Bảo đảm cuộc sống người cao tuổi bằng lương hưu

Trong Báo cáo Bảo trợ thế giới phiên bản mới nhất, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, vào năm 2050, số người cao tuổi trên toàn cầu sẽ tăng khoảng 10% so hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Minh Duy.
Ảnh minh họa: Minh Duy.

Để bảo đảm được cuộc sống cho người cao tuổi và gia đình họ, tổ chức này cho rằng các hình thức bảo trợ xã hội, trong đó lương hưu-hình thức phổ biến nhất- chính là “chìa khóa” của vấn đề.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trên thế giới hiện mới chỉ có 77,5% số người trên tuổi về hưu nhận được một hình thức hưu trí tuổi già và tỷ lệ này có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị, giữa phụ nữ và nam giới. Chính vì vậy, xu hướng già hóa dân số được xem là một trong những thách thức lớn nhất đối với hệ thống an sinh xã hội thế giới.

Với sự quan tâm đối với người cao tuổi, tại Việt Nam, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chính sách trợ cấp xã hội... Mặc dù vậy, cả nước mới có khoảng 39% số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội.

Cả nước mới có khoảng 39% số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc còn tới 61% số người cao tuổi vẫn phải tự lo cho cuộc sống khi đã hết tuổi lao động. Về bảo hiểm y tế, mặc dù lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân đã được triển khai hiệu quả nhưng vẫn còn khoảng 5% số người cao tuổi (hơn 500.000 người) chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Đây hầu hết là những người trong độ tuổi từ 60 đến 79 tuổi, không thuộc nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc không thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội khác.

Là quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ của người dân Việt Nam liên tục tăng nhanh, từ 68,6 tuổi vào năm 1999 lên 73,2 tuổi vào năm 2014 và dự báo là 78 tuổi vào năm 2030.

Cơ quan này cũng dự báo, dân số Việt Nam từ 65 tuổi sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Năm 2026, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, kéo dài trong khoảng 28 năm (2026-2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi chiếm từ 10,2% đến 19,9%. Sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (2055-2069), tương ứng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi chiếm từ 20% đến dưới 29,9%, với khoảng hơn 30 triệu người cao tuổi.

Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, những diễn biến dân số của Việt Nam hiện nay và trong tương lai cũng đặt ra những vấn đề cần sớm được quan tâm, nhất là khi phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, sống cùng con cháu, đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn khi chưa có nhiều người được bảo đảm cuộc sống từ lương hưu như đã nêu ở trên.

Việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội với các trụ cột chính là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế có độ bao phủ cao phải được xem là hướng đi tất yếu.

Bên cạnh đó, người cao tuổi ở nước ta cũng phải đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” - trung bình một người mắc ba bệnh, có chi phí điều trị lớn.

Để giải quyết vấn đề này, việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội với các trụ cột chính là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế có độ bao phủ cao phải được xem là hướng đi tất yếu. Định hướng này, trước hết, cần sớm được cụ thể hóa ngay trong quá trình xây dựng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, nhằm nhanh chóng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, để ngày càng nhiều người có được “bệ đỡ” khi hết tuổi lao động.