Bảo đảm đời sống cho người dân vùng lũ

Sau bão lũ, thị trường hàng hóa tại các thành phố lớn ở miền bắc có biến động, tăng mạnh nhất là giá thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt gia súc, gia cầm, nước đóng chai... tại các chợ.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua hàng hóa ở siêu thị Go! tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) sáng 12/9. (Ảnh LƯƠNG QUANG THỌ)
Người dân mua hàng hóa ở siêu thị Go! tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) sáng 12/9. (Ảnh LƯƠNG QUANG THỌ)

Trước tình hình này, ngành công thương các địa phương đã chỉ đạo các nhà cung cấp, doanh nghiệp thương mại có các giải pháp cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Chính quyền các quận, huyện tuyên truyền, vận động tiểu thương tại các chợ không tăng giá bán.

Chợ tăng giá, siêu thị vẫn bình ổn

Do ảnh hưởng của mưa lũ, nguồn cung thực phẩm tươi sống, nhất là rau xanh, hải sản... trên thị trường Hà Nội có nhiều biến động. Nhiều khu vực ngoại thành bị úng ngập khiến rau bị hỏng. Chưa kể, mưa gây ngập úng, đổ cây trên nhiều tuyến đường, việc vận chuyển rau từ ngoại thành về trung tâm cũng vất vả hơn.

Tại các chợ, các loại rau ăn lá đã giảm số lượng, giá tăng gấp đôi, gấp ba so với trước. Ðơn cử, rau muống bình thường giá chỉ 8-15 nghìn đồng/mớ nay đã tăng lên 30-40 nghìn đồng/mớ; rau cải xanh lên 40-50 nghìn đồng/kg; rau ngót 30 nghìn đồng/bó; bí xanh bình thường giá 15 nghìn đồng/kg nhưng nay lên 30-35 nghìn đồng/kg...

Trưởng Ban quản lý chợ Hôm-Ðức Viên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) Nguyễn Ðức Trung cho biết, Ban quản lý chợ đã tuyên truyền tiểu thương thực hiện chỉ đạo từ Sở Công thương thành phố và Ủy ban nhân dân quận về việc bảo đảm bình ổn giá, không nâng giá. Dù vậy, do ngập úng bởi mưa bão nên lượng rau xanh về chợ giảm, trong khi giá bán tăng từ 15 đến 20%. Các loại thực phẩm khác vẫn phong phú.

Tại một số chợ ở thành phố Hải Phòng như chợ Ga, chợ Lương Văn Can, An Dương..., giá một số loại thực phẩm tươi sống như thịt lợn, rau xanh những ngày qua tăng khoảng 10-20% so với trước.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở tổ dân phố số 4, phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền) cho biết, chiều 10 và sáng 11/9, giá một số loại hàng hóa, nhất là thực phẩm tươi sống tại chợ Lương Văn Can có tăng, do xuất hiện một số tin đồn thất thiệt khiến nhiều người đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ. Sau khi chính quyền và các cơ quan báo chí chính thống thông tin rõ về tình hình mưa lũ, xử lý các thông tin thất thiệt, lượng hàng hóa được cung ứng dồi dào, giá cả các mặt hàng này chỉ còn tăng nhẹ. Trong đó, ngoại trừ rau xanh vẫn giữ mức giá cao, các mặt hàng khác như: gạo, mì, lương khô, bún, miến, bánh đa chỉ tăng 2-5%; dầu ăn, đường sữa, trứng tăng 3-6%; các mặt hàng thịt, thủy, hải sản tăng 8-15%...

Sáng 12/9, tại chợ trung tâm thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh), giá các mặt hàng rau, củ, quả tăng nhẹ từ 10 đến 15% so với thời điểm trước bão.

Chị Nguyễn Thị Ngân, tiểu thương bán rau ở chợ cho biết: "Do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều địa phương bị ngập lụt, nguồn cung cấp rau xanh bị thiếu hụt dẫn đến khan hiếm và giá tăng so với ngày thường".

Tại thành phố Hạ Long, giá bán các mặt hàng thịt, trứng, hải sản tại các chợ cũng tăng khoảng 10%, một số mặt hàng rau, củ tăng gấp đôi so với ngày thường, giá thịt lợn, thịt bò tăng nhẹ. Nhìn chung các mặt hàng vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Anh Nguyễn Văn Bắc, chủ một tiệm ăn nhỏ ở thành phố Hạ Long cho biết: "Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân ở các chợ trên địa bàn vẫn khá phong phú, tuy giá cả một số mặt hàng tăng nhẹ do ảnh hưởng của bão số 3. Tình trạng này sẽ không kéo dài khi thời tiết tốt lên, nguồn cung ổn định trở lại".

Trong các siêu thị, trung tâm thương mại, số lượng rau xanh ít hơn so với thời điểm trước khi có bão, nhưng giá vẫn ổn định. Phó Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart tại Hà Nội Nguyễn Thị Hiền cho biết, một số loại rau ăn lá có số lượng ít hơn ngày thường, nhưng đều giữ nguyên giá như trước bão.

Tương tự, tại hệ thống siêu thị WinMart/Win ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, các mặt hàng thực phẩm tươi sống cùng các hàng hóa thiết yếu vẫn được các siêu thị đáp ứng đầy đủ với giá ổn định, không có hiện tượng tăng giá.

Tại hệ thống siêu thị Big C, GO! ở ba địa phương trên, nguồn cung một số loại thủy, hải sản gặp ảnh hưởng của bão lụt do một số nhà cung cấp bị hư hỏng nhà máy, mất nước, mất điện... Tuy nhiên, các nhà cung cấp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đáp ứng khoảng 90% nhu cầu khách hàng.

Theo Giám đốc siêu thị Co.op mart Hải Phòng Lê Ngọc Nam cho hay, siêu thị tổ chức hoạt động bình thường suốt trong và sau bão số 3, với lượng hàng hóa dồi dào, phong phú, giá giữ nguyên như thời điểm trước bão. Cùng với lượng hàng hóa dự trữ từ trước, doanh nghiệp đang có 200 tấn rau, quả từ Ðà Lạt, cùng 10 tấn gạo, 200 thùng lương khô và nhiều hàng hóa thiết yếu khác đang trên đường vận chuyển cung ứng cho Hải Phòng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường...

Bảo đảm đời sống cho người dân vùng lũ ảnh 1

Hàng hóa lương thực, thực phẩm, nhất là rau xanh vẫn dồi dào, giá cả ổn định tại các siêu thị (ảnh chụp tại siêu thị Coop mart Hải Phòng trưa 12/9). (Ảnh NGÔ QUANG DŨNG)

Tích cực khai thác nguồn hàng từ các tỉnh phía nam

Trước tình hình thiếu hụt nguồn cung khi các vùng trồng rau tại các tỉnh khu vực phía bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đang tích cực khai thác nguồn hàng từ các tỉnh phía nam.

Ðại diện Central Retail Việt Nam cho biết, bình thường, mỗi chuyến xe đi từ Ðà Lạt giao cho các siêu thị ở miền trung và miền bắc khoảng 40 tấn hàng/chuyến, nay đã tăng lên gần 80 tấn/chuyến. Nhờ đó, các siêu thị GO!, Big C tại miền bắc đã tăng 100% sản lượng rau, củ so với trước.

Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng nhóm Thu mua ngành hàng tươi sống của hệ thống siêu thị MM Mega Market cũng cho biết, đơn vị đã tăng ba lần số chuyến xe vận chuyển rau, củ, quả từ trạm cung ứng tại Lâm Ðồng ra các tỉnh phía bắc.

Giám đốc vận hành sản xuất Công ty TNHH Ðầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp WinEco (thành viên của Tập đoàn Masan) Hà Long Thành cũng cho biết, WinEco đã triển khai ngay kế hoạch thu hoạch, vận chuyển và phân phối nông sản từ miền nam ra miền bắc, từ ngày 8/9, mỗi ngày có gần 100 tấn rau, củ được vận chuyển ra miền bắc. Ðể bảo đảm duy trì ổn định nguồn hàng cho hệ thống siêu thị tại miền bắc đến cuối tháng 9, WinEco đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại các nông trường ở Lâm Ðồng và miền nam...

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, Sở đã đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa; tạo điều kiện và hỗ trợ các đơn vị tổ chức tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, vận chuyển hàng hóa và bán hàng phục vụ nhân dân; đồng thời, tiếp tục triển khai biện pháp bảo đảm cung-cầu hàng hóa, kiểm soát thị trường.

Tại Hải Phòng, Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Minh Sơn cho hay, lường trước tình hình hàng hóa trong và sau bão lớn, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Công thương, ngành Công thương Hải Phòng đã triển khai phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống bão và các tình huống thiên tai bất thường có thể xảy ra. Sở chủ động liên hệ với 7 doanh nghiệp thương mại lớn trên địa bàn cam kết dự trữ hơn 29,3 tỷ đồng hàng hóa thiết yếu sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thành phố.

Ông Lê Minh Sơn khẳng định, với lượng hàng hóa dồi dào, sự nỗ lực trong cung ứng của các doanh nghiệp, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố Hải Phòng luôn đáp ứng đủ phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu các mặt hàng thiết yếu dẫn đến tăng giá đột biến.

Dự báo nhu cầu mua hàng hóa, lương thực của người dân có thể tăng cao trong thời gian tới, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và nhiều tiểu thương, doanh nghiệp đã chủ động lên phương án cung ứng hàng hóa, tập trung các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm các nhu yếu phẩm phục vụ người dân.

Sở Công thương Quảng Ninh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra việc thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ, bảo đảm đời sống nhân dân và bảo đảm thực hiện phương châm "bốn tại chỗ".

Ngành tuyên truyền các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại chủ động về nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong mùa mưa bão; đồng thời tăng cường kiểm tra các hộ kinh doanh bảo đảm ổn định giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng lợi dụng mưa bão để nâng giá trục lợi.