Bảo đảm điều kiện khởi công đường vành đai 4-Vùng Thủ đô

Bên cạnh một số cơ chế đặc thù, dự án trọng điểm đường vành đai 4-Vùng Thủ đô còn nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của nhân dân, cho nên đã bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng đề ra. Đây không chỉ là dự án mẫu từ công tác chuẩn bị đến khi triển khai, mà còn đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm trong giải phóng mặt bằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
0:00 / 0:00
0:00
Các đơn vị chức năng huyện Thường Tín dọn dẹp mặt bằng khởi công đường vành đai 4-Vùng Thủ đô tại Km52+600 thuộc thôn Văn Giáp, xã Văn Bình. (Ảnh: DUY LINH)
Các đơn vị chức năng huyện Thường Tín dọn dẹp mặt bằng khởi công đường vành đai 4-Vùng Thủ đô tại Km52+600 thuộc thôn Văn Giáp, xã Văn Bình. (Ảnh: DUY LINH)

Chiều muộn 9/6, tại vị trí khu đất giao với Quốc lộ 1A cũ tại Km52+600 thuộc thôn Văn Giáp (xã Văn Bình, huyện Thường Tín), người dân và các đơn vị chức năng của huyện vẫn đang tích cực di chuyển cây cối, dọn dẹp mặt bằng cho sạch sẽ, phong quang. Lãnh đạo xã Văn Bình cho biết, đây là một trong bốn vị trí được thành phố Hà Nội chọn làm địa điểm khởi công dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô vào cuối tháng 6. “Công tác giải phóng mặt bằng của xã đã vượt tiến độ đề ra. Chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng phục vụ cho lễ khởi công sắp tới”, đại diện Ủy ban nhân dân xã Văn Bình nói.

Tiến độ “thần tốc”

Như vậy, chỉ một năm kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 6/2022, dự án trọng điểm quốc gia này sẽ chính thức được khởi công. Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội, xác định tầm quan trọng của dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô, thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch chung và kế hoạch chi tiết của từng địa phương làm cơ sở chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đồng thời đã nỗ lực, quyết tâm tổ chức thực hiện.

Mặc dù quá trình triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc, nhưng các tỉnh, thành phố đã chủ động thực hiện, có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Đến nay, các địa phương đã cơ bản đáp ứng được tiến độ giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ là bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30/6/2023, khởi công trong tháng 6/2023. Hiện nay, các địa phương đã phê duyệt và thu hồi được 537,270ha đất, đạt 67,32%; đã di chuyển 6.007 ngôi mộ, đạt 55,00%. Các quận, huyện cam kết sẽ bàn giao mặt bằng bốn vị trí khởi công cho Ban quản lý dự án trước ngày 15/6/2023 và đến ngày 30/6/2023 sẽ giải phóng mặt bằng hơn 80% khối lượng.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội dự kiến sẽ khởi công đồng loạt tại Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh trước ngày 30/6/2023. Trong đó Hà Nội có bốn vị trí khởi công tại các huyện: Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Oai và Thường Tín. Sau khi khởi công, Ban quản lý dự án sẽ chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công trên toàn bộ các đoạn đã được các quận, huyện bàn giao mặt bằng. Trước mắt, các nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực tổ chức thi công ngay các hạng mục đào bóc đất hữu cơ và triển khai các mũi thi công các đoạn tuyến có nền đất yếu nhằm thực hiện ra tải sớm để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Nhiều kinh nghiệm quan trọng

Chia sẻ về “bí quyết” triển khai dự án trọng điểm này một cách thần tốc và bảo đảm tiến độ, lãnh đạo Ban quản lý dự án cho rằng, việc tách bảy dự án thành phần thành các dự án độc lập và giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố là cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thực hiện là cách làm hay, trong đó việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần độc lập có thể triển khai ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được duyệt và khi dự án thành phần xây lắp được duyệt hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung cho phù hợp. Việc này bảo đảm việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước, không có tình trạng vừa thi công, vừa phải chờ mặt bằng sạch.

Việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó phê duyệt các cơ chế đặc thù trong Nghị quyết cho riêng dự án như cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong hai năm kể từ khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP để tháo gỡ một số cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ như cho phép các tỉnh, thành phố triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án; cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu.

Cùng với đó, thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tổ chức tốt việc phân công, phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các quận, huyện, đơn vị liên quan, gắn trách nhiệm đúng địa chỉ, đúng đối tượng. Các cấp, ngành cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động; Thành ủy Hà Nội giao Ủy ban kiểm tra Thành ủy vào cuộc ngay từ đầu, phối hợp các địa phương để bảo đảm không để xảy ra tiêu cực trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong công tác giải phóng mặt bằng, việc bảo đảm quyền lợi chính đáng tốt nhất cho người dân luôn là yêu cầu hàng đầu. Như tại Hà Nội, đồng chí Bí thư Thành ủy khi đi thực địa đã yêu cầu các địa phương phải chọn các khu đất đấu giá đẹp có điều kiện mặt bằng, giao thông thuận lợi, tốt nhất cho các hộ dân tái định cư.

Những giải pháp, cách làm này đã “cộng hưởng”, cùng với sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân giúp cho dự án trọng điểm này được triển khai đúng tiến độ đề ra.