Trong những tháng cuối năm, vấn đề thời tiết khô hanh cũng như hoạt động sinh hoạt, kinh doanh trở nên nhộn nhịp hơn.
Đặc biệt, các địa phương tại thành phố lớn với tính chất riêng biệt, có nhiều nhà diện tích nhỏ, nằm sâu với mạng lưới dây điện đan xen, áp sát nhau, từ đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sự cố cháy, nổ rất lớn.
Vì vậy, để tiếp tục nâng cao sự quan tâm, hiểu biết và hơn hết là phổ cập kỹ năng xử lý những nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra thì các hoạt động tập huấn đang được nhiều địa phương trên cả nước tổ chức.
Ông Đỗ Công Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình cho biết, buổi tập huấn sẽ trang bị cho người dân, các cơ sở kinh doanh về lý thuyết và cả các hoạt động thực hành; đồng thời, sẽ có các bài kiểm tra, đánh giá kiến thức về phòng cháy chữa cháy.
Việc tuyên truyền cũng được địa phương đẩy mạnh qua các hoạt động trực tiếp như tập huấn, kiểm tra, song song với việc thông tin qua các nhóm, cổng thông tin.
Mỗi một thời điểm, mục đích tập huấn sẽ có các nội dung phù hợp cho nhóm cư dân, cơ sở buôn bán, kinh doanh, văn phòng...để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Ông Hải đánh giá, về ý thức, mức độ quan tâm đến yếu tố an toàn, vấn đề cháy nổ của người dân được gia tăng. Điều này thể hiện qua các buổi tập huấn, khi sự tham gia của người dân ngày càng đông.
Qua kiểm tra, việc mua sắm các thiết bị báo cháy, phòng cháy chữa cháy của các hộ cũng được thực hiện đầy đủ. Một số trường hợp chưa đáp ứng được hoặc không đủ tiêu chuẩn cũng được nhắc nhở, xử lý kịp thời.
Theo chia sẻ từ Đại Úy Nghiêm Xuân Bách, Cán bộ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Công an Quận Ba Đình, việc phó mặc hoàn toàn công tác chữa cháy cho lực lượng chức năng là một hành động sai lầm. Bởi theo thực tế địa hình khu dân cư tại thành phố lớn như Hà Nội, lực lượng cứu hỏa sẽ bị hạn chế rất nhiều trong việc tiếp cận mục tiêu.
Trong khi đó, với những đám cháy có tính chất nguy hiểm, chỉ thời gian ngắn sau khi cháy đã có thể thiêu rụi cả căn nhà. Khi đó lực lượng cứu hỏa tới nơi hầu như chỉ làm nhiệm vụ chống cháy lan và dập lửa.
Vì vậy, việc chủ động trang bị kiến thức, khả năng thực hành cứu hỏa cho cộng đồng, các hộ dân là yếu tố tiên quyết để giúp hạn chế tác hại của cháy.
Hoạt động tập huấn có tính chất thiết thực nên thu hút được sự quan tâm của người dân, các cơ sở kinh doanh tới tham dự và lắng nghe.
Theo ghi nhận từ thực tế, không ít người dân vẫn còn cảm thấy xa lạ với những thiết bị rất quen thuộc như bình chữa cháy, các thiết bị cảnh báo. Điều này thể hiện qua hoạt động thực nghiệm chữa cháy khi nhiều trường hợp cần tới 3-4 lần sử dụng bình xịt để dập nguồn cháy. Điều này cho thấy, việc đối mặt với một trường hợp thực tế là không hề đơn giản, với nhiều yếu tố bất ngờ có thể xảy ra.
Chính vì vậy, hoạt động tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy là một cơ hội thực hành rất tốt để cộng đồng làm quen với việc bản thân mình phải là chốt chặn "giặc lửa" đầu tiên.
Bên cạnh các hoạt động thực nghiệm chữa cháy, các giải pháp công nghệ giúp báo cháy, quản lý, giảm thiểu nguy cơ cháy cũng được giới thiệu tới người dân.
Tham gia tập huấn, người dân được cung cấp các thông tin về cách thức tiếp cận, xử lý tình huống cháy nổ, trực tiếp trải nghiệm các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, chuyển tải đến người dân những kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn.
Đại Úy Đàm Quang Thịnh, Cảnh sát khu vực, Công an phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình cho biết, vào dịp cuối năm lực lượng chức năng đã phối hợp, tổ chức nhiều giải pháp để tuyên truyền, nhắc nhở người dân để công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy được thực hiện đầy đủ, an toàn.
Vì vậy, việc tuân thủ các yêu cầu an toàn cần chủ động thực hiện như: không để đồ đạc, hàng hóa lấn chiếm đường, lối thoát nạn. Không tàng trữ, kinh doanh trái phép hàng hóa, hóa chất dễ cháy, nổ, sử dụng các thiết bị điện không bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy...
Ngoài việc trang bị thiết bị chữa cháy xách tay, mỗi căn nhà phải có ít nhất hai lối thoát nạn; đồng thời, không để vật dụng, hàng hóa dễ cháy ở lối thoát hiểm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị quản lý, chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy chữa cháy, nâng cao nhận thức của người dân.