Bảo đảm chặt chẽ khi cấp bò giống đến hộ nghèo

Dù đã bám sát các văn bản hướng dẫn và các quy định cụ thể về việc triển khai các dự án hỗ trợ giảm nghèo, giai đoạn 2021-2025, nhưng ngay khi huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) thực hiện cấp bò giống đến người dân đã nhận về nhiều phản ánh chung quanh thực trạng con giống gầy, già, yếu… Cùng với đó là phản ánh giá con giống dự án cấp lại cao hơn nhiều so với giá con giống tại địa phương cùng thời điểm thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Giàng A Hồng, ở bản Huổi Un, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, bên cặp bò mới được cấp.
Anh Giàng A Hồng, ở bản Huổi Un, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, bên cặp bò mới được cấp.

Thực tế nêu trên đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tư người dân vùng dự án đang được triển khai và các vùng lân cận.

Bò trơ xương, kén ăn, liên tục bị… ngã

Là một trong số 80 gia đình vừa được nhận hỗ trợ bò giống, chị Lò Thị Thanh ở bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên vô cùng lo lắng khi bò giống nhận về vốn đã gầy lại không chịu ăn. Chị Thanh cho biết: “Bò giống gầy, yếu; có con liên tục chảy nước mũi, không chịu ăn và hay tự ngã. Có lần hàng xóm thấy con bò ngã còn gọi tôi bảo “con bò nhà chị chết rồi”.

Còn theo anh Giàng A Hồng ở bản Huổi Un, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên), gia đình anh vừa được hỗ trợ hai con bò giống nhưng một con gầy trơ xương, kén ăn, hai sừng trên đầu đều cụt lủn như kiểu đã bị cưa đi rồi. Cũng con bò này, có tám cái răng ở hàm dưới đều khuyết tròn. Nhìn con bò rất già nua!

Cùng đợt được cấp bò với gia đình chị Thanh, anh Hồng, có nhiều gia đình ở bản Pá Sáng, xã Hua Thanh (huyện Điện Biên) cũng rất băn khoăn về chất lượng con giống, giá con giống cao quá so với con giống mua tại địa bàn. Các anh Vừ A Lẻ, Thào A Vừ... nói: Chỉ cần sáu đến tám triệu đồng là có thể mua được một con bò có tuổi và cân nặng tương đương con giống do địa phương cấp cho hộ nghèo, chứ không cần đến 20 triệu đồng mới mua được một con như giá dự án cấp.

Thông tin thêm về giá con giống cấp cho người dân trên địa bàn, ông Thào Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hua Thanh cho biết: Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững, mỗi hộ dân thuộc diện thụ hưởng được cấp hai con bò giống có trọng lượng từ 170-220kg/con; trung bình là 205 kg/con. Theo mức giá đã được Ủy ban nhân dân huyện thẩm định, phê duyệt là 100 nghìn đồng/kg, thì trung bình mỗi con giống cấp cho người dân có giá dao động từ 17 đến 22 triệu đồng.

Khẩn trương vào cuộc chỉ đạo

Thừa nhận có bất cập, hạn chế về chất lượng, hồ sơ con giống (bò giống) chưa bảo đảm, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên cho biết: Qua kiểm tra thực tế việc cấp con giống tại các xã, như: Hua Thanh, Mường Pồn, Thanh Yên, Noong Hẹt, đoàn kiểm tra Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ rõ các bất cập. Kiểm tra ngẫu nhiên 12 con giống thì ghi nhận bốn con chưa bảo đảm trọng lượng, độ tuổi; một số con có biểu hiện lạ nước, kém ăn, bị tiêu chảy dẫn đến gầy, suy nhược.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư tổ chức kiểm tra việc thực hiện của cộng đồng dân cư để đánh giá cụ thể nguyên nhân, chất lượng; đồng thời yêu cầu đơn vị cung ứng con giống thực hiện đúng, đầy đủ cam kết về bảo hành con giống theo quy định.

Thông tin về tiến độ cấp phát con giống hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ nguồn vốn sự nghiệp các chương trình, ông Ngô Xuân Chinh cho biết chi tiết: Triển khai dự án hỗ trợ sản xuất cho người dân, đến thời điểm này, toàn huyện Điện Biên có 85 cộng đồng đã lựa chọn đơn vị cung ứng và cấp phát con giống cho các hộ dân, với tổng số 2.160 con bò.

Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có 20 dự án, với tổng số 457 hộ được hỗ trợ 549 con bò giống (ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 13,648 tỷ đồng; vốn đối ứng của người dân là hơn 863 triệu đồng). Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 65 dự án hỗ trợ 1.611 con bò cho 1.200 hộ dân; tổng kinh phí mua bò giống từ chương trình này là hơn 37,1 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 35,188 tỷ đồng; vốn đối ứng từ nhân dân hơn 1,955 tỷ đồng).

Quá trình thực hiện các dự án, Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên đã bám sát văn bản hướng dẫn, chỉ đạo từ các bộ, ngành; đồng thời huyện chủ động ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo, đôn đốc các xã, các đơn vị. Ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên cho biết: Cấp bò giống là theo nguyện vọng, đề xuất từ các cộng đồng dân cư (thôn, bản) đã được cấp xã tổng hợp, trình chứ không phải huyện quyết định.

Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập tổ thẩm định, tổ giúp việc các dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; đồng thời giao đơn vị chuyên môn là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải căn cứ các quy định hướng dẫn các xã, các chủ đầu tư lựa chọn cơ sở sản xuất, kinh doanh giống gia súc bảo đảm quy định của Luật Chăn nuôi.

Việc kiểm tra, giám sát, đánh giá cũng được huyện tiến hành thường xuyên chứ không phó mặc hoàn toàn để chủ đầu tư tự thực hiện. “Tuy đã rất cố gắng, trách nhiệm song thực tế việc cấp bò giống từ chương trình còn một số bất cập, hạn chế, đã phần nào ảnh hưởng kết quả chung. Do vậy, huyện đã yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục ngay”, ông Bùi Hải Bình khẳng định.

Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên cũng đã ban hành văn bản yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện (gọi chung là chủ đầu tư các dự án) phải chỉ đạo tổ quản lý dự án, tổ cộng đồng đến từng hộ dân tham gia dự án để kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng con giống; với con giống không đủ trọng lượng, độ tuổi hoặc mắc bệnh thì yêu cầu đơn vị cung ứng cấp đổi lại đúng cam kết bảo hành, đồng thời phải bảo đảm hồ sơ con giống đúng quy định.

Huyện cũng đề nghị thường trực đảng ủy các xã tăng cường kiểm tra việc tổ chức, triển khai các dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản do cộng đồng đề xuất, đồng thời yêu cầu đảng ủy các xã chủ động xử lý theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm sai phạm.

Chỉ đạo khắc phục bất cập trong thực hiện các dự án cấp bò giống cho người dân trên địa bàn, bà Cao Thị Tuyết Lan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên, Bí thư Huyện ủy Điện Biên nhấn mạnh ý nghĩa xuyên suốt chương trình là hỗ trợ, tạo điều kiện để người nghèo có sinh kế, điều kiện vươn lên, do vậy, các phòng, ban và Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên phải tăng cường giám sát, nắm bắt thực tiễn và cần thiết giám sát cả quá trình cấp-nhận con giống tại cơ sở.