Bảo đảm địa vị pháp lý của phụ nữ và trẻ em ASEAN

NDO -

Chiều 17-11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Ban Thư ký ASEAN, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tổ chức lễ ra mắt Báo cáo khu vực về “Thúc đẩy hòa nhập bền vững của Cộng đồng ASEAN thông qua việc bảo đảm địa vị pháp lý của phụ nữ và trẻ em ASEAN”.

Ra mắt Báo cáo khu vực về "Thúc đẩy hòa nhập bền vững của Cộng đồng ASEAN thông qua việc bảo đảm địa vị pháp lý của phụ nữ và trẻ em ASEAN" tại Việt Nam (Ảnh: Molisa).
Ra mắt Báo cáo khu vực về "Thúc đẩy hòa nhập bền vững của Cộng đồng ASEAN thông qua việc bảo đảm địa vị pháp lý của phụ nữ và trẻ em ASEAN" tại Việt Nam (Ảnh: Molisa).

Tham dự buổi lễ có đại diện Ủy ban Thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN (ACWC), Ban Thư ký ASEAN, các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN, đại diện Văn phòng UNHCR tại các nước thành viên ASEAN và các đối tác khác của ACWC. 

Phát biểu tại lễ ra mắt, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN là một trong những cam kết đã được Lãnh đạo Cấp cao ASEAN đưa ra trong rất nhiều các văn kiện của mình, là kim chỉ nam cho các hoạt động của các Bộ trưởng, các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, việc thành lập ACWC tại Hà Nội, Việt Nam bên lề của Cấp cao ASEAN lần thứ 16 năm 2010 đã nâng tầm những cam kết của ASEAN thông qua một cơ chế nhân quyền chính thức, có hiệu quả, tập trung vào những vấn đề thiết thực để bảo đảm quyền cho hơn nửa dân số của ASEAN, đặc biệt là nhóm phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, Ủy ban đã hết sức tích cực hoạt động và khẳng định được vị thế của mình trên rất nhiều lĩnh vực với nhiều sáng kiến nhằm tăng cường tiếng nói trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN thông qua rất nhiều dự án, chương trình trong suốt 10 năm qua.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà hoan nghênh sáng kiến của ACWC và UNHCR phối hợp cùng Ban Thư ký ASEAN đã xây dựng Báo cáo khu vực về “Thúc đẩy hòa nhập bền vững của Cộng đồng ASEAN thông qua việc bảo đảm địa vị pháp lý của phụ nữ và trẻ em ASEAN” và công bố trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

“Đây là một sự kiện có ý nghĩa trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập ACWC đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức tham gia trong Ủy ban, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực quyền của phụ nữ và trẻ em, hướng tới bảo đảm được quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN nói chung và quyền về quốc tịch và địa vị pháp lý của mỗi người nói riêng”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nêu rõ.

Đại diện Việt Nam hy vọng, kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở quan trọng để các quốc gia thành viên, các cơ quan liên quan của ASEAN cùng UNHCR, các đối tác phát triển xem xét các cơ hội, thách thức liên quan, thực hiện những khuyến nghị về các biện pháp bảo đảm quyền và địa vị của phụ nữ và trẻ em, góp phần vào phát triển bền vững, đặc biệt của các nhóm yếu thế trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập vào Cộng đồng ASEAN nói riêng, hướng tới Cộng đồng ASEAN thịnh vượng chung.

Theo Ban Thư ký ASEAN, Báo cáo khu vực về “Thúc đẩy hòa nhập bền vững của Cộng đồng ASEAN thông qua việc bảo đảm địa vị pháp lý của phụ nữ và trẻ em ASEAN” cho thấy bức tranh tổng thể về khuôn khổ pháp lý và việc thực thi tương ứng ở các nước thành viên ASEAN, những thách thức, điển hình tốt và khuyến nghị trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em đối với địa vị pháp lý, đăng ký hộ tịch và đăng ký khai sinh.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh và cấp quyền công dân, vì chỉ khi hai yếu tố này được bảo đảm, một người mới có được địa vị pháp lý rõ ràng.

Báo cáo cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm, phát triển bền vững thông qua việc tăng cường đăng ký hộ tịch và giấy tờ chứng minh cá nhân, ngăn chặn tình trạng không quốc tịch và thực hiện quyền có quốc tịch cho phụ nữ và trẻ em trong ASEAN thông qua việc thực thi luật pháp quốc gia.

Ra đời ngày 7-4-2010 tại Hà Nội nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16, ACWC được thành lập với mục tiêu thúc đẩy, bảo vệ, tôn trọng và thực thi các quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN để họ được sống hòa bình, bình đẳng, công bằng và thịnh vượng.

Với việc họp định kỳ hai lần/năm, ACWC có 20 đại diện của các quốc gia thành viên ASEAN về quyền phụ nữ và quyền trẻ em. Trong đó mỗi nước cử hai đại diện. 

Mỗi đại diện ACWC phục vụ nhiệm kỳ ba năm và có thể được bổ nhiệm lại cho nhiệm kỳ thứ hai. 

Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020