.

Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Văn Thành cho biết, từ kinh nghiệm của thế giới, cũng như ở Việt Nam cho thấy, việc hạ thấp đáy sông sau các hồ, đập lớn trên dòng chính các sông là hiện tượng phổ biến, không thể đảo ngược. Việc phục hồi hoàn toàn đáy sông về điều kiện như trước khi xây dựng các đập là không thể.

Bằng các giải pháp bù đắp phù sa cho các đoạn sông ở hạ lưu các đập chỉ có thể phục hồi 1 phần, tuy nhiên giải pháp này cần nhiều thời gian và nguồn lực. Do vậy, trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, cần có giải pháp để thích ứng với việc hạ thấp đáy sông trên hệ thống sông Hồng trong đó có giải pháp về công trình là hết sức cần thiết. Hiện quy hoạch các giải pháp đã có, tuy nhiên cần được các cấp, ngành, địa phương xem xét kỹ lưỡng để tiến hành xây dựng.

Giải pháp công trình

Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương có 1.246 trạm bơm gồm 2.364 máy bơm các loại với tổng công suất 3.752.017 m3/giờ. Trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương quản lý 279 trạm gồm 1.147 máy các loại. Trong những năm qua, tỉnh đã xây mới, cải tạo, nâng cấp được 80 trạm bơm. Các trạm bơm này đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh kinh tế trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả.

Tuy nhiên, hầu hết các trạm bơm còn lại đều được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước cho nên nhiều trạm đã quá cũ, xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến năng lực phục vụ, điển hình là các trạm bơm tiêu lớn như: Ba Nữ, Cấp Tứ (huyện Thanh Hà), Vạn Thắng (thành phố Chí Linh), Ngọc Trì (huyện Nam Sách).

Trước đây, lũ các sông rất lớn, yêu cầu của công tác chống lũ, bão rất cao, nên một số lưu vực ở một số huyện không được đầu tư các cống dưới đê chống lũ như ở huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Chí Linh, Ninh Giang, Thanh Hà. Những lưu vực này hết sức khó khăn, khi cần nước tưới thì phải lấy từ hệ thống kênh rất dài, nhiều thời điểm không đủ nước, nhất là khi đổ ải phục vụ gieo cấy vụ đông xuân và khi úng thì không tiêu kịp.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Khi cần tiêu úng, chủ yếu tiêu bằng trạm bơm Lạc Dục ra sông Thái Bình, có thời điểm có thể tiêu tự chảy ra ngoài sông nhưng thời gian tiêu được rất ngắn, không hiệu quả và đi qua tuyến kênh dài, có vị trí xa đến 12km; khi tưới, nguồn nước lấy từ cống dưới đê sông Thái Bình nhưng tuyến rất xa, rất khó khăn. Theo tính toán, nếu có cống mới thì khi tiêu tận dụng thủy triều thấp, chỉ việc mở cống tự chảy, đỡ tốn rất nhiều tiền điện từ các trạm bơm; khi tưới, mở cống là tưới tự chảy cho 250ha và cung cấp nguồn nước để tưới 245ha lúa.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương, Nguyễn Văn Bột cho biết, nếu những lưu vực này được đầu tư xây mới cống thì rất hiệu quả: Lấy nước tưới tự chảy qua cống từ sông ngoài rất thuận; khi tiêu chỉ cần mở cống những thời điểm sông ngoài nước thấp. Ngoài tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp ra thì tác dụng của những cống này giải quyết được nhiều vấn đề tổng thể như, tránh ô nhiễm nguồn nước, môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa.

Từ thực tế nêu trên cho thấy việc củng cố nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi là hết sức cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí làm việc cũng như nâng cao năng suất sản lượng cây trồng. Việc củng cố, kiện toàn các tổ chức quản lý, khai thác cũng như triển khai hiệu quả cơ chế tài chính, cơ chế giá trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi là hết sức cần thiết trong quá trình hiện đại hóa các công trình thủy lợi hiện nay.