Quản lý người bán hàng qua mạng
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng huyện Cái Bè, thị xã Cai Lậy và thành phố Mỹ Tho đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, địa phương đã ghi nhận 224 ca nhiễm Covid-19 của 40 ổ dịch tại 8/11 huyện, thị, thành.
Trong thời gian giãn cách xã hội, tỉnh Tiền Giang đã khuyến cáo người dân nên ở nhà và chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Nhận thấy được tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Tươi, phường 6 (thành phố Mỹ Tho) đã đặt hàng qua mạng hơn một tháng nay. Việc mua hàng qua mạng cũng khá thuận lợi và hạn chế được sự lây nhiễm Covid-19. Theo bà Tươi, khi người giao hàng đến, chúng tôi đứng cách xa, yêu cầu người giao đặt hàng trước cửa nhà rồi di chuyển ra xa, khử khuẩn trước khi lấy hàng kiểm tra và để lại tiền trả.
Để phục vụ tốt nhu cầu của người dân trong phòng, chống dịch, các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích đã đẩy mạnh bán hàng qua mạng bằng nhiều hình thức khác nhau. Ông Nguyễn Hải Trường, Giám đốc Trung tâm Thương mại Go! Mỹ Tho cho biết, mỗi ngày, trung tâm phải giao theo đơn đặt hàng qua mạng 300 - 400 lần, tăng trên 200% so với số lượng trước đây. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, những nhân viên đi giao hàng phải thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và khi về đến bãi đổ xe là phải khử khuẩn bằng hệ thống tự động. Đến cổng vào khu trung tâm, những nhân viên này tiếp tục qua hệ thống buồng khử khuẩn rồi mới vào bên trong.
Mới đây, ngày 3/7, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) phát hiện T.N.B, SN 2004, phường 8 bị dương tính với SARS-CoV-2. B bán cơm qua mạng và giao cho một số ngân hàng và người dân trên địa bàn thành phố Mỹ Tho. Đến khi có kết quả dương tính, B cũng không nhớ cụ thể mình tiếp xúc với bao nhiêu người.
Trao đổi về việc nguồn hàng hóa phục vụ nhân dân trong đợt Covid-19, cũng như công tác quản lý những người giao hàng qua mạng, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn, cho biết: Các siêu thị và trung tâm thương mại chuẩn bị hàng hóa khá dồi dào, giá các mặt hàng không biến động nhiều. Tuy nhiên, vào các ngày cuối tuần, các sản phẩm tươi sống như: thịt lợn, cá có tăng và thiếu hàng nhưng không đáng kể. Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng qua mạng phải quản lý và kiểm tra sức khoẻ hàng ngày đối với những nhân viên giao hàng.
Tại cuộc họp mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý: Tiền Giang cần thực hiện ngay việc giám sát nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Phải thực hiện điều phối để ưu tiên xét nghiệm mẫu quan trọng trước nhằm phát hiện sớm và có biện pháp dập dịch kịp thời.
Hàng hóa bảo đảm nhu cầu
Tại Long An dịch bệnh Covid-19 đã lây nhiễm tại địa phương 11/15 huyện, thị xã và thành phố Tân An, doanh nghiệp và bệnh viện. Đến ngày 5/7, địa phương đã ghi nhận 202 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Để kịp thời đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu đảm bảo chất lương cho người dân, đặc biệt là trong các khu vực cách ly. Sở công thương Long An đang phối hợp Phòng Kinh tế, Kinh tế Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nắm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và cung cấp thông tin về Sở để kịp thời để điều phối, tìm nguồn hàng cung ứng thị trường khi có biến động như thiếu hàng, tăng giá.
Anh Giang Minh Trường – Phụ trách chuỗi bán lẻ Công ty TNHH San Hà cho biết: Doanh nghiệp chuyên trực tiếp sản xuất và cung cấp thực phẩm tươi sống như: gia cầm, gà, vịt, thịt lợi, rau củ quả, thủy hải sản và những hàng hoá chế biến sẵn phục vụ cho bà con. Chúng tôi đảm bảo hàng hoá chất lượng, giá rất tốt như các chợ truyền thống.
Sở Công thương khuyến cáo người dân không cần thiết tích trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm, chỉ nên mua đủ số lượng dùng hàng ngày. Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng trên địa bàn tỉnh đã dự trữ đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng của người dân.
Toàn tỉnh Long An hiện có trên 30 chợ và nhiều điểm bán hàng tự phát tại các địa phương có đông công nhân như Bến Lức, Tân An, Đức Hoà... Từ ngày 22/6/2021 đến nay, ngành chức năng đã kiểm tra, kiểm tra nhắc nhở hơn 260 trường hợp, tạm giữ hàng chục phương tiện buôn bán, giải tỏa nhiều điểm mua bán nhỏ, lấn chiếm lòng lề đường, tạm ngưng hoạt động 5 chợ tự phát tại huyện Bến Lức.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An Châu Thị Lệ cho biết: Ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, Sở công thương đã xây dựng ngày phương án dự trữ nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Sở đã liên hệ các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa và có kịch bản cho từng phương án theo từng mức độ dịch dịch diễn ra. Hiện tại, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị nguồn hàng rất dồi giàu đảm bảo chất lượng kịp thời cung ứng theo nhu cầu của người tiêu dùng. Sở cũng đã phối hợp các hệ thống phân phối tổ chức ngay khi có yêu cầu từ các địa phương khi thiếu hụt nguồn hàng.
Để kịp thời bình ổn thị trường, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, Sở công thương đang tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành theo dõi nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân trong vùng cách ly, chủ động phối hợp các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa kịp thời, phù hợp, đúng theo quy định về phòng dịch. Phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.