Tham gia bảo hiểm xã hội, khi đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian tham gia, người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng - đây là nguồn thu nhập ổn định để bảo đảm cuộc sống khi về già và trong suốt thời gian nghỉ hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) để chăm sóc sức khỏe.
Đáng lưu ý, mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá.
Về nguyên tắc, mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có sự chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội. Mức hưởng lương hưu tỉ lệ thuận mới mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng bảo hiểm xã hội, có nghĩa là người lao động có mức đóng bảo hiểm xã hội càng cao, thời gian đóng bảo hiểm xã hội càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.
Trong thực tế, có một số trường hợp hưởng lương hưu với mức hưởng thấp, nguyên nhân chủ yếu là do người lao động đóng bảo hiểm xã hội với mức đóng thấp, thời gian đóng bảo hiểm xã hội chỉ đạt thời gian tối thiểu, cũng có nhiều trường hợp là do người lao động nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định dẫn đến bị giảm trừ tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi (hiện nay, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ giảm 2% đối với cả nam và nữ).
Thời gian qua, đã có không ít ý kiến người dân băn khoăn khi cho rằng, đồng tiền mất giá sẽ tác động đến lương hưu làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cách hiểu này chưa chính xác, vì trên thực tế, quy định của chính sách bảo hiểm xã hội đã tính đến yếu tố lạm phát hay trượt giá đối với tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động không chỉ khi tính mức hưởng lương hưu mà còn bảo đảm yếu tố này trong suốt quá trình hưởng lương hưu của người lao động nhằm mục đích bảo đảm thu nhập của người hưởng lương hưu cơ bản đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
Cụ thể, khi tính mức hưởng lương hưu, tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu của người lao động đều được điều chỉnh như sau:
- Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/2016.
- Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 trở đi và người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Thời gian qua, mức lương hưu của người nghỉ hưu liên tục được nâng lên, trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ Bảo hiểm xã hội. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống cho người về hưu. Năm 2022, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 01/01/2022.
Những người nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995 mà sau khi điều chỉnh theo mức chung, nếu mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng còn tiếp tục được điều chỉnh thêm. Điều này cho thấy, chính sách bảo hiểm xã hội của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu, nhất là với người hưởng lương hưu có mức lương hưu thấp.
Trong thực tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội - đơn vị tổ chức thực hiện chính sách đã nhận được chia sẻ của nhiều người cao tuổi về sự hài lòng với mức lương hưu đang hưởng và động viên con, cháu mình tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, đúng quy định.
Đặc biệt, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng nhận được khá nhiều ý kiến chia sẻ về sự tiếc nuối của những người lao động đã nhận bảo hiểm xã hội một lần, giờ mong muốn được nộp lại số tiền bảo hiểm xã hội một lần đã nhận, đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (trong suốt thời gian hưởng lương hưu) để chăm sóc sức khỏe. Bởi với người già, bệnh tật luôn thường trực “không rủ cũng tới”, nhiều người cao tuổi vẫn phải bươn chải kiếm sống và chịu sức ép về gánh nặng viện phí mỗi khi không may bệnh tật.
Có thể nói, việc tăng lương hưu với quan điểm để cải thiện đời sống của người về hưu, giảm bớt khó khăn, đặc biệt là những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thấp... luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương hưu qua các giai đoạn, cho thấy đời sống của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện. Vì vậy, người lao động hoàn toàn có thể yên tâm, tin tưởng tham gia chính sách bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước, việc tham gia bảo hiểm xã hội chính là lựa chọn tối ưu nhất để có lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế làm chỗ dựa vững chắc nhất cho người lao động khi về già.