Bảo đảm đời sống nhân dân vùng tái định cư

NDO -

Sau nhiều năm rời nơi "chôn rau, cắt rốn” để “nhường đất” làm thủy điện Sơn La, đến nay đời sống nhân dân vùng tái định cư huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã bước sang trang mới khi thu nhập tăng lên, cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, một số nơi ở vùng tái định cư đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn nên cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành và địa phương.

Một góc thị trấn Phiêng Lanh, huyện Quỳnh Nhai, sau 10 năm di chuyển tái định cư thủy điện Sơn La. (Ảnh: Đức Tuấn)
Một góc thị trấn Phiêng Lanh, huyện Quỳnh Nhai, sau 10 năm di chuyển tái định cư thủy điện Sơn La. (Ảnh: Đức Tuấn)

Đến nay, toàn huyện Quỳnh Nhai có khoảng 8.000 hộ dân di chuyển đến tại các điểm tái định cư ở 10 xã để “nhường đất” xây dựng thủy điện Sơn La. Những năm qua, công tác ổn định dân cư, bảo đảm đời sống vùng tái định cư dự án thủy điện Sơn La luôn được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và huyện quan tâm thực hiện. Trong đó, huyện luôn chủ động trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các hộ dân tại các điểm tái định cư nhằm ổn định đời sống, sản xuất.

Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Quỳnh Nhai, Tòng Xuân Trường đánh giá, “sau khi về các điểm tái định cư, đời sống nhân dân đã thay đổi rõ rệt. Trong đó, thay đổi nhất là về cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Đến nơi ở mới nhân dân được cấp tư liệu sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi phát triển sản xuất, đào tạo nghề nhằm tạo việc làm nâng cao thu nhập. Ở nơi cũ, bà con chỉ đơn thuần cấy lúa, làm nương, rẫy. Nếu một gia đình với một ha ruộng, gieo cấy một năm hai vụ lúa làm tốt cũng chỉ thu hơn 10 triệu đồng/năm. Điều đáng mừng khi đến điểm tái định cư, nhân dân đã có sự dịch chuyển trong phương thức sản xuất nên thu nhập đã tăng lên. Nếu chăm chỉ, hằng ngày nhiều gia đình có thu nhập từ 400 đến 500 nghìn đồng từ việc đánh bắt thủy sản cộng thêm chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất nông nghiệp. Hay có nhiều hộ dân tận dụng nguồn nước mặt hồ mạnh dạn nuôi cá lồng cho thu lãi từ hằng chục đến hằng trăm triệu đồng/vụ”.

Đã 13 năm tính từ ngày chuyển về “quê hương mới” ở bản Ba Nhất, đến nay đời sống của gia đình anh Lò Văn Bình đã thay đổi rất nhiều. Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà sàn ở điểm tái định cư Huổi Púa, anh Lò Văn Bình, Trưởng bản Ba Nhất, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, nhớ lại: “Trước đây, gia đình tôi ở bản Pom Sinh xã Chiềng Bẳng. Năm 2008, thực hiện chủ trương “nhường đất” xây dựng thủy điện Sơn La, gia đình tôi về điểm tái định cư Huổi Púa sinh sống. Thời gian đầu, về điểm tái định cư đời sống còn nhiều vất vả vì chưa quen với nơi ở mới, trong khi đất sản xuất ít. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền ở địa phương nên đời sống dần đi vào ổn định. Để bảo đảm đời sống, gia đình tôi đẩy mạnh trồng cây ăn quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, tận dụng mặt nước sông Đà, gia đình tôi đang nuôi khoảng 15 lồng cá với các loại trắm, chép, lăng, bình quân mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 2 đến 3 tạ cá/lồng. Nếu thuận lợi trong việc tiêu thụ, mỗi lồng cá cho thu từ 15 đến 20 triệu đồng”.

Anh Bình so sánh thời gian ở bản Pom Sinh, thu nhập của gia đình hằng ngày chỉ trông trờ vào làm nương, rẫy và khai thác thủy sản trên sông nên đời sống rất bấp bênh. Khi về điểm tái định cư Huổi Púa đời sống đã thay đổi hơn rất nhiều, thu nhập cao hơn, các con anh được học gần hơn, điện lưới kéo đến từng nhà.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Quỳnh Nhai, Tòng Xuân Trường, khó khăn hiện nay để bảo đảm đời sống nhân dân ở các điểm tái định cư trên địa bàn là việc thiếu lao động trẻ để thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho bà con. Bởi, ở nhiều địa phương, lực lượng lao động trẻ đang có tình trạng “ly hương”, làm công nhân tại các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. Một số nơi việc bàn giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn gặp nhiều vướng mắc do diện tích được giao có sự tranh chấp nên chưa được đưa vào sử dụng, dẫn đến thiếu đất sản xuất cho nhân dân.

Đặc biệt, việc hỗ trợ sản xuất cho nhân dân vùng tái định cư đang còn vướng mắc do nguồn kinh phí chưa có mặc dù đề án phê duyệt từ năm 2017. Bên cạnh đó, thiếu nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp các công trình điện, nước, đường giao thông… ở một số vùng tái định cư ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Bà Lù Thị Rét, điểm tái định cư Huổi Púa xã Chiềng Bằng, chia sẻ, “mặc dù đến điểm tái định cư có điện về đến tận nhà, đường giao thông thuận lợi nhưng đời sống vẫn gặp nhiều khó khăn khi thiếu nước sạch sử dụng hằng ngày. Ngoài ra, mỗi khẩu chỉ được 880m2 đất sản xuất nhưng đất bạc màu chủ yếu để trồng sắn nhưng cũng không hiệu quả. Vì thiếu đất sản xuất nên các con tôi phải đi làm ăn xa, còn ở nhà vợ chồng tôi chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm để kiếm thêm thu nhập”.

Để bảo đảm đời sống nhân dân vùng tái định cư trên địa bàn, đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Quỳnh Nhai cho rằng, thời gian tới, nên rà soát lại các công trình, nhất là cơ sở hạ tầng nếu hư hỏng để sửa chữa ngay; phối hợp các xã, bản để xem xét nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân để có phương án hỗ trợ sản xuất phù hợp; tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa…